Theo người dân, chưa bao giờ nước sông Đà chảy qua xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy lại cạn như bây giờ. Ảnh Ngô Hùng
Nhìn những lồng cá trơ đáy vì thiếu nước, ông Đặng Văn Luyện, trú tại khu 5, xã Xuân Lộc không giấu được vẻ tuyệt vọng, xót xa.
Theo ông Luyện, khoảng 1 tháng nay, nước sông Đà, đoạn chảy qua xã Xuân Lộc tự nhiên cạn kiệt một cách bất thường. Gia đình ông có 21 lồng cá thì có tới hơn một nửa số lồng đã nằm trên cát hoặc đáy lồng bị lấp cát.
“Nước rút nhanh một cách bất thường, để cứu vớt số cá còn sót lại, gia đình tôi đã phải bơm, sục cát bằng máy áp lực và tời lưới lên cho nổi bè để cứu cá; huy động nhân công đào cát đáy lồng để chuyển lồng đi nơi khác tránh tình trạng lồng mắc cạn hoặc nằm trơ trên cát, làm cá chết”, ông Luyện buồn bã.
Nhiều lồng cá đã bị cát vùi lấp. Ảnh Ngô Hùng
Còn theo ông Nguyễn Văn Quang, một người nuôi cá lồng ở xã Xuân Lộc thì đây là năm đầu tiên nước sông Đà xuống thấp kỷ lục như thế này.
“Nhiều năm nuôi cá trên sông Đà, tôi chưa bao giờ thấy nước xuống thấp kỷ lục như bây giờ. Nước rút nhanh, doi cát nhô lên cao, xô vào đáy lồng khiến cả năm lồng cá giống và cá thương phẩm phải nằm trên cát”, ông Quang chia sẻ.
Cũng theo ông Quang, để khắc phục tình trạng này, gia đình ông đã phải thuê máy sục vào cát và tời lưới lên cho nổi lồng để cứu cá, đồng thời huy động nhân công chuyển cá đi nơi khác tránh tình trạng cá chết. Mặt khác, gia đình đã đem cá đi gửi ở những hộ nuôi cá lồng còn ít nước mặt. Tuy nhiên, mực nước tiếp tục xuống thấp, nhiều khả năng cá tiếp tục bị chết vì thiếu ô-xy và chưa biết khắc phục ra sao.
Người dân phải bán tháo cá khi chưa đủ lớn hoặc dồn những con cá sống khỏe vào chung lồng. Ảnh Ngô Hùng
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Thủy sản Phú Thọ cho biết, hiện nay, có khoảng 1/2 trong tổng số 146 lồng cá ở xã Xuân Lộc trong tình trạng bị cát xô vào lấp đáy lồng và cạn nước, phải di chuyển cá đi nơi khác để bảo đảm an toàn.
“Trước tình hình trên, Chi cục khuyến cáo bà con thu hoạch cá đã lớn đem bán; đối với cá giống, cá nhỏ chưa bán được tập trung sục tăng cường lượng ô-xy trong lồng cá. Thời gian tới, bà con cần điều chỉnh cơ cấu nuôi cho phù hợp, lựa những thời điểm không gặp bất lợi về thời tiết và giảm mật độ nuôi ở thời điểm này; đối với cá dài ngày, bà con phải có các giải pháp di chuyển cá vào những lồng dã chiến đưa ra những chỗ có nước vì trên bề mặt sông không phải tất cả đều cạn”, ông Tùng khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.