Trên dòng sông Vàm Cỏ ở Long An, dân "ra khơi" bất ngờ bắt loài cá cơm nước ngọt, nghe là lạ
Trên dòng sông nổi tiếng ở Long An, dân "ra khơi" bất ngờ bắt được loài cá nghe tên ngỡ như cá biển ngon
Thứ ba, ngày 14/11/2023 05:18 AM (GMT+7)
Hàng năm, cứ vào tháng 9 Âm lịch, mùa cá cơm lại về. Những ngư dân cù lao Long Hựu, huyện Cần Đước, tỉnh Long An háo hức ra khơi ngoài sông Vàm Cỏ lưới bắt cá cơm nước ngọt. Lưới cá cơm không chỉ có thêm thu nhập mà còn như một thú vui giải trí của ngư dân cù lao.
Mùa cá cơm nước ngọt trên sông Vàm Cỏ đoạn qua cù lao Long Hựu, huyện Cần Đước (tỉnh Long An) kéo dài khoảng 2 tháng, bắt đầu từ tháng 9, kết thúc vào cuối tháng 10 Âm lịch.
Do ảnh hưởng của nước mặn, mẻ lưới bắt được khoảng 5kg cá cơm nước ngọt trên dòng sông Vàm Cỏ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Năm nay, thời tiết thay đổi, mùa cá cơm về trên dòng sông Vàm Cỏ sớm hơn mọi năm. Mỗi con nước đánh bắt cá cơm thường diễn ra từ 5-10 ngày. Mỗi ngày đánh bắt được vài ba tiếng.
Thời gian đánh bắt cá cơm chủ yếu vào buổi sáng, khi nước từ thượng nguồn các sông Vàm Cỏ chảy về tại đoạn thuộc xã cù lao Long Hựu hợp với sông Soài Rạp đổ ra cửa biển Vàm Láng, tỉnh Tiền Giang.
Cá cơm ở đây là cá cơm sông, nhỏ hơn cá cơm biển nhưng rất béo nên mọi người thường gọi là cá cơm mỡ.
Vợ chồng anh Võ Ngọc Trường (ấp Hựu Lộc, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) có 8 năm làm nghề chài lưới trên sông nên rất kinh nghiệm trong đánh bắt cá cơm.
Chỉ cần nhìn màu nước sông đục hay trong hoặc nếm thử vị nước mặn hay lợ, vợ chồng anh biết được con nước nào có cá để đánh bắt.
Sau khi xác định con nước có cá cơm, tầm 7 giờ, vợ chồng anh Trường bắt đầu chuyến ra khơi. Anh Trường lái thuyền, còn chị Nguyễn Thanh Thúy - vợ anh, thả lưới.
Ngư dân cù lao Long Hựu, huyện Cần Đước (tỉnh Long An) ra khơi đánh bắt cá cơm tại đoạn sông Vàm Cỏ.
Cá cơm thường sống theo đàn, ở tầng nước mặt nên lưới đánh bắt có dạo ngắn, chỉ hơn 1m, mắt lưới rất nhỏ. Còn chiều dài của lưới khoảng 80m.
Anh Trường chia sẻ: “Đánh bắt cá cơm chủ yếu gần bờ, nếu lưới làm dài quá sẽ gây cản trở việc đi lại giữa các tàu, thuyền trên sông”.
Khi thuyền đến điểm đánh bắt cá, chị Thúy thả lưới theo hướng từ gần giữa sông vào bờ. Nước từ thượng nguồn đổ về, đẩy lưới và thuyền xuôi theo dòng chảy ra cửa biển. Đi được khoảng 3-4 km, chị thu lưới, bắt cá cơm.
Những con cá cơm nước ngọt trắng tinh dính lưới, ánh nắng mặt trời chiếu vào càng thêm lấp lánh như ánh pha lê. Công đoạn đánh bắt cá cơm được ngư dân thích thú, chờ đợi nhất là kéo lưới lên vì sẽ biết được mẻ lưới trúng hay thất.
Chuyến đánh bắt hôm ấy, cá cơm dính lưới cũng kha khá nhưng không nhiều so với những năm trước vì nước ngoài biển đẩy sâu vào cửa sông nên độ mặn khá cao.
Anh Trường giải thích: “Năm nay, lượng cá cơm ít hơn năm rồi. Tháng này nước mặn quá, cá cơm không nhiều chứ năm rồi nhiều lắm, có bữa bắt được gần 20 ký. Còn mấy hôm rồi chỉ bắt được có 3 ký”.
Lưới được thu hết lên khoang thuyền, anh Trường hạ ga cho thuyền dừng lại, rời buồng lái để cùng vợ giũ lưới cho cá rớt ra, gom lại cho vào thùng chứa và kết thúc một mẻ lưới đánh bắt.
Cá cơm nước ngọt đánh bắt về, bán giá 25.000 đồng/kg, đều có người đến thu mua hoặc bán cho hàng xóm.
Nghề đánh bắt cá cơm nước ngọt cũng khá gian truân vì phải phơi mình hàng tiếng dưới cái nắng gay gắt cùng vị mặn từ nước bốc lên làm rát cả da mặt.
Trong khi đó, thu nhập từ nghề này cũng chỉ đắp đổi cuộc sống qua ngày.
Chị Thúy tâm sự: “Cứ tới mùa cá cơm thì đi vậy thôi chứ mỗi bữa chỉ kiếm được vài trăm ngàn đồng”.
Thu nhập từ nghề đánh bắt cá cơm tuy không nhiều nhưng đó là nghề truyền thống bao đời nay của ngư dân cù lao Long Hựu. Cứ tới mùa cá cơm, ngư dân háo hức ra khơi như một thú vui, niềm đam mê với nghề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.