Sứa vỉa hè Hà Nội, món ăn nghi thức vào hè

Gia Tưởng Thứ sáu, ngày 05/04/2024 08:47 AM (GMT+7)
Hồi nhỏ ở quê Bắc Ninh tôi được cụ của mình dậy ăn sứa. Bây giờ, tôi tạm cư ở Hà Nôi thi thoảng vẫn lang thang ăn quà trên phố cổ, món sứa vẫn khiến tôi thèm thuồng khi tới mùa. Đây là một món ăn gần như là nghi thức đánh dấu hết xuân, ngấp nghé vào hè.
Bình luận 0

Khi những cơn gió nồm bắt đầu thổi, thì ở ngoài biển Bắc vùng Quảng Ninh Hải Phòng Thái Bình, những đàn sứa cũng bắt đầu nổi, chúng di chuyển đan xen vào nhau như những ngôi sao băng trên biển. Người vùng biển cứ đêm là rong thuyền, hay bè mảng ra là vớt được thôi, vì sứa ban đêm di chuyển thường phát sáng trên nền nước đen kịt. 

Sứa để ăn được có 2 loại. Loại màu trắng được ngư dân đảo Thanh Lân một xã đảo thuộc huyện Cô Tô Quảng Ninh vớt về cắt lấy phần đầu rồi làm sạch, sau đó dùng muối ướp để khô rồi đóng hộp, loại này thì để làm nộm, làm gỏi … ăn cũng giòn và mát lắm. Còn loại sứa đỏ dùng để ăn tươi. Vào mùa, dân ta vẫn hay dùng để làm mát cơ thể khi hè về vì sứa đỏ là thần dược của biển khơi dành cho con người.

Lại quay về với cụ tôi nếu còn sống thì cụ cũng khoảng 120 tuổi, cụ có 3 bà con gái, có một bà lấy chồng ở trong làng hay được cụ tín nhiệm đi chợ mua sứa nhất. Khi nào đi mua sứa, bà thường mang cả cái nồi đồng đi, để cho cả nước và sứa vào nồi, đặt vào thúng đội lên đầu đi từ chợ về cho miếng sứa được tươi nhất.

Cụ tôi ở nhà đã làm sẵn một con dao bằng thanh tre, rồi sau đó đi rửa tay cho thật sạch. Khi bà vừa hạ chiếc nồi đồng xuống thì cụ đã đợi sẵn đưa miếng sứa có màu đỏ như huyết dụ lên xem xét, rồi chậm dãi cắt từng miếng vừa ăn cho vào đĩa. 

Ngày xưa quê tôi chỉ có đặc sản là đậu, nên cũng chỉ có thêm bìa đậu được nướng sơ qua, rồi gói vào miếng lá tía tô, cụ chấm vào mát mắm tôm là đưa vào miệng nhai. Khi đó tôi mon men ở cạnh nghe cả thấy tiếng miếng sứa giòn sột sột trong miệng cụ. 

Tất nhiên, khi ăn cụ gọi cả đám con, cháu đến cả tôi là chắt cũng được dự bữa tiệc sứa cầu kỳ đó, tôi cũng chỉ được hầu cụ vài lần ăn sứa như thế. Cụ tôi mất đột ngột vào đầu năm 1984. Từ đó những bữa sứa đón hạ trong nhà tôi cũng không còn nữa. Cái ký ức miếng sứa đỏ cứ đi theo mãi với tôi từ lúc chưa biết chữ tới giờ.

Sứa vỉa hè Hà Nội, món ăn nghi thức vào hè - Ảnh 1.

Suất sứa dành cho 2 người ăn tại phố Hàng Chiếu

Rồi cuộc sống cứ diễn ra, tôi học xong phổ thông thoát khỏi lũy tre làng, rồi buộc phải tạm cư ở phố. Thi thoảng tôi lại lượn một mình quanh quẩn những khu phố cổ Hà Nội: Hàng Chiếu, Hàng Đồng, Hàng Nón.. Khi mùa sứa về là tôi lại sà vào ăn trong cảm giác ký ức đang ùa về, mới đầu thì cũng ngại, vì đàn ông ngồi một mình ăn quà giữa phố. Nhưng mấy năm nay thì đỡ hơn vì tôi có một bạn đồng hành "đặc biệt" cũng vì chiều tôi mà sinh ra nghiện cái món sứa đỏ chào hè này.

