Những bậc lão trượng nơi đất võ

Nguyễn Thanh Mừng Thứ tư, ngày 26/03/2014 09:37 AM (GMT+7)
Trên những nẻo đường du khảo, tôi được tiếp xúc với nhiều bậc lão trượng ở miền đất võ, tuổi đời thì cao chất ngất nhưng tâm trí rất minh mẫn. Lão trượng ở đây, tôi hàm ý chỉ các cụ trăm tuổi trở lên...
Bình luận 0
Theo quy định trong Luật Người cao tuổi là Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà, như Hòa thượng Thích Phước Thành ở chùa Thiên Phước, Hòa thượng Thích Ngọc Lộ ở chùa Trúc Liên chẳng hạn.

Tôi tham dự trong nhiều lễ cúng Phật do lão sư Phước Thành chủ trì, lão sư mời chúng tôi ăn cơm chay, trước khi ra về nhà chùa còn tặng chậu hoa sống đời đỏ rực.

Lão sư Ngọc Lộ ở trong khu vườn rất nhiều cau và trúc Quan Âm, bên hồ nước có khắc câu kệ “Có thì có tự mảy may - Không thì cả thế gian này cũng không”.

Cổ thụ chùa Long Sơn
Cổ thụ chùa Long Sơn
Ở Bình Định có hàng trăm cụ trên trăm tuổi, trong đó cụ Nguyễn Thị Dã (1891 -2013) ở Mỹ Cát ở thôn Chánh Hội, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, Bình Định được thừa nhận là người sống thọ nhất tỉnh từ trước tới nay, thọ 123 tuổi. Cụ có 16 người con, trên 100 cháu và chắt. Lên núi, tôi cũng gặp được những người Bahnar sống trên mức trăm năm, vẫn còn thương trời và trời cũng thương họ.

Tôi được Hòa thượng Thích Ngọc Lộ kể cho tôi nghe về con người, cuộc sống và cảnh vật thành Bình Định những năm đầu thế kỷ XX, khi lão sư còn thơ ấu, đi học trường tiểu học Pháp Việt với các bạn Yến Lan, Chế Lan Viên… Từ tư liệu sống của lão sư, kết hợp với những ghi chép từ lời kể của các danh gia Bình Định thuở sinh thời cũng như nhiều tư liệu thành văn, tôi đã tỉ mẩn khảo tả được nhiều di chỉ trong công trình nghiên cứu của mình.

Điều diễm phúc nhất của người làm văn hóa dân gian khi được tiếp xúc với các bậc thượng thọ là cảm xúc mênh mang về quá vãng được cụ thể hóa bằng hơi thở, giọng nói, sự liên thông lịch sử kết nối bằng những nhân chứng sống.

Cây Đa ở Kim Châu
Cây Đa ở Kim Châu.

Hãy tưởng tượng, những Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Phạm Văn Ký, Phạm Hổ… những người góp phần làm cho miền đất võ rạng danh về văn chương, giờ họ đều thành thiên cổ, thì trước mặt ta quý giá thay, còn đôi người cùng thời với họ đang vẫn cười với bình minh, dạo bước ra khu vườn chăm chút những cành xanh mới nảy lộc, bảo ban vài điều với thế hệ sau, kể về họ với những lời tôn quý.

Đời người, ai cũng biết là hữu hạn, nhưng ai cũng vui mừng trân trọng trước những con người vượt qua mức bách niên trong cái khung hữu hạn ấy, nhất là sự thông tuệ chưa quay lưng với họ. Ít nhất, họ đã sở hữu một gia tài có tên là thời gian, thứ mà bao nhiêu vua chúa đổ bạc vàng ra níu kéo mà luôn luôn trơn vuột!

Cổ thụ bên bãi biển
Cây cổ thụ bên bãi biển.

Hình như những bậc thượng thọ này đều sống ở vùng nông thôn, rừng núi, hoặc ít nhất trong tốc độ đô thị hóa mù mịt đã liệt họ vào sổ bộ mang tên phố phường, họ vẫn còn một khoảng vườn râm mát giữa thiên nhiên.

Đa số những lão trượng này đều là nông dân. Hoặc dù là chức sắc tôn giáo đi nữa, họ đều có niềm vui thú sau giờ kinh kệ là chăm bón luống đất tự vun xới, rau cỏ xanh rờn, hoa lá ngát hương và không khí khoáng đạt.

Cội xuân tuổi hạc
Cội xuân tuổi hạc.

Những ngày du khảo, hết gặp những bô lão, tôi lại gặp những đời cây. Đời cây, còn dài hơn đời người. Có những cây đa, cây thị, cây bồ đề, cây sanh, cây sộp, những bô lão kể rằng, hồi cha tôi hỏi ông nội tôi, ông nội tôi bảo ông từng hỏi ông cố, ông cố trả lời cũng từng hỏi ông cao, cây này to từng mấy người ôm không xuể từ thời ông cao.

Cứ mỗi thế hệ, gốc cây lại xòe thêm một vòng tay ôm nữa. Cây me ở Bảo tàng Quang Trung được công nhận là cây di sản, có từ thời tuổi thơ ba anh em Tây Sơn, cao 24m, đường kính 1,2m, tán rộng 600m2, như vậy cũng gần ba thế kỷ rồi.

Cây thị ở Cù Lâm
Cây thị ở Cù Lâm.

Bao nhiêu loài cây khác, rợp cả một vùng trời, nhân chứng của bao nhiêu đời người, dân tộc, đất nước, chiến tranh và hòa bình, gian lao và bền vững. Nếu có một phép mầu, ta nghe được ngôn ngữ của loài cây, ắt sẽ nghe được những âm vang cuồng nộ trước bạo tàn mà nhân dân gặp phải thời sông núi lầm than, tiếng reo vui khi ca khúc khải hoàn, lời thỏ thẻ muôn trùng với cuộc sống yêu thương khi mưa thuận gió hòa, mùa màng phong túc…, và ắt sẽ giải mã được bao nhiêu khúc quanh của lịch sử văn hóa.

Thật hạnh phúc cho những ai có cha mẹ thượng thọ để mình có nhiều cơ hội đền ơn sinh thành. Cội xuân tuổi hạc được ví với cha mẹ già, như Tố Như mô tả “Cội xuân tuổi hạc càng cao- Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem