Sớm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

Thứ sáu, ngày 06/09/2013 12:02 PM (GMT+7)
Ngày 5.9, trong khuôn khổ của Hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn”, nhiều ý kiến tiếp tục đưa ra quan điểm, nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bình luận 0
TS Lưu Hồng Mẫn (Viện Lúa ĐBSCL) gợi ý: Để tăng cường và phát triển về mô hình sản xuất lúa bền vững gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cần phải ứng dụng các giải pháp khoa học – công nghệ cao trong chọn tạo giống lúa có tính thích nghi rộng cho các mùa vụ trong năm và tiêu chí cụ thể cho từng vùng sinh thái của vùng ĐBSCL và từng chủng loại lúa – gạo phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Còn ông Dương Quốc Xuân- Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: “Trên quy hoạch tổng thể, ngành nông nghiệp sớm ban hành, triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết cho từng vùng sản xuất. Có chính sách cụ thể đối với từng vấn đề; đặc biệt sớm nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Ngoài ra, cần có tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn, như hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện…”. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp rất cần thiết và quan trọng trong thời điểm hiện nay. Theo đó, cần phải tổ chức liên kết đa dạng, bền chặt giữa ND, doanh nghiệp và các đối tác khác. Đã đến lúc không thể tiến lên mạnh mẽ được nếu không khắc phục một cách căn cơ những hạn chế, tồn tại của kinh tế nông hộ nhỏ lẻ, tự phát”.

Theo ông Phát, muốn làm ăn lớn thì phải liên kết lại. Rõ ràng, nhu cầu hợp tác không chỉ của nhà nông mà cũng là của chính các doanh nghiệp. Phải liên kết lại để phát triển sản xuất hàng hóa hiện đại, quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả, bền vững; nâng cao vị thế, thu nhập đời sống ND; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, làm lợi cho nhân dân, quốc gia.

Ngoài ra, ông Phát cũng cho rằng, trong mối liên kết cần có cơ chế chính sách đặc thù; phân định rõ ràng trách nhiệm các bên tham gia, đặc biệt vai trò doanh nghiệp, ND. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Doanh nghiệp cần làm rõ yêu cầu, hỗ trợ, chia sẻ lợi ích công bằng với ND. Đồng thời cần sự hỗ trợ các đối tác khác như ngân hàng, đặc biệt có sự tham gia của Nhà nước. Đặc biệt để liên kết phát triển bền vững đòi hỏi phải có cơ chế phân phối lợi ích minh bạch. Đặc biệt vai trò công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch rất quan trọng, định hướng giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược liên kết với ND.
Đức Khánh (Đức Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem