Sông Côn dài 171km từ núi cao ở Kon Tum chảy về Bình Định, tạo cái đầm nước nơi giải cứu công chúa
Dòng sông dài 171km, mạch nguồn từ một ngọn núi cao Kon Tum chảy về Bình Định, lúc biến mất, khi hiện ra
Thứ tư, ngày 14/08/2024 18:43 PM (GMT+7)
Sông Côn dài 171 km, diện tích lưu vực gần 2.600 km2 bắt nguồn từ hợp lưu các ngọn suối ở núi Ngọc Rô cao gần 1.600 mét của tỉnh Kon Tum. Xuống đất Bình Định, sông khởi đi từ địa đầu An Lão ở độ cao 6-7 trăm mét, rồi cứ mải miết chảy qua đất thang mộc Tây Sơn, từ nơi này được gọi bằng tên sông Côn.
Những ngày ấy tôi đi dọc sông Côn từ lúc bình minh tới hoàng hôn. Mải miết theo sông lúc cạn lúc sâu, lúc giao thủy lúc chia dòng. Tôi đi tìm sông Côn cùng với Tiểu Mục Đồng, một đứa em văn chương đất Bình Định trên chiếc xe máy cà tàng từ hạ lưu ngược lên.
Cuộc truy tìm nhiều lúc vô vọng qua những ruộng đồng nhà cửa san sát. Sông nhiều khi đã biến mất đâu đó vào đất, vào bờ tre ruộng rạ. Nhưng rồi sông vẫn hiện ra, cường tráng, cuồn cuộn.
Chúng tôi khởi đi từ cửa Thị Nại, nơi cuối cùng của dòng Côn, để ngược dần về Tuy Phước, rồi An Nhơn, Tây Sơn...
Ngang qua nơi huyền sử kể rằng Trần Khắc Chung dong thuyền xả thân cứu Huyền Trân công chúa khỏi giàn thiêu, nơi từng xảy ra biết bao nhiêu cuộc thủy chiến khốc liệt tiếng va chạm chiến thuyền binh đao như còn văng vẳng, nay nhiều chỗ đã thành ruộng thành đồng không giấu nổi bùi ngùi. Bãi bể hóa nương dâu, thế sự phù trầm.
Nhưng có phải vậy không, khi tới nơi có tên Gò Bồi thì dòng sông lại đầy ắp, xanh trong. Nhà lưu niệm Xuân Diệu ở làng Tùng Giản cũng chính là nơi thi sĩ chào đời nhìn ra sông vạn Gò Bồi xưa.
Đoạn này dòng sông quá đẹp với những hàng si, những gốc bần đước nước lợ như từ cổ sử hiện về. Những phụ nữ phơi từng vỉ bánh tráng bên sông, cạnh đó mấy vợ chồng ngư phủ lặn lội ven sông cào ốc, những con ốc gạo nhỏ li ti lấp lánh dưới nắng mai.
Một góc đầm Thị Nại, hạ nguồn sông Côn trên đất Bình Định từng ghi huyền tích giải cứu công chúa Huyền Trân.
Dừng chân ở Tuy Phước lên quả đồi cao mấy chục mét thăm tháp Bánh Ít được xây dựng từ 1.000 năm trước, một phía ngó xuống vùng bồi bãi nơi xưa tấp nập ghe thuyền.
Một bên ngó qua kinh xưa Đồ Bàn ôm theo thung lũng, những ngọn tháp nhỏ xíu từ xa, mà nghe Đồng nói đã đọc được rằng thời xa xưa, mỗi khi có sự biến ở kinh đô Đồ Bàn là đốt lửa lên để báo hiệu cho nhau.
Thăm đền thờ ông tổ nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Cách đó không xa là Tiểu chủng viện Làng Sông với nhà in Làng Sông - một trong 3 nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, cái nôi của chữ Quốc ngữ. Người dân địa phương quen gọi là nhà thờ Lòng Sông.
Sông luôn hiện hữu trong tâm thức cư dân bao đời, hiện hữu ngoài đời sống, nhà thờ nằm giữa vùng đồng ruộng rộng lớn lúa đang lên xanh ngắt được tưới tắm bởi nước sông Côn.
Cũng chính dòng Côn từ cửa Thị Nại từ nhiều trăm năm trước đã đưa các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha ngược thuyền lên đây. Những cặp đôi chụp ảnh cưới trước uy nghiêm giáo đường, dưới bóng những gốc sao 200 tuổi đang mùa hoa đổ trắng đất trời.
Đặt bước chân lên “hòn đá chém” trắng toát nơi bậc cấp vào nhà Phương trượng nơi chùa Thập Tháp, ngôi chùa cổ nhất đất Bình Định có tuổi đời hơn 400 năm dưới chân đồi Vân Bích (Nhơn Thành, An Nhơn). Bao giai thoại ly kỳ về máu xương mỗi thời đã đổ xuống đất này...
Sông Côn dài 171 km, diện tích lưu vực gần 2.600 km2 bắt nguồn từ hợp lưu các ngọn suối ở núi Ngọc Rô cao gần 1.600 mét của tỉnh Kon Tum. Xuống đất Bình Định, sông khởi đi từ địa đầu An Lão ở độ cao 6-7 trăm mét, rồi cứ mải miết chảy qua đất thang mộc Tây Sơn, từ nơi này được gọi bằng tên sông Côn. Hợp nhánh rồi chia dòng nhiều lần, quanh co nhiều khúc đoạn, sông ngang qua An Nhơn rồi về Gò Bồi (Tuy Phước), sau cùng về đầm Thị Nại ra biển Đông.
Sông Côn ngày trước còn gọi là sông Tuy Viễn, thuộc vùng Tuy Viễn biên trấn thời Đại Việt. Theo Quách Tấn trong Nước non Bình Định, chữ Côn mượn ở Nam Hoa kinh của Trang Tử. Rằng ở biển Bắc có con cá Côn, lớn đến mấy ngàn dặm. Sau cá biến thành con chim Bằng, lưng của chim cũng không biết đến mấy ngàn dặm, khi bay lên như đám mây che cả bầu trời.
Dừng chân nghỉ nắng nơi bãi cát dài bên dòng Côn làng An Thái. Dưới bóng cây keo trăm tuổi đổ bóng mát xum xuê, những phụ nữ, đàn ông trong làng đang phơi bánh tráng và bún Song Thằn lên những liếp tre. Hàng ngàn liếp tre như thế trắng xóa bên sông Côn.
Những chiếc bánh mỏng bằng bột gạo, cán mỏng to hơn cuốn vở, còn đặc sản bún Song Thằn sợi nhỏ được quấn kết thành từng khuôn vuông vức. Đây chính là thứ “lương khô” bí truyền của đội quân thần tốc nhà Tây Sơn trên đường hành binh ra trận.
Nghề bún, bánh truyền thống làng An Thái bên sông Côn trên đất Bình Định.
Bà Năm làm bún bánh từ giải phóng đến nay. Mùa mưa nghỉ, nắng làm. Bên cạnh là ông Hai Tân người em trong xóm. Chị em hùn sức cùng nhau làm bún kiếm gạo đã bao năm. Hỏi nhà thầy giáo Hiến, ông Hai Tân mau mắn chỉ về hướng chòm nhà phía bờ nam sông Côn.
Rồi vanh vách kể làng này ai cũng rành chuyện về người thầy dạy của ba anh em nhà Tây Sơn từ hơn 250 năm trước. Đến thời nhà Nguyễn, dòng họ giáo Hiến cũng mai danh ẩn tích bỏ đi hết rồi...
Tô Hồng Phương, bạn học trên tôi một lớp ở khoa Văn, Đại học Tổng hợp Huế ngày trước hiện là Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã An Nhơn cho biết thầy giáo Trương Văn Hiến là một hiền sĩ từ đất Hoan Châu xứ Nghệ từ gần 260 năm trước vì lánh nạn thời cuộc phải bôn ba lên thuyền vào nam, ngược dòng sông Côn hạ gánh sách vở tại vùng đất võ An Thái này mở trường dạy học.
Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ ngày ngày cắp sách học chữ, học chí khí mưu việc lớn giúp dân. Hiện vật gốc còn lại là nền móng nhà và cái giếng nước đá ong ở thôn Thắng Công (xã Nhơn Phúc, An Nhơn), đã là di tích cấp tỉnh.
Năm ngoái đã có quyết định đầu tư Nhà tưởng niệm thầy giáo Hiến kinh phí 20 tỷ đồng do thị xã làm chủ đầu tư, nhưng “chưa có tiền”!
Về đây, tôi đi tìm cây gạo làng An Thái. Bởi tâm thức bao năm cứ quanh quẩn miên man với Sông Côn mùa lũ, bộ tiểu thuyết kỳ vĩ của Nguyễn Mộng Giác. Bởi cách đây nhiều năm về đây tôi vẫn còn thấy gốc gạo huyền sử ấy, nay đâu?
Về mối tình non dại giữa Nguyễn Huệ và cô thôn nữ tên An con thầy giáo Hiến. Cây gạo đầu làng An Thái trở thành chứng nhân mối tình hai người, cũng là chứng nhân cuộc phát tích phong trào Tây Sơn. Sau ngày vua Quang Trung băng hà, An về thăm quê, “nhìn về phía An Thái.
Lòng quặn thắt khi thấy cây gạo ở bến sông đã chết khô tự bao giờ” (Sông Côn mùa lũ). Phương bảo, để hỏi lại các già làng. Và tiết lộ thêm một điều độc đáo, rằng ở làng Hòa Mỹ kế bên hiện có hàng chục cây kơnia. Bóng kơnia đổ bóng xuống sông Côn đã bao năm?
Hỏi Phương về dấu tích hãng nấu rượu An Thái trong “Tuấn, chàng trai nước Việt” nổi tiếng của Nguyễn Vỹ. Năm ấy, Trần Tuấn đang học lớp đệ tam ở Quy Nhơn thì bị đuổi học do cầm đầu cuộc bãi khóa 1925-1927.
Biết hãng rượu An Thái thuộc Công ty rượu Đông Dương của người Pháp cần dùng thư ký với mức lương 100 đồng ở chi nhánh đầu nguồn sông Côn này, chàng trai 17 tuổi quê Quảng Ngãi đã lên đây, “một nơi hương thôn có con sông lớn”.
Phương bảo nhà máy rượu thời Pháp bên kia sông (xã Nhơn Lộc) trong truyện “Tuấn, chàng trai nước Việt” ấy, nay có chủ đầu tư từ Quy Nhơn lên, với món rượu Bàu Đá nức tiếng. Nhớ lời ông Hai Tân ở bến sông, rằng làng xưa có thôn Tiệm Rượu, nay chuyển xuống Bàu Đá hết rồi.
Rượu Bàu Đá nức tiếng nhờ nước sông Côn. Bến My Lăng của Yến Lan viết năm 17 tuổi (1933) Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách/Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu/Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/Ông lái buồn để gió lén mơn râu. Bến My Lăng ở đâu? Đó chính là bến đò Trường Thi ở An Nhơn này, nơi thi sĩ sinh ra lớn lên.
“Quê ngoại bên kia bãi cát vàng/Mẹ tôi về, lỡ chuyến đò ngang/Cơn đau trở dạ không giường chiếu/Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng” (Bệnh trăng - Yến Lan). Để rồi sau mấy chục năm đất Bắc dòng sông vẫn đi theo suốt đời. Rồi lại về bên sông quê.
Bình Định nổi danh với “Bàn thành tứ hữu” - 4 người bạn ở thành Đồ Bàn bên sông Côn này là Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan và Quách Tấn. Hàn Mạc Tử từng cùng mẹ trú ngụ ở Gò Bồi những năm 1938-1939 để chữa bệnh phong với một ông thầy thuốc nam.
Nơi vắng vẻ ít người để ý. Mẹ ngày ngày chăm sóc đứa con tội nghiệp mới 26 tuổi đời bệnh đã vào giai đoạn cuối. Một năm sau Hàn vào Quy Hòa rồi mất ở đấy. Nơi bến Chuông cạnh dòng Côn hiện còn mộ mẹ của Hàn Mạc Tử là bà Nguyễn Thị Duy.
Bài thơ Giang hồ nhớ mẹ của Hàn khi vào Sài Gòn: Nước chảy thương thân bèo bọt nổi/Mây bay nhớ mẹ sớm hôm chờ. Nên thơ về sông nước của Tử bên bến sông này là nỗi buồn chất ngất: Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng/Trôi thây về xa tận cõi vô biên (Vớt hồn). Và Xuân Diệu với quê ngoại Khi má anh sinh ra/Anh đã thở hơi nước mắm của vạn Gò Bồi...
... Buổi trưa ở bến Trường Trầu, nơi xưa là điểm hội quân Tây Sơn. Bến giờ chỉ còn một lạch nước khá xanh trong lẻ loi lặng lăn tăn gió trên mặt sông cạn tràn lấp những cây ma dương (dòng họ cây mắc cỡ trinh nữ). Mọc cực kỳ nhanh.
Một cây thành ngay một rừng, nhưng không dùng được vào việc gì. Chỉ chờ lũ lên cuốn đi mới hết. Có trái vàng vàng và có hoa màu hồng phớt trắng, chỉ nở buổi sáng. Một gốc sung trĩu trịt quả bên vụng nước bến Trầu quá thanh bình.
Mấy phụ nữ đang phơi lúa, kể trước có cái chùa, bụi tre, nay dời chùa còn bãi đất trống, có bảng hiệu ghi bến Trường Trầu nay đâu mất.
Có một dòng sông mê mải chở theo hình bóng những tháp đền, thành quách huyền sử miên man của thành quốc Champa Vijaya Đồ Bàn xưa. Chở theo dọc đôi bờ bao hình bóng anh hùng và thi nhân, thượng võ, thi ca và mĩ tửu... Dòng ấy gọi là sông Côn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.