Stress tàn phá sức khỏe

Thứ sáu, ngày 08/03/2013 15:49 PM (GMT+7)
Dân Việt - Sống hiện đại, sống tốc độ, sống không điều tiết sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái stress. Stress cũng sẽ tàn phá sức khỏe tốc độ và không kiểm soát.
Bình luận 0

Stress đến từ đâu?

Stress mà chúng ta vẫn hay gọi ám chỉ một dạng căng thẳng thần kinh. Nhưng kỳ thực, stress là một trạng thái trong đó cơ thể đang phải chịu một tác động quá lớn từ môi trường. Các tác động này có thể tác động vào thần kinh, có thể không và gây ra các tai hại như nhau.

img
Ảnh minh họa.

Chẳng hạn như bị nge tiếng ồn quá to trong một thời gian quá dài thì bạn cũng bị stress. Bị lao động cực nhọc trong một thời gian không ngừng nghỉ thì bạn cũng bị stress. Thời gian thì ít và yêu cầu hoàn thành công việc thì cao, bạn cũng sẽ bị stress.

Xuất phát từ yếu tố: nhu cầu và khả năng của cơ thể chỉ có hạn nhưng đòi hỏi của công việc, môi trường và xã hội thì lại quá cao, điều đó tất dẫn đến stress.

Có thể nói rằng, stress trong xã hội ngày càng tăng lên. Nó hiện diện ở khắp mọi nơi, với mọi người và mọi ngành nghề.

Lý do stress trong xã hội tăng lên là vì tốc độ sống và tốc độ xã hội. Trong xã hội hiện đại, công việc và kết quả làm việc luôn được đặt lên hàng đầu. Người ta luôn muốn làm được ra nhiều việc nhất chứ không muốn nghỉ ngơi nhiều nhất. Làm ngày chưa đủ người ta còn tổ chức làm đêm. Làm sáng không thỏa mãn người ta còn tổ chức làm trưa, làm ngoài giờ. Sự đòi hỏi này quá mức. Vì cơ thể là một thực thể sinh học dạng tái phục hồi. Chúng ta không thể lao động liên tục quá 4-6h. Sau khung giờ này, cơ thể bị cạn kiệt năng lượng và tái tạo không kịp. Mặt khác, các chất chuyển hóa cũng chưa đào thải kịp. Cho nên, nếu vượt qua khung giờ này thì cơ thể sẽ rơi vào trạng thái tăng cường sử dụng các chất dự trữ và phát huy tối đa. Điều này chính là nguồn cơn gây ra trạng thái stress. Một trong các tác động điển hình đó là thể hiện trên thần kinh với tình trạng đau đầu, nhức óc, mệt mỏi, uể oải và không muốn làm gì.

Stress tai hại thế nào

Nếu nói về mặt sức khỏe thì stress thực sự không tốt. Ba tác hại tiêu biểu của stress nằm ở hệ thần kinh và tim mạch. Về lâu dài stress sẽ tác động đến hệ chuyển hóa và miễn dịch.

img
Ảnh minh họa.

Trên hệ thần kinh, stress gây ức chế thần kinh. Chúng ta sẽ cảm thấy đau đầu, choáng váng, không tập trung, mệt mỏi, chỉ thấy buồn ngủ và không thể làm việc hiệu quả. Thậm chí, trong trường hợp nặng, bạn còn không thể ngủ được. Khi đó, thần kinh rơi vào trạng thái suy nhược. Nếu bạn bị stress kéo dài từ 6 tháng trở lên, sự tác động của stress biến thành suy nhược thần kinh và chúng ta chính thức phải điều trị. Khi đó, bạn hoàn toàn mất khả năng sáng tạo, tư duy, suy luận. Các hoạt động cao cấp của thần kinh bị đình trệ.

Trên tim mạch, stress sẽ làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp. Đây là một phản ứng gần như là tất nhiên của cơ thể. Stress tác động sẽ khiến cơ thể phải tăng cường hoạt động để đáp ứng lại công việc hoặc môi trường. Trong đa phần các trường hợp, cơ thể phải tổng hợp ra cortisol, một hormon có tác dụng huy động tối đa phần còn lại của cơ thể để hoạt động. Hormon này có thể có lợi trong đáp ứng với stress nhưng lại vô cùng bất lợi với hệ tim mạch. Vì nó là nguồn cơn gây ra tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim. Nếu như bị tăng trường diễn, tức stress liên miên, tình trạng rối loạn tim mạch không chỉ là thoáng qua mà thực sự là bệnh tật và chúng ta cũng bắt buộc phải dùng thuốc.

Về lâu dài, nếu bạn không biết cách điều tiết, cơ thể bạn sẽ rơi vào một trạng thái cực hạn. Khi đó, hệ miễn dịch bị tấn công. Cơ thể trở nên suy yếu lạ thường. Chúng ta không còn tổng hợp ra đủ kháng thể để chống lại vi khuẩn hoặc hiệu giá kháng thể không còn cao. Đồng thời, chúng ta còn mắc chứng rối loạn chuyển hóa mà hậu họa ngay sau đó là đái tháo đường typ 2 và rối loạn mỡ máu.

Thủ tiêu stress

Trước những tác động bất lợi như vậy, thủ tiêu toàn bộ stress là vấn đề cốt yếu. Để làm được điều này, chúng ta cần xóa bỏ nguyên nhân gây ra stress. Tức là gì, bạn cần hạ mục tiêu công việc xuống phù hợp với khả năng của bạn, trong điều kiện bạn đã phát huy tối đa.

img
Ảnh minh họa.

Trong làm việc, bạn cần biết nghỉ ngơi. Đừng đợi đến khi nào thấy nhức hết cả óc hoặc lả ra rồi mới nghỉ thì bạn đã quá stress. Thường thì làm việc 4h là tối đa. Bạn cần cho cơ thể nghỉ chừng 1h. Sau đó cứ thế luân phiên trong một ngày làm việc.

Để phục hồi cơ thể, bạn không nên làm việc quá 12h một ngày. Bạn cần ngủ đủ ít nhất 6h trong một ngày thì thần kinh sẽ tẩy bỏ hết các chất chuyển hóa có hại.

Bạn cũng đừng quên bổ sung năng lượng đủ. Vì đây là vũ khí giúp bạn duy trì trạng thái sung mãn chống stress được lâu.

Khi thấy cơ thể có dấu hiệu căng thẳng, bạn nên ngừng công việc, đừng suy nghĩ, chạy bộ, nghe nhạc, ăn một món ăn ưa thích, nghe một bản nhạc vui hoặc làm một điệu nhảy hợp gu. Bạn sẽ thấy, cuộc sống lại vui trở lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem