Sự thật vụ Liên Xô bắn hạ máy bay chở khách Hàn Quốc

Thứ bảy, ngày 01/09/2018 18:30 PM (GMT+7)
Ngày 1.9.1983, Liên Xô đã điều các máy bay tiêm kích tới ngăn chặn, rồi bắn hạ một máy bay thương mại Hàn Quốc, chở theo 269 hành khách và thành viên phi hành đoàn, cố tình xâm phạm không phận của liên bang.
Bình luận 0

img

Ảnh: RT.

Sự cố bắt nguồn từ một nhầm lẫn tai hại, mà mãi tới hơn 30 năm sau mới được làm sáng tỏ và "minh oan" cho Không quân Liên Xô.

Theo báo RT của Nga, sự thật chỉ được hé lộ vào năm 2015 khi Bộ Ngoại giao Nhật cho giải mật những tài liệu ngoại giao từ những năm 1970 - 1980, liên quan đến vụ bắn hạ chiếc Boeing 747-230B của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air Lines (KAL) phía trên đảo Sakhalin thuộc Liên Xô năm 1983. Đây từng được coi là một trong những tai nạn hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử thế giới.

Tài liệu giải mật của Nhật cho biết, vào ngày 1.9.1983, chiếc Boeing 747-230B mang số hiệu 007 của hãng KAL thực hiện hành trình bay như thường lệ từ New York tới Seoul, quá cảnh qua thành phố Anchorage thuộc bang Alaska, Mỹ.

Song, sau khi cất cánh từ Anchorage để lên đường tới thủ đô Hàn Quốc, chiếc KAL 007 bất ngờ chuyển hướng bay qua bán đảo Kamchatka và đảo Sakhalin của Liên Xô, nơi đặt rất nhiều căn cứ quân sự cũng như các cơ sở bí mật khác của Liên Xô. Cho đến nay, lí do cho sự thay đổi bất thường này vẫn còn là điều bí ẩn, bất chấp vô số nỗ lực điều tra của nhà chức trách các nước liên quan.

img

Chiếc KAL 007 đột ngột thay hướng bay như lịch trình thông thường (nét đứt) và di chuyển vào không phận cấm của Liên Xô (nét liền). Ảnh: CNN.

Điều đáng nói, chiếc KAL 007 tiếp cận không phận Liên Xô cùng lúc với một máy bay trinh sát Boeing RC-135 của Mỹ. Thực tế, có thời điểm, các chấm đại diện cho hai máy bay này hòa nhập vào nhau trên các màn hình radar quân sự của Liên Xô. Sau đó, các màn hình radar cho thấy, một trong những chấm này xâm nhập không phận của Liên Xô. Ngoài ra, vì một một nguyên nhân nào đó, trong suốt quá trình bay, các đèn tín hiệu gắn trên thân chiếc Boeing chở khách của KAL đều ở trạng thái tắt.

Phát hiện phi cơ lạ xâm nhập không phận, Không quân Liên Xô đã điều hai tiêm kích Sukhoi Su-15 tiếp cận để cảnh báo và ngăn chặn, buộc phương tiện vi phạm phải hạ cánh xuống một sân bay của liên bang. Đáng chú ý, các tiêm kích của Liên Xô không thể liên lạc qua vô tuyến với máy bay KAL 007 của Hàn Quốc.

Ở khoảng cách vài km trong điều kiện trời quá tối, các phi công quân đội Liên Xô đã không thể nhận diện được máy bay khả nghi. Họ cũng không thể tin, một chiếc phi cơ tắt cả đèn báo và tín hiệu liên lạc, di chuyển qua vùng trời cấm phía trên Kamchatka lại là máy bay chở khách.

img

Ảnh: Word Press.

Trước nguy cơ máy bay tình nghi làm nhiệm vụ do thám sắp tẩu thoát cùng dữ liệu thu thập được, các phi công Liên Xô được lệnh bắn hạ phi cơ xâm nhập. Một trong hai tiêm kích Sukhoi Su-15 đã nã một quả tên lửa trúng chiếc KAL 007, khiến máy bay chở khách của Hàn Quốc lao xuống eo biển La Perouses chia tách giữa đảo Sakhalin của Liên Xô và đảo Hokkaido của Nhật. Cả 269 người có mặt trên máy bay, bao gồm cả nghị sĩ Mỹ Lawrence McDonald đều thiệt mạng.

img

Liên Xô điều tàu ngầm và thuyền cứu hộ tiếp cận hiện trường rơi máy bay KAL 007 ở ngoài khơi đảo Sakhalin. Ảnh: AP.

Thảm kịch tồi tệ đã làm xấu đi nghiêm trọng mối quan hệ giữa Liên Xô với Mỹ. Sau khi điều tra, Hiệp hội Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) kết luận, các phi công của hãng hàng không Hàn Quốc đã cài đặt sai chế độ lái tự động. Trong khi đó, Moscow quả quyết, máy bay bị bắn hạ khi thực hiện nhiệm vụ do thám các thông số kỹ thuật của những cơ sở phòng không tối mật của Liên Xô trong khu vực.

Suốt nhiều thập niên, Washington luôn cáo buộc thảm kịch xảy ra vì Không quân Liên Xô cố tình bắn hạ KAL 007. Tuy nhiên, tài liệu giải mật năm 2015 của Nhật hé lộ, ngay trong năm 1983, Mỹ đã biết sự cố bắt nguồn từ việc nhầm lẫn, nhưng cố tình giấu nhẹm sự thật.

Cụ thể, 2 tháng sau thảm kịch, một quan chức cấp cao của Mỹ thông báo với các nhà ngoại giao Nhật rằng, Liên Xô đã nhầm lẫn máy bay chở khách của Hàn Quốc với một phi cơ trinh sát của nước này. Theo quan chức nói trên, Washington muốn dùng các "biện pháp bí mật" để định vị và trục vớt hộp đen của máy bay xấu số ở hiện trường, nhưng phía Liên Xô đã nhanh tay hơn.

Rốt cuộc, phải 32 năm sau, nhờ tài liệu giải mật của Nhật, Không quân Liên Xô mới được minh oan phần nào về sự cố ngoài ý muốn.

Tuấn Anh (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem