Sơn La: Bỏ ngô trồng cây ăn quả, biến đất dốc thành lợi thế

Thanh Ngân Thứ tư, ngày 19/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Yên Châu là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La. Toàn huyện có hơn 24.000ha đất sản xuất nông nghiệp thì có đến hơn 2/3 diện tích là đất dốc bạc màu. Trước khó khăn đó, huyện Yên Châu đã vận động người dân đưa cây ăn quả vào trồng trên đất dốc, biến thách thức thành lợi thế.
Bình luận 0

Sau hơn 5 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc của Tỉnh ủy Sơn La, huyện Yên Châu đã trồng mới được hơn 6.000ha cây ăn quả. Nhiều diện tích nương đồi ngày nào trồng ngô kém hiệu quả, giờ đã phủ kín màu xanh của cây ăn quả các loại.

Từ bỏ ngô –cây trồng chủ lực

Từ năm 2015 trở về trước, đời sống của người dân huyện Yên Châu chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời điểm ấy, cây ngô, cây lúa được xem là những cây trồng chủ lực. Có những năm, diện tích trồng ngô của cả huyện hơn 17.000ha. Vào mùa thu hoạch ngô, trên các ngả đường trong huyện tấp nập xe ô tô chở ngô đến nơi tiêu thụ. Thế rồi, khi ngô rớt giá, nhận thấy trồng ngô không có công, nhiều hộ dân ở Yên Châu ngậm ngùi bỏ đất trống.

Cây trồng nào có thể phát triển tốt trên diện tích đất dốc bạc màu đó; làm thế nào để giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững... là những câu hỏi thường xuyên được đặt ra trong các cuộc họp của lãnh đạo địa phương. Đến năm 2016, Tỉnh ủy Sơn La đã đề ra chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc.

Bỏ ngô trồng cây ăn quả, biến đất dốc thành lợi thế  - Ảnh 1.

Yên Châu là một trong những huyện dẫn đầu tỉnh Sơn La về diện tích cây ăn quả. T.N

Trên địa bàn huyện Yên Châu đã hình thành nhiều vùng trồng cây ăn quả tập trung, góp phần phủ xanh đất dốc, hạn chế xói mòn, sạt lở đất và giúp người dân huyện Yên Châu thoát nghèo, từng bước làm giàu trên nương đồi bạc màu.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Hà Như Huệ - Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: "Chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc của Tỉnh ủy Sơn La là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng đúng nguyện vọng của bà con nhân dân trong huyện. Theo đó, huyện Yên Châu bắt tay vào thực hiện chủ trương này với nhiều lợi thế. Lợi thế đầu tiên phải kể đến, đó là người dân không còn "mặn mà" với cây ngô như trước nữa. 

Tiếp đến là các loại cây ăn quả như: Nhãn, xoài, mận... mà người dân ở một số xã, bản trồng từ nhiều năm trước đã bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Chính vì thế, việc vận động người dân chuyển diện tích trồng ngô sang trồng cây ăn quả diễn ra khá suôn sẻ. Chả mấy chốc mà phong trào phát triển cây ăn quả trên đất dốc lan tỏa rộng khắp các xã, bản trong huyện".

Đất dốc xanh màu cây ăn quả

Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện Yên Châu đã trồng mới được hơn 6.300ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn lên hơn 8.800ha. Phần lớn diện tích trồng mới cây ăn quả các loại như: Nhãn, xoài, mận hậu... là được chuyển đổi từ diện tích trồng ngô trước đây.

Đúng như lời ông Huệ nói, một số cây ăn quả như: Xoài, nhãn, mận đã bén rễ trên đồng đất Yên Châu từ nhiều năm trước. Các hộ dân chủ yếu trồng giống xoài tròn, xoài hôi và giống nhãn địa phương trên vườn nhà và cả trên nương đồi. Năm 2011, một số hộ dân ở các xã: Lóng Phiêng, Tú Nang... đã mạnh dạn ghép cải tạo giống nhãn địa phương bằng giống nhãn lồng Hưng Yên. 

Thấy ghép cải tạo mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ dân đã học theo. Đối với cây xoài thì việc ghép cải tạo mãi đến năm 2014 mới bắt đầu diễn ra ở một số hộ dân trong huyện.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Yên Châu đã xây dựng chương trình hành động phát triển cây ăn trên đất dốc. Trên cơ sở rà soát lại diện tích trồng ngô, sắn trên nương đồi kém hiệu quả, huyện Yên Châu xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu phát triển cây ăn quả cụ thể cho các xã ngay từ đầu năm. 

Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân các xã chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng cây ăn quả. Người dân các xã được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn chuyển giao về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc.

"Ngoài tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chúng tôi còn tổ chức cho người dân các xã, bản đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình điển hình ngay trên địa bàn huyện. Được "mục sở thị" những vườn nhãn, vườn xoài phát triển xanh tốt và được hỗ trợ theo chính sách của tỉnh, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đưa cây ăn quả vào trồng trên đất dốc, thay thế cây ngô, cây sắn. Phong trào phát triển cây ăn quả trên đất dốc cũng nhờ đó mà lan rộng ra toàn huyện" - ông Huệ nhấn mạnh.

Có thể lấy ví dụ ở bản Pha Cúng (xã Lóng Phiêng) - một trong những bản đi đầu của huyện Yên Châu về chuyển đổi diện tích trồng ngô trên đất dốc sang trồng cây ăn quả. Giờ đây, nhà nào trong bản cũng trồng cây ăn quả, trong đó nhãn, xoài là những cây trồng chủ lực. Nhà ít thì trồng vài nghìn mét vuông, nhà nhiều lên đến cả chục héc ta cây ăn quả. Cây ăn quả đã góp phần làm thay đổi vùng đất này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem