Sống ở phố, "mất gốc" luôn tiếng mẹ đẻ

HỮU KÝ Thứ năm, ngày 17/12/2015 06:36 AM (GMT+7)
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển đó là nhiều bộ phận người DTTS đang mất dần bản sắc văn hóa của mình, nhất là về ngôn ngữ.
Bình luận 0

Phổ biến tình trạng “mất gốc”

Vốn là người Tày chính gốc và sớm vào TP.HCM lập nghiệp, anh Nông Văn Phong cho biết đến nay anh đã quên nhiều câu, từ ngữ của tiếng mẹ đẻ. Sinh sống ở thành phố, vợ chồng anh toàn nói tiếng Việt nên hai đứa con anh không biết tiếng mẹ đẻ. “Ở đây chỉ nói toàn tiếng Việt, con cái chả biết câu tiếng Tày nào.

Mình cũng sợ sau này con cái không biết nguồn gốc nhưng sống ở đây đành phải vậy”. Còn anh Lương Văn Danh (dân tộc Nùng) cũng cho rằng ở thành phố toàn nói tiếng Việt, tìm gặp người để nói tiếng dân tộc với nhau rất hiếm. Lâu ngày nên quen, khi về nhà anh cũng chỉ nói tiếng Việt, rất ít khi nói tiếng dân tộc mình.

img

Buổi sinh hoạt giao lưu văn hóa của các bạn trẻ dân tộc Tày – Nùng ở TP.HCM. Ảnh:  H.K

Tương tự, ở nhiều vùng quê Đông Nam Bộ, tình trạng “mất gốc” cũng rất phổ biến. Anh Thạch Thanh (dân tộc Khmer, ngụ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết, ở chỗ anh, trẻ em không biết nói tiếng Khmer rất nhiều. Vì nhiều gia đình cha mẹ không dạy tiếng dân tộc cho con. Riêng anh lấy vợ người Kinh, lại ở khu vực có nhiều người Kinh sinh sống nên con anh hầu như không nói được tiếng Khmer.

Không chỉ về ngôn ngữ, nhiều nét văn hóa cũng bị mai một đối với một số cộng đồng DTTS. Theo già làng Điểu Lên (dân tộc S’tiêng, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), truyền thống văn hóa người S’tiêng đang mất dần. Vì vậy khi tỉnh Bình Phước xây dựng khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng ở sóc Bom Bo, ông nhiệt tình tham gia “cố vấn”, đồng thời hiến tặng nhiều hiện vật nhằm góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.

Cần hỗ trợ để bảo tồn

Theo Nghị định 82/NĐ-CP của Chính phủ, trên cơ sở nguyện vọng của người DTTS và điều kiện tổ chức dạy học tiếng DTTS của địa phương, UBND cấp tỉnh có quyền ra quyết định về việc dạy học tiếng DTTS trên địa bàn.  

TS Lý Tùng Hiếu (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết, tình trạng này rất phổ biến và hầu như diễn ra ở khắp nơi. Đó là xu thế tất yếu và gây thách thức cho việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Nguyên nhân là do vốn từ của các DTTS rất nghèo nàn, đa phần là các từ chỉ sự vật hiện tượng truyền thống (chẳng hạn từ điển người K’Ho chỉ có 6.000 từ, người M’Nông hơn 10.000 từ - PV).

Khi văn hóa hiện đại xâm nhập quá nhanh, các cộng đồng DTTS không kịp tiếp nhận, nên sử dụng luôn các từ tiếng Việt để chỉ các sự vật, hiện tượng hiện tại. Bên cạnh đó, đồng bào cũng biết rằng, con cái họ cần biết tiếng Việt để giúp ích cho cuộc sống sau này nên khuyến khích con học tiếng Việt. Nhưng họ lại “quên” dạy tiếng mẹ đẻ.

Theo TS Hiếu, nhà nước cần vận động, khuyến khích các gia đình người DTTS lưu giữ, bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó nhà nước cũng cần đầu tư xây dựng chữ viết, biên soạn từ điển của các DTTS, đưa nhiều ngôn ngữ DTTS vào sách giáo khoa, cần đánh giá về nhu cầu học ngôn ngữ của đồng bào DTTS... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem