Sự thật chuyện "mặc áo giáp" đi bào chữa cho sát thủ Lê Văn Luyện

Thứ sáu, ngày 20/02/2015 22:15 PM (GMT+7)
Trong các vụ án gây chấn động dư luận suốt nhiều năm qua, vụ án “Lê Văn Luyện giết người, cướp tiệm vàng” cách đây 4 năm là một vụ án điển hình cho những cái khó của nghề luật sư và các luật sư bào chữa cho hung thủ phải đối diện.
Bình luận 0
Dù hành động của Lê Văn Luyện dã man đến đâu, nhưng vị luật sư bào chữa vẫn phải làm hết sức mình bào chữa cho hắn, để Luyện có một bản án nhẹ nhất. Chính điều này đã trở thành áp lực đối với luật sư bào chữa cho tên sát thủ máu lạnh này, gây sự phẫn nộ trong dư luận người dân, sự không đồng tình của thân nhân những người đã khuất…

Vụ án đắn đo nhất trong nghề

Dù vụ án đã xảy ra cách đây 4 năm, nhưng hẳn dư luận vẫn không thể quên những tình tiết man rợ của vụ thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích (ở phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang xảy ra vào đêm 24.6.2011. Hung thủ của vụ án là Lê Văn Luyện (SN 1993, trú tại xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).

Để cướp được vàng, Lê Văn Luyện đã giết chết vợ chồng chủ tiệm vàng cùng đứa con nhỏ của họ mới 18 tháng tuổi. Con gái lớn của họ mới 8 tuổi cũng bị chém đứt cánh tay. Sau đó, Luyện cướp vàng và trốn, rồi bị bắt vào ngày 31.8.2011. Vụ án gây phẫn nộ dư luận một thời, vì hung thủ quá tàn độc, mất hết nhân tính.

Sau khi hung thủ bị bắt, cơ quan điều tra tố tụng đã khởi tố vụ án và chỉ định luật sư tham gia bào chữa cho hung thủ Lê Văn Luyện. Và luật sư Nguyễn Bá Ngọc (SN 1965), Giám đốc Công ty luật số 1 Bắc Giang là người được tòa chỉ định vì nhà Luyện không thuê luật sư. Theo luật sư Nguyễn Bá Ngọc, lúc nhận lời bào chữa cho Luyện, ông cũng có những đắn đo. Ông nghĩ, kẻ mang tội giết 3 người trong đêm ở một khu phố quả là điều đáng sợ, nhưng nếu mình không nhận lời thì người khác cũng phải làm.

img
Lê Văn Luyện.
Để đi tới quyết định nhận bào chữa cho hung thủ vụ án, luật sư Ngọc cũng phải mất hàng tuần trăn trở. “Từ hôm tôi nhận quyết định của tòa bào chữa cho Luyện, tôi đã rất đắn đo. Vì biết nếu nhận vụ án này sẽ gặp phải dư luận trái chiều không tốt, thậm chí có thể gặp chuyện này, chuyện khác. Nhưng mà đã là một người luật sư thì có nhiệm vụ mà không dám nhận thì quả là một điều xấu hổ. Do đó, sau một tuần quyết định, cân nhắc tôi nhận vụ án này. Và khi đã quyết định nhận, mọi người trong gia đình đều không đồng tình, ai cũng thắc mắc tại sao lại nhận bào chữa cho Luyện?”.

Đến nay, nhớ lại tình tiết Lê Văn Luyện nhẫn tâm sát hại đứa bé 18 tháng tuổi nhiều, người vẫn nổi da gà. Kể cả luật sư Ngọc, những tình tiết man rợ của vụ án luôn ám ảnh ông. Có lúc ông nghĩ hay là dừng bào chữa cho hung thủ. Nhưng rồi, vì công việc, lậu sư Ngọc vẫn phải theo bào chữa cho tên “sát thủ máu lạnh” này.

Theo luật sư Ngọc, bản chất máu lạnh của Lê Văn Luyện thể hiện rõ nhất khi hắn gây án xong. Nhiều kẻ giết người gây án là do bị kích động hoặc thần kinh mất kiểm soát. Khi nhận ra, người ta sẽ thấy run sợ, tìm cách lẩn trốn. Còn Luyện, hắn không run, cũng không tìm cách trốn thoát ngay. Hắn “không việc gì phải vội”, nên “nhẩn nha” vào nhà vệ sinh rửa mặt mũi, chân tay, rồi thản nhiên bước đi qua những xác chết vấy máu khắp sàn, mở tủ lạnh lấy nước uống…

Bi hài chuyện đề nghị trang bị “áo giáp” đi bào chữa

Với kinh nghiệm nhiều năm đi bào chữa, tham dự phiên tòa hình sự, luật sư Ngọc cho biết: “Những phiên tòa kiểu này không nóng trên bục thẩm phán hay trên ghế luật sư mà nóng ở… ngoài cửa. Cảnh tượng người nhà đeo khăn tang, mang di ảnh, hương khói đến Tòa vẫn luôn là điều ám ảnh nhiều luật sư. Tiếng la ó, đe dọa là chuyện thường xuyên xảy ra. Nhiều lần ngồi Tòa, trống ngực luật sư đập thình thịch. Tan phiên xử, luật sư không dám ra về ngay mà phải đợi một lúc cho đoàn người đi hết”.

Luật sư Ngọc cũng tiết lộ, trong quá trình tiếp nhận, tìm hiểu vụ án để bào chữa cho Lê Văn Luyện, ông đã nhận được nhiều tin nhắn với lời lẽ không hay, thậm chí bị nhiều số máy lạ nhắn tin đe dọa. Nhưng ông không sợ hãi, bởi những chuyện như vậy thì ít nhiều luật sư nào cũng gặp. Nếu chỉ vì mấy thứ đó mà từ bỏ vụ án, hay là không dám hành nghề nữa thì không phải là lựa chọn của một luật sư chân chính.

Trước mấy ngày diễn ra phiên xét xử vụ án, luật sư Ngọc đã làm một bữa cơm trong gia đình và mời bạn bè tới dự. Trong buổi ấy, mọi người bàn tán đến phiên tòa sắp tới, và ai cũng lo cho ông là sẽ gặp bất trắc trong lúc bào chữa, vì đây là vụ án đặc biệt gây phẫn nộ dư luận.

Có người bạn làm trong quân đội đã đề nghị với ông “để tôi nhờ hai người từng làm cảnh vệ bảo vệ cho ông, ông cứ để hai người đó ở gần”. Thậm chí, có người còn đề nghị “để tôi mượn cho anh một cái áo giáp chống đạn mặc, đề phòng bất trắc”. Nhưng ông chỉ lắc đầu cười: “Tôi nghĩ phiên tòa sẽ không đến mức như vậy, vì tôi làm việc theo công lý, theo trách nhiệm sẽ chẳng ai làm khó đâu. Nếu cứ sợ sệt như vậy thì còn làm sao hành nghề được nữa?”.

Làm hết sức mình

Cũng bởi phiên tòa Lê Văn Luyện được quan tâm nhiều, nên sự nghiêm ngặt và an ninh cũng được đặt lên hàng đầu, cảnh sát cũng được bố trí dày đặc tại Tòa. Trong phiên tòa, luật sư Ngọc không thể nói theo cách của dư luận “buộc Luyện phải chết”, nhưng cũng không thể bảo vệ cho hung thủ một cách mù quáng. Đương nhiên, luật sư Ngọc phải đứng trước một áp lực lớn, với một bên là đi đúng quy định pháp luật, còn một bên là "sức nóng" của dư luận.

Trước khi bào chữa, ông quay xuống nói lời chia buồn với gia đình nạn nhân, những người đang mang vẻ mặt căm phẫn tại công đường. Còn liên quan đến mức án dành cho Lê Văn Luyện, luật sư Ngọc cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu đưa ra xét xử, Luyện chỉ phải nhận mức án cao nhất là 18 năm tù. Vì dù có mắc nhiều tội cùng lúc như giết người, cướp của, hiếp dâm... khung hình phạt cao nhất cho những người phạm tội chưa đủ 18 tuổi như Luyện chỉ dừng lại ở 18 năm tù, theo quy định của luật hiện hành.

Luật sư Ngọc cũng khẳng định, nếu luật có được sửa đổi, bổ sung thêm hình phạt tử hình đối với những trường hợp phạm tội dưới 18 tuổi thì cũng không áp dụng cho trường hợp Lê Văn Luyện, vì quy định của pháp luật luôn áp dụng những điều mới có lợi cho bị cáo. Luật sư Ngọc đã cố gắng hết sức có thể để tìm những tình tiết giảm nhẹ, những lý lẽ hay nhất để bào chữa cho vụ án.

Tuy nhiên, ông hiểu, vụ án này có tính chất hết sức dã man, tàn bạo. Hung thủ có quá ít lý lẽ để bào chữa nên ông chỉ biết hướng cho bị cáo đến sự ăn năn, thành tâm hối cải. Và tòa sẽ xử đúng người đúng tội, để hung thủ có thể làm lại cuộc đời sau những tội lỗi mà mình gây ra.

Buổi bào chữa đó đã diễ ra thành công tốt đẹp, ông đã làm hết sức mình với trách nhiệm của một người luật sư, đồng thời cũng làm dịu được những bức xúc của dư luận và người nhà nạn nhân với vụ án.

Đã 4 cái Tết qua đi, kể từ ngày luật sư Ngọc bào chữa cho vụ án Lê Văn Luyện, nhưng theo ông Ngọc: “Đây là vụ án để lại cho tôi nhiều cảm xúc, nhiều ấn tượng không thể quên trong những năm hành nghề luật sư. Hy vọng tôi cũng như các độngg nghiệp không bao giờ gặp lại một vụ án đau lòng như vậy trong sự nghiệp”.
(Theo Nguyễn Huệ/Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem