Số phận một hào kiệt đất võ

Chủ nhật, ngày 04/05/2014 12:01 PM (GMT+7)
Chàng Lía xuất thân từ kẻ cùng đinh bị đè nén, đem tài năng võ nghệ siêu quần của mình lấy của nhà giàu chia cho người nghèo, thanh thế vang động cả dải Nam Trung bộ hồi đầu thế kỷ XVIII.
Bình luận 0
Lía được xem là vị anh hùng dân gian, là cánh én trên vòm trời của tập đoàn phong kiến suy vi, báo hiệu cho phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vĩ đại sau này.

Hành trạng của chàng Lía đã phổ biến sâu rộng ở Đàng Trong thời điểm ấy và kéo dài nhiều thế hệ qua một bài vè hàng nghìn câu lục bát, nghệ nhân diễn xướng bằng lối nói thơ, hát kể “Ai vào Bình Định mà nghe- Nói thơ chàng Lía, hát vè Quảng Nam”.

Mả chàng Lía
Mả chàng Lía

Chúng tôi lặn lội đi tìm thăm ba di tích ở Bình Định, một là mả chàng Lía ở Truông Mây, căn cứ địa khi xưa chàng tập họp lực lượng, hiện nay thuộc xã Ân Đức huyện Hoài Ân, hai là hang chàng Lía ở Núi Bà thuộc xã Cát Trinh huyện Phù Cát, ba là mả mẹ chàng Lía ở Hòn Sưng, thuộc xã Bình Thành huyện Tây Sơn.

Trong ba địa điểm kể trên, trừ mả chàng Lía ở Truông Mây chỉ cách thị trấn Tăng Bạt Hổ khoảng 3 km đường sá thông thoáng dễ đi, còn lại hai địa danh sau phải trèo núi, có người phát lối chỉ đường, leo hàng tiếng đồng hồ gai góc, đặc biệt hang chàng Lía phải trèo qua những tảng đá núi cheo leo, hơi nguy hiểm.

Thế nhưng bên cạnh sự huyền bí là sức hấp dẫn đã lôi kéo bước chân ngưỡng mộ của kẻ hành hương. Những người địa phương đã nhiệt tình tự nguyện đưa đường chúng tôi và họ cũng không giấu giếm niềm tự hào chính đáng khi được sống trên vùng đất có di tích độc đáo và thiêng liêng ấy.

 Phát lối lên Hòn Sưng-di tích mộ Mẹ chàng Lía
Phát lối lên Hòn Sưng-di tích mộ Mẹ chàng Lía.

Tuy nhiên, có một thực trạng đau lòng là cả ba nơi đều tuyệt nhiên chưa hề có một động thái nào liên quan đến sự quan tâm của những cơ quan có trách nhiệm. Ngay ở mả chàng Lía, một ngôi mộ xây bằng đá ong hoành tráng, có vòng nội và thành ngoại nhưng bị đào phá tan hoang, Miếu Mục Đồng cũng cơ hồ mất dấu tích. Còn ở hang chàng Lía thì đã bị thợ đục đá các nơi tràn về phá đến sườn dốc.

Có lẽ không có động thái kịp thời thì chẳng bao lâu nữa sẽ mất tích luôn cửa hang hùng vĩ. Riêng mả mẹ chàng Lía, từ hồi chống Mỹ, quân Nam Triều Tiên nghi ngờ cách mạng cất giấu vũ khí, đã phá tung, giờ chỉ còn một hố nông, có tảng đá bùi ngùi.

Đi thăm quê chàng Lía
Đi thăm quê chàng Lía.

Một bậc hào kiệt đã trở thành truyền thuyết, nhân vật vinh danh trong các thể loại bài chòi, tuồng hát cũng như nhiều tác phẩm thơ văn trung cận đại, kể cả hiện đại mà di sản hữu thể của chàng từ ngày giải phóng miền Nam đến nay chưa nhận được một viên gạch trùng tu nào thì chắc là điều không bình thường.

Thậm chí, cách đây khoảng trên mười năm, một số tên đường mang tên các anh hùng và thi nhân địa phương được hiện lên trên bản đồ thành phố Quy Nhơn. Nhưng riêng đường Chàng Lía đã bị một bài báo công kích là nhân vật truyền thuyết dân gian sao đem đặt tên đường! (Bên cạnh đó, còn có chuyện cười ra nước mắt khác là đường Hàn Mặc Tử cũng bị có đơn kiện với lý do ông nhà thơ này chưa tham gia cách mạng ngày nào!).

Một trí thức địa phương viết bài phản hồi lại ngay (dù không được đăng) bảo ngay Lạc Long Quân, Âu Cơ cũng từ truyền thuyết dân gian đấy thôi, nhưng đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của dân tộc Việt, lẽ nào họ không góp phần tô điểm cho truyền thống địa phương ở phương diện góp mặt vào bảng tên đường.

Võ sư Hồ Sĩ biểu diễn màn võ Chàng Lía
Võ sư Hồ Sĩ biểu diễn màn võ Chàng Lía.
Đường lên Hang Chàng Lía-Núi Bà
Đường lên Hang Chàng Lía-Núi Bà.

Hay là cái câu “Chiều chiều én liệng Truông Mây- Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành” đã vận vào đời chàng. Bên cạnh sự vây bủa của quan quân hồi tại thế, ba trăm năm sau chàng còn bị vây bủa bởi tệ quan liêu vô cảm biến dấu vết chàng thành hoang địa.

Chàng có thể cõng mẹ nhảy qua nhiều ngọn núi, liệng mâm từ mái nhà rồi nhảy lên mâm bay qua rừng gươm giáo gậy gộc của cường quyền, hoặc vác tấm phản gõ bị dây trói thít chặt trên lưng đỡ bao hòn tên mũi đạn, nhưng tất cả những miếng ngón của chàng đều thuộc võ nghiệp, có thể tránh sức mạnh hiện hữu nhưng không thể tránh sự thâm u của những ngón đòn văn.

Một ngón dư luận dù thiếu thiện chí cũng chưa nghiệt ngã bằng ngón đòn thờ ơ quên lãng. Dân gian, trong đó có môn nhân làng võ xem chàng như biểu tượng nhưng họ không có quyền lực đem giấy bút làm thành những “kế hoạch” “dự án”, biến hình tích của chàng thành “địa danh văn hóa” sống động hóa trên “bản đồ du lịch” nhằm quyến rũ bước hành hương của người ngưỡng mộ.
Nguyễn Thanh Mừng (Nguyễn Thanh Mừng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem