Các loài ruồi sống trong nhà đậu bám trên thức ăn, truyền một số bệnh trên người, nhưng với ruồi "lính đen" thì không như vậy.
So với “ruồi nhà”, ruồi "lính đen" có kích thước lớn hơn gấp đôi, gấp ba lần so với ruồi thường. Chúng giống như những con ong ruồi nhỏ, điều đặc biệt là trứng của loài ruồi này có giá trị dinh dưỡng cao, dùng để làm thức ăn cho các loài gia cầm, thủy sản, hải sản…
Ông Huỳnh Việt Triều ở xã Vĩnh Biên (TX. Ngã Năm) bên mùng nuôi ruồi lính đen sinh sản.
Nhận thấy tiềm năng của con ruồi "lính đen" về giá trị kinh tế lại dễ chăm sóc, loài côn trùng này cũng góp phần tốt vào việc bảo vệ môi trường nên ông Huỳnh Việt Triều ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Biên (TX. Ngã Năm) đã phát triển mô hình nuôi ruồi "lính đen" tại gia đình.
Trước khi nuôi ruồi "lính đen", ông Triều đã nuôi con trùn quế, tiếp đến trồng cây nha đam và tận dụng nguồn nguyên liệu cây nha đam có sẵn làm nước ép cung cấp ra thị trường. Cùng thời điểm trên, nhà ông cũng nuôi gà, vịt nhưng thấy chi phí cao và ông nghiên cứu trên internet thấy trứng ruồi "lính đen" dùng cho các loài gia cầm ăn sẽ lớn rất nhanh nên ông quyết định nuôi ruồi "lính đen".
Ông Triều chia sẻ: “Để phát triển mô hình nuôi ruồi "lính đen", tôi tận dụng khu vực nuôi trùn quế trước đây để nuôi ruồi. Tôi mua 20kg trứng ruồi lính đen về, sau ấp trứng thu về số lượng bố mẹ tầm 40kg và vòng đời phát triển của ruồi khoảng 30 - 40 ngày. Thời gian ấp trứng ruồi giai đoạn ấu trùng được xem là thời kỳ đóng góp tốt nhất cho việc xử lý rác thải vì chúng có thể “tiêu thụ” hàng tấn phế phẩm nông nghiệp để phát triển.
Theo ông Triều, một tấn rau, củ, quả các loại, ruồi “xử lý” trong vòng 2 ngày cho ra 150kg nhộng ruồi và ấu trùng ăn liên tục ngày đêm không ngưng nghỉ. Càng ăn chúng càng lớn nhanh. Tầm 12 ngày - 15 ngày, nhộng chuyển sang giai đoạn làm kén và trở thành ruồi trưởng thành.
Vòng đời của ruồi lính đen trưởng thành 7 ngày và chúng sinh sản liên tục trong 2 ngày. Bưng thau chứa đầy nhộng ruồi "lính đen" đưa khách xem, ông Triều tiếp lời: "Nuôi ruồi "lính đen" không có rủi ro, bởi chúng phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 28oC đến 30oC nên trong chuồng nuôi cần giữ cho nhiệt độ thích hợp giúp ruồi sinh sôi nảy nở tốt".
Khu vực nuôi ruồi "lính đen" tại hộ ông Triều được xây dựng khá bài bản và theo trật tự nhất định, phân ra nơi ấp trứng, nơi để nuôi nhộng và chỗ để ruồi bố mẹ sinh sản. Chỉ với 40kg ruồi bố mẹ ban đầu, qua 6 tháng nuôi, ông Triều vẫn duy trì tốt số lượng ban đầu và thu về 3kg trứng ruồi/tháng, giá bán trứng ruồi là 20 triệu đồng/kg. |
Riêng nhộng ruồi lính đen được phân làm 2 loại, nhộng bán giống có giá 150.000 đồng/kg, nhộng thương phẩm 30.000 đồng - 50.000 đồng/kg, số lượng trứng và nhộng ruồi "lính đen" được ông Triều đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng.
Ông Triều cho biết thêm: “Diện tích nuôi ruồi "lính đen" bố mẹ không cần lớn, chỉ cần 6m2 là nuôi số lượng ruồi 10kg. Cái hay của nuôi ruồi "lính đen" không tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu cũng như diện tích nuôi, chỉ cần bỏ số tiền 1,5 triệu đồng đầu tư sẽ cho lợi nhuận cao. Nếu ai có nuôi chim yến, ruồi "lính đen" được xem là đối tượng dẫn dụ chim yến rất hay, vì chim yến rất thích ăn ruồi "lính đen" trưởng thành. Cái hay nữa của ruồi "lính đen" trong quá trình nuôi, tôi nhận thấy và rất yên tâm bởi ruồi không thể thành dịch vì sinh sản xong ruồi chết liền...".
Theo ông Triều, ruồi sống trong môi trường cực dơ, người nuôi không cần vệ sinh chuồng trại, chỉ cần giữ độ ẩm chuồng nuôi tốt là đảm bảo đàn ruồi sinh sôi cực nhanh. Hướng tới, ông Triều tiếp tục nghiên cứu tăng số lượng đàn ruồi và cải tạo hệ thống chuồng trại, học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất bằng việc ứng dụng công nghệ cao để cho ra sản phẩm nhộng ruồi "lính đen" chất lượng tốt hơn nữa phục vụ chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập..
Trưởng Phòng Kinh tế TX. Ngã Năm Hồng Minh Nhật cho biết: “Con ruồi "lính đen" được nuôi tại hộ ông Triều được xem là đối tượng nuôi mới trên địa bàn thị xã, dù mô hình mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đem về nguồn kinh tế tốt. Đồng thời, mô hình nuôi ruồi "lính đen" cho thấy hiệu quả về tận dụng phế phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao sản xuất trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Tới đây, đơn vị sẽ nghiên cứu để có những giải pháp nhân rộng mô hình, góp phần xử lý tốt nguồn rác thải trong sinh hoạt…”. |
Thúy Liễu (Báo Sóc Trăng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.