Sông Tiền, sông Hậu đã đưa nước son về đồng vùng đầu nguồn miền Tây, nước son là thứ nước gì?
Sông Tiền, sông Hậu đã đưa nước son về đồng đầu nguồn miền Tây, nước son là thứ nước gì?
Thứ năm, ngày 22/08/2024 13:36 PM (GMT+7)
Năm nay, đến hạ tuần tháng 7 mới thấy nước sông Tiền, sông Hậu đổi thành màu ngói mới, dâng cao lên do lượng nước thượng nguồn tràn về, kết hợp với triều cường rằm tháng 6 âl. Lũ đã về đồng bằng. Lũ từ lâu được dân trong vùng gọi bằng cái tên hiền hòa là mùa nước nổi, mùa nước son…
Năm nay, đến hạ tuần tháng 7 mới thấy nước sông Tiền, sông Hậu đổi thành màu ngói mới, dâng cao lên do lượng nước thượng nguồn tràn về, kết hợp với triều cường rằm tháng 6 âl.
Lũ đã về đồng bằng. Lũ từ lâu được dân trong vùng gọi bằng cái tên hiền hòa là mùa nước nổi, mùa nước son…
Lũ về, ngoài gây ảnh hưởng, thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân, lũ còn mang đến nhiều nguồn lợi cho con người.
Nhưng thực tế những năm qua cho thấy, từng giai đoạn, từng nơi mà người dân và chính quyền vùng châu thổ khai thác, ứng xử với lũ một cách khác nhau...
Mùa nước nổi “hiền hòa”
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, lũ sông Mekong vào ĐBSCL theo 2 hướng, đó là theo dòng chính và từ các vùng ngập lụt Campuchia tràn xuống, tạo ra một mùa nước nổi trên diện rộng ở đồng bằng.
Tuy nhiên, hiện nay hướng dòng chảy này chỉ có thể ảnh hưởng trong những năm lũ lớn, còn đối với những năm lũ nhỏ thì mức độ ít hơn, chủ yếu chảy vào 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu, do kết cấu hạ tầng kỹ thuật (đê bao, đường giao thông…) trong vùng phát triển nhanh chóng.
So với các vùng khác trong cả nước, lũ ĐBSCL tương đối “hiền hòa”, có cường suất nhỏ, nước dâng từ từ, không đột biến lớn, trung bình 5-7 cm/ngày, lúc cực đại (xảy ra trong vài ngày) có thể đạt 20-30 cm/ngày.
Mùa nước nổi ở ĐBSCL. Ảnh tư liệu: Chụp tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Biên độ lũ tại Tân Châu, Châu Đốc (tỉnh An Giang) khoảng 3,5-4m. Tuy nhiên, vào mùa lũ, ĐBSCL chỉ chiếm khoảng hơn 5% diện tích lưu vực sông Mekong, nhưng phải gánh chịu hầu như toàn bộ lượng lũ của toàn lưu vực.
Lũ là một trong những yếu tố quan trọng tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển của ĐBSCL.
Hàng năm, có từ 1,5-1,6 triệu hecta ngập lũ vào năm lũ nhỏ và từ 1,8-1,9 triệu hecta vào năm lũ lớn, với độ sâu ngập lũ từ 0,5-4m, thời gian ngập lụt kéo dài khoảng 6 tháng, từ tháng 8-12, muộn hơn so với thượng nguồn khoảng 1 tháng.
Cùng với chua phèn và xâm nhập mặn, lũ là 1 trong 3 trở ngại lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Lũ lụt không những gây trở ngại cho sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội mà còn gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Những năm lũ lớn, gây nhiều thiệt hại cho vùng là: năm 1961, 1996, 2000, 2011, 2021, 2022. Chính vì vậy mà ở từng giai đoạn, dân đồng bằng (trong đó có tỉnh Vĩnh Long) có những cách khai thác, ứng xử khác nhau với lũ.
Linh hoạt khai thác lợi thế của lũ
Lũ sông Mekong tràn về đã tạo ra một mùa nước nổi trên diện rộng ở ĐBSCL. Các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản cũng “ăn theo” vào các tháng mùa lũ.
Nước lũ mang nhiều phù sa theo lũ qua kinh, rạch vào đồng vừa làm sạch môi trường nước, đất, vừa cung cấp lượng dưỡng chất đáng kể giúp bồi bổ cho đồng ruộng sau khi lũ rút.
Người dân và chính quyền đồng bằng từ “sống chung với lũ”, “tránh lũ” rồi “kiểm soát lũ theo khu vực, theo thời đoạn” tiến đến “chống lũ triệt để”.
Có thể thấy khoảng từ năm 1996 trở về trước, dân đồng bằng phần lớn “sống chung với lũ” vì khi đó lũ hiền hòa, lũ lớn xảy ra có chu kỳ, lũ có nhiều nguồn lợi, nhu cầu tăng vụ, hoạt động sản xuất nông, ngư nghiệp chưa lớn, nguồn lực “trị thủy, chống lũ” còn hạn chế.
Ở Vĩnh Long, quá trình kiểm soát lũ khởi động chậm hơn so với các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long. Sau năm 1999, vấn đề trị lũ bằng đê bao bảo vệ cho cây lúa, rau màu và dân cư đã bắt đầu thực hiện mạnh mẽ, nhất là sau cơn bão số 7 (1999).
Quá trình “sống chung với lũ” đã được chuyển sang “chống lũ triệt để”. Nhân dân, chính quyền đã nhanh chóng xây dựng đê bao ngăn lũ chắc chắn cho vùng cây ăn trái tập trung ở các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu và cho cả vùng sản xuất 3 vụ lúa ăn chắc.
Sau 3 năm lũ lớn (2000-2002), đê bao càng phát triển nhanh hơn. Số lượng đê bao gia tăng từ 2.700km (2002) và 3.540km (2010), 3.600km (2015) và 3.642km (2023), tốc độ tăng bình quân 100km đê/năm. Hiện toàn tỉnh đã hình thành trên 400 ô bao, khép kín 112.855ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 94,24% đất sản xuất nông nghiệp).
Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng mạnh mẽ trong vùng ĐBSCL, cùng với việc đầu tư các công trình điều tiết ở thượng lưu và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng... trong thời gian qua đã tác động sâu sắc đến việc thoát lũ, tràn lũ, từ đó làm cho lũ trong vùng ngày càng diễn biến khó lường.
ĐBSCL nằm cuối hạ lưu sông Mekong, có chế độ dòng chảy vừa phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ dòng chảy của sông này, vừa chịu tác động rất mạnh mẽ của thủy triều Biển Đông, triều Biển Tây.
Vì vậy, khi dòng chảy của sông Mekong thay đổi thì dòng chảy về hạ lưu và lũ ở ĐBSCL cũng thay đổi theo…
Lũ nhỏ, thậm chí không lũ là nguy cơ tiềm ẩn nhất trong tương lai và đã hiện hữu ở đồng bằng này. Qua diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2016, 2020 và hạn mặn gay gắt đầu năm 2023 cho thấy, vấn đề lũ và trữ lũ tại đồng bằng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cấp ngọt trong mùa khô, nhất là các tháng đầu mùa từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau.
Giờ đây, nhân dân và chính quyền trong vùng xem lũ là tài nguyên, cần có cách để khai thác hiệu quả, nhưng đáng lo là triều cường ở vùng hạ nguồn ngày càng tác động tiêu cực hơn đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Lũ đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế giảm dần, nên người dân đồng bằng cần linh hoạt khai thác lợi thế của lũ.
Thời gian gần đây, tuy lũ thượng lưu không lớn nhưng vùng hạ nguồn vẫn bị ngập sâu hơn so với trước. Tại Vĩnh Long, số liệu mực nước cao nhất hàng năm tại các trạm Mỹ Thuận (sông Tiền), Cần Thơ (sông Hậu) cho thấy rõ điều này.
Nếu như trước đây, chỉ khi có lũ cực lớn (năm 2000-2002, 2011), mực nước mới có thể đạt xấp xỉ và vượt 2m; thì nay, hầu như năm nào cũng có thể vượt trên trị số này.
ĐBSCL được đánh giá là khu vực có nguy cơ ngập rất cao vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Theo tính toán, nếu mực nước biển dâng 100cm, sẽ có khoảng 38,9% diện tích có nguy cơ bị ngập. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%).
Đó là thực trạng và xu thế mùa nước nổi ở đồng bằng trong tương lai. Vì vậy, từ đây, người dân đồng bằng cần trân trọng nguồn nước lũ từ thượng nguồn về, cần linh hoạt phân lũ, xả lũ lấy phù sa và cải tạo đồng ruộng, trữ lũ vào đồng và khai thác lợi thế của lũ.
Đồng thời cần phải quan tâm nhiều hơn về ảnh hưởng triều cường để từ đó điều chỉnh và đề ra kế hoạch bảo vệ tài sản, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kinh tế- xã hội phù hợp để tránh bị rủi ro, thiệt hại, đảm bảo cho các hoạt động và sinh kế của nhân dân trong vùng ổn định, phát triển bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.