Tôi cũng đã ăn món sứa ở một vài tỉnh ven biển nơi xuất phát của con sứa. Nhưng phải nói ăn sứa ở Hà Nội vẫn là nhất vì nó đủ vị và rất quện, lại yên cái bụng.

Chả nhớ bao nhiêu lần nữa, tôi cũng không nhớ cả số nhà của quán sứa trên phố Hàng Chiếu. Chỉ biết quan sứa ở dưới một cái gốc cây, gần thùng rác nữa thì phải. Cứ mùa này là thấy người ta ngồi trên những chiếc ghế nhựa, rồi xúm vào một cái mâm cũng bằng nhựa. 

Trên đó có những bát mắm tôm, đĩa rau thơm nhiều tía tô, một bát ớt, mấy miếng chanh, một đĩa đậu phụ màu vàng vàng nướng than hoa thái nhỏ như viên kẹo, mấy miếng cùi dừa bánh tẻ màu trắng tinh thái mỏng, một đĩa sứa đỏ thái con chì, khô ráo. Đó là cái quán bán sứa với 35 nghìn đồng một suất mà tôi không nhớ tên. Chỉ biết ở đây ai cũng thân thiện, từ người bê đồ, bán nước trà chanh, chị trông xe, bác thu tiền, đều rất nhanh nhẹn, tinh tươm đúng tính cách người phố cổ.

Ăn uống cũng chả cầu kỳ gì, đầu tiên vắt chanh vào bát mắm tôm, lấy đũa đánh bông lên khiến màu mắm tôm đang màu đỏ xỉn, thành màu trắng ngà, rồi thả miếng ớt vào quậy thêm mấy lần nữa. Tiếp theo cấu một lá tía tô, gắp miếng dừa, miếng đậu, rồi đến miếng sứa đỏ kẹp lại. Đưa vào bát mắm tôm chấm theo khẩu vị, từ từ đưa vào miệng mà nhai. Miếng đậu bẹp ra kẹp giữa vị dừa và sứa, thêm cái vị tía tô và mắm tôm cứ quyện vào nhau, tạo thành một miếng ăn cứ ngọt ngọt, béo béo, lại rất thơm, cay cay, chua chua, nồng nồng ở trong miệng. 

Sứa là món ăn không thể vội được, vì để đưa một miếng vào miệng người ta phải thật sự khoan thai, thật sự ung dung, thật sự đĩnh đạc mà cảm nhận. Cũng là để tránh dính mắm tôm ra tay hay rớt ra quần áo của mình. 

Sứa cũng là một món mát, nên ta cũng không thể ăn nhiều được. Để tránh cho khách bị lạnh bụng, mỗi suất, người làm sứa cũng chỉ cắt độ mươi miếng, cộng với đồ ăn kèm.

Tôi là khách cũng quen mặt ở nhiều hàng sứa, nhưng đi thưởng thức món này ở Hà Nội thì chưa bao giờ bị đau bụng hay có những biểu hiện ngoài ý muốn nào. Tìm hiểu ra mới biết, các cụ nhà ta từ xưa đã giỏi chế biến món ăn lắm rồi, con sứa đỏ từ khi bắt ở biển sau khi sơ chế, đã được các cụ dùng nước nấu từ vỏ của cây sú vẹt, hay rễ của cây chay ở trên rừng để ngâm vào, vừa để bảo quản tươi ngon lại tránh cho người ăn gặp phải những điều phiền phức không đáng có như đau bụng.

Năm nay mùa sứa về, tôi lại dắt tay người bạn đặc biệt của mình tới những hàng sứa, để ăn một món rất bình dân, rất giản dị và cũng khó ăn - nếu người ta chưa bước qua được sự nghi ngại khi thưởng thức một món ngon này. Ai ăn rồi mới cảm nhận được đây là có sự kết hợp của cả rừng và biển mỗi khi xuân hết hè về.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem