"Ngửa cồng ra đổ rượu tràn trề/Ngửa chiêng lên sắp thịt đuề huề/Mời Giàng về chứng cho duyên đôi lứa gắn bó không rời...".
Đồng bào Bh'noong là một nhánh nhỏ của người Giẻ Triêng cư trú ở dải đất phía tây thuộc các xã Phước Công, Phước Mỹ, Phước Thành... của huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sống theo chế độ mẫu hệ từ thuở mở đất, phụ nữ Bh'noong là chủ gia đình, có quyền quyết định mọi thứ, kể cả việc "kén rể".
|
Sơn nam Bh'noong trong lễ hội Pơ-truh. |
Chàng trai đến tuổi trưởng thành, nếu được cô gái nào để ý và có sự hậu thuẫn của cha mẹ, họ hàng, sự ưng lòng của hội đồng già làng, thì đúng vào dịp lễ hội Pơ-truh (lễ khao mừng) hàng năm, chàng sẽ bị bắt về làm chồng cô gái.
Theo phong tục, mỗi năm đồng bào Bh'noong chọn thời điểm thích hợp để tổ chức lễ Pơ-truh với ý nghĩa cầu mong thần linh che chở và giúp đỡ cho buôn làng chống lại thiên tai, dịch bệnh, địch họa... để mùa màng bội thu; dân làng đoàn kết và không ai ốm đau hay bệnh tật; heo gà, trâu bò đầy chuồng...
Lễ hội diễn ra từ 2 - 3 ngày đêm tại nhà rông. Con cháu trong buôn dù đi làm ăn ở xa mấy cũng phải về dự lễ hội. Với những sơn nữ đến tuổi lấy chồng, đã tìm được chàng trai ưng ý sẽ nhờ cha mẹ mình chọn thời điểm thích hợp đến gặp riêng hội đồng già làng để xin phép và bàn kế hoạch “bắt” con rể ngay trong ngày cuối cùng của lễ hội. Tất cả thanh niên tham gia cuộc này phải do các già làng lựa chọn. Mọi sự sắp xếp, chuẩn bị diễn ra bí mật, ngay cả "chàng rể tương lai" và gia đình anh ta đều không hề hay biết.
Đúng giờ đã định, sau mật lệnh của người già phát ra, từng tốp thanh niên vào rừng, xuống suối hay ra bãi hội để tìm "bắt" những chàng trai đã được chọn, dẫn họ về nhà rông. Ai chống cự sẽ bị trói rồi khiêng về.
Khi tất cả những chàng rể đã tập trung trên sàn nhà rông, hội đồng già làng đứng ra làm lễ se duyên: Dùng tiết gà hòa rượu cần vảy lên đầu, chấm lên trán các đôi trẻ, rồi lần lượt ban rượu "giao môi" cho các cô dâu, chàng rể uống giữa tiếng hò reo, cổ vũ của mọi người. Mỗi cặp dâu rể lần lượt được dân làng đến chúc rượu cho tới khi lâng lâng.
Thủ tục này kết thúc khi từng cặp được khiêng vào từng góc nhà rông, được đắp lên bằng những tấm chăn hoa mới nhất, đẹp nhất. Kể từ đây, chàng trai - cô gái chính thức trở thành vợ chồng, có thể qua lại giúp đỡ 2 bên cha mẹ, đợi đến ngày lành tháng tốt sẽ tổ chức lễ cưới.
"Qua bao đời, ở xứ này đã có hàng trăm cặp gái trai nên duyên chồng vợ sau lễ Pơ-truh, nhưng chưa có cặp nào bỏ nhau. Nếu vì một lý do nào đó mà người con trai rời bỏ vợ mình sẽ bị phạt rất nặng. Tục bắt chồng là nét đẹp trong hôn nhân của người Bh'noong ta, nó sẽ còn tồn tại mãi..." - già A Vi Bằng (85 tuổi) ở buôn 2, xã Phước Công, tự hào nói.
Vĩnh Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.