Sông Đà thời không còn lũ

Thứ sáu, ngày 09/05/2014 08:45 AM (GMT+7)
Cũng bởi một dòng sông dài quá, mỗi khúc là một cảnh ngộ, số phận. Con sông hao hao giống cuộc đời từ dạo đó. Có người bỏ mạng vì sóng dữ, người đói nhăn bụng bởi sóng gày, nhưng tất cả đều chảy trôi về một cõi vô định.
Bình luận 0
Không quá lời khi nói người ta ăn theo sông mà sống, nằm theo hướng sông mà thác. Bát cơm, manh áo, quyển vở, cái bút ngày thơ bé cũng từ sông mà có. Từ thuở ông bà, cha mẹ cũng chỉ biết nhìn vào sông, trông cậy vào con sóng rập rờn mà kiếm đồng tiền bát gạo.

Nước sông thẳm sâu khó hiểu như thể không ai dò tới đáy, ai hiểu được lòng sông nhỉ. Sông cần cho sự sống hàng ngày, sông bất thần lấy đi sự sống để nhúm người dân làng chài lại tụm lại quanh một đám tang rưng rưng tiếng khóc với đầy những câu khỏi không tự trả lời.

img
Xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình.

Chừng mươi năm nay, lũ không về ào ạt như ngày xưa nữa. Từng con đập đã đánh chặn, từng quãng đường lưu thuỷ đã bị thuần hoá. Xóm chài bình yên dưới hạ lưu như một xóm ngư phủ trên mặt hồ hình chữ nhật với hai cạnh dài vô định.

Giờ đây con cá con tôm không còn lạ lẫm, bất ngờ nữa. Lâu nay chúng chỉ quanh quẩn đâu đây, bữa nay rơi vào lưới, mắc câu của mình. Không còn những con cá hung tợn, hoang dã từ thượng nguồn xa xôi dạt về lộng lộn trong lưới.

Mùa lũ, lòng sông không còn củi từ rừng già trôi về, không còn một nguồn thu nhập nhưng cũng không còn ai bỏ mạng dưới dòng nước siết. Thế là, những đêm trời thanh gió mát, vài người đàn ông không ngủ được lại nhảy sang thuyền của nhau, chụm đầu lại với li rượu, con cá nướng, chuyện quanh chuyện quẩn lại kể chuyện lũ ngày xưa.

Nước năm ấy ngập lên gốc cây trứng cá trên con đường công viên. Sóng cuộn đỏ ngầu như muốn nuốt chửng đôi bờ đất đỏ. Trưa nắng, mặt sông phả sức nóng tanh nồng như nồi diêu cá, tiếng trẻ khóc đói đợi cha kéo lưới, bất thình lình tiếng người nháo nhác gọi nhau cứu vớt ai đó vừa rơi xuống dòng nước dữ…

Dần theo năm tháng cầu mọc lên nối liền đôi bờ, dòng nước thẹn thùng nằm khuất dưới bóng cầu đồ sộ. Những chiếc thuyền trai giờ thành xóm nhà nổi kiên cố quanh năm đỏ bóng cờ bay. Chiều chiều những đàn gà tha thẩn kiếm ăn quanh bờ bề tông hiện đại. Giờ tan học, thấp thoáng bóng ái dài nữ sinh tan trường đợi cha mẹ đẩy thuyền ra đón.

Mỗi sớm mai lại bi bô tiếng trẻ cười ròn tan, đêm về, tiếng ti vi, tiếng nhạc rộn rã trong mỗi căn nhà nổi. Cứ thế, người ta như đã quên hẳn những kí ức nhọc nhằn, quên hẳn tính nết thất thường, hung bạo của dòng Đà giang độc chiếm mạn Bắc.

Dẫu biết là như thế, nhưng trong mỗi câu chuyện vẫn phảng phất những hoài niệm vui buồn. Đập thuỷ điện đã đánh chặn, ngăn lũ từ rất xa, ngắt từng quãng sông mà dằn xuống cho lành tính. Nhưng từ khi dòng nước hiền hoà thì cũng cạn bớt những món quà bất ngờ của thượng nguồn ban tặng. Niềm thú vị của người hạ lưu hưởng lộc đại ngàn không còn nữa.

Chẳng bàn đến những con lợn nước thuở trước trôi theo dòng mà đến khúc củi khô cũng chẳng còn nữa. Với người ăn theo sóng, nằm theo nước thì phải tự thích nghi, nương mình mà sống. Hàng năm vào dịp hăm ba tháng Chạp, người dân lại nô nức ra bến sông phóng sinh cá chép đỏ, gửi gắm những ước nguyện tài lộc giàu sang. Nhìn cảnh ấy, người dân xóm chài chỉ mong ai cũng yêu sông nước mà thương lấy sinh linh bé nhỏ.

Một ngày nào đó không còn thấy cá con cá mẹ chết vì xung điện, nổ mìn để những chúi chép vàng, chép đỏ kia lớn lên thành những lộc thực ự mà mọi người dành tặng cho những người dân lam luc này. Biết bao nhiêu lần họ lao mình xuống dòng nước giữ để cứu lấy một người lỡ chân, một người quẫn trí toan tự sát. Người làng chài ở đây bao dung và thành thật như dòng nước muôn đời vẫn xanh trong mỗi độ thu về.
Bùi Việt Phương (Bùi Việt Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem