Sụt giảm doanh thu vì Covid-19, vì sao DN BOT chưa được tăng phí?

Thế Anh Thứ hai, ngày 30/08/2021 11:01 AM (GMT+7)
Đến nay, có 49 dự án BOT doanh thu thấp hơn so với phương án tài chính, nếu dịch Covid-19 còn kéo dài, các doanh nghiệp BOT sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, thậm chí phá sản.
Bình luận 0

Trạm thu phí BOT sụt giảm doanh thu

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực tới doanh thu của các trạm thu phí BOT. Một số doanh nghiệp BOT đứng trước nguy cơ vỡ nợ khi bị hụt thu do lưu lượng xe không được như kỳ vọng và phải giảm phí cho một số đối tượng là bởi không có vốn tự có, phải vay ngân hàng. Nếu dịch Covid-19 còn kéo dài, các doanh nghiệp BOT sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, thậm chí phá sản.

Thông tin về doanh thu của các trạm thu phí BOT, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, Bộ GTVT cho biết, tính đến nay, báo cáo của các doanh nghiệp BOT cho thấy, trong 60 dự án BOT đang khai thác do Bộ GTVT quản lý, có 49 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính.

 - Ảnh 1.

Trạm thu phí Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: A.T

Các dự án có doanh thu thấp như: Dự án Quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn, dự án xây dựng cầu Thái Hà trên Quốc lộ 39 nối 2 tỉnh Hà Nam - Thái Bình doanh thu chỉ đạt 13%-15%; Có 4 dự án chưa được thu phí hoặc đang tạm dừng thu phí một trạm: Quốc lộ 10 đoạn tránh thị trấn Đông Hưng (tỉnh Thái Bình); dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa; dự án Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang); dự án Quốc lộ 91 và 91B (TP Cần Thơ).

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới doanh thu các trạm BOT giảm, ông Huy cho rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ phía cơ quan nhà nước, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016, Bộ GTVT và doanh nghiệp BOT thực hiện giảm giá vé cho các phương tiện lân cận trạm thu phí và giảm giá vé cho phương tiện nhóm 4, nhóm 5; chưa tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT.

Bên cạnh đó, lưu lượng xe qua trạm thu phí thấp hơn so với dự báo, trong đó có việc hình thành các tuyến đường song hành, đường ngang gần khu vực trạm thu phí; sự gia tăng các phương tiện sử dụng vé tháng/quý/năm và các phương tiện qua trạm thu phí nhiều lần trong ngày.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Anh Tú, Tổng công ty PTHT và ĐT tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết, việc giảm phí, hay dừng thu phí chắc chắn ảnh hưởng đến doanh thu, phương án tài chính và kế hoạch trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc giảm phí, chung tay cùng với xã hội chia sẻ khó khăn và phòng chống dịch Covid-19 là cấp thiết.

Ông Tú chia sẻ, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng vẫn cố gắng xoay xở để đảm bảo ổn định công việc cho cán bộ, nhân viên trong thời điểm dự án giảm phí dịch vụ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

 - Ảnh 2.

Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: VIDIFI

Nhà đầu tư năng lực yếu?

Chia sẻ về những khó khăn, đại diện Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết, theo hợp đồng và phương án tài chính, dự án sẽ tiến hành thu phí hoàn vốn tại 2 trạm (1 trạm trên QL3 cũ và 1 trạm trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới). Thế nhưng, dự án mới chỉ thu phí trạm trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới.

Nói về doanh thu, ông Thanh chia sẻ, khi chưa bùng phát dịch Covid-19, doanh thu dự án chỉ đạt 70 - 80 triệu đồng/ngày, bằng 10% so với phương án tài chính. Đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lưu lượng xe giảm sút mạnh, doanh thu bình quân mỗi ngày chỉ còn khoảng 20 triệu đồng, bằng 2% so với phương án tài chính. Hiện,doanh thu dự án không đủ để duy trì và trả lãi ngân hàng mỗi tháng 16 tỷ đồng, nếu cơ quan chức năng không giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, dự án này sẽ vỡ trận.

Trao đổi với PV Dân Việt, một chuyên gia kinh tế phân tích, hiện các doanh nghiệp đang rất cần các gói hỗ trợ của nhà nước dành cho doanh nghiệp để chống chọi qua giai đoạn khó khăn, chẳng hạn như giãn, hoãn trả nợ ngân hàng; miễn, giảm, hoãn một số loại thuế, phí; hỗ trợ cho doanh nghiệp có công nhân phải nghỉ việc, thất nghiệp...

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ phải là chính sách chung, không phân biệt loại hình, thành phần và hình thức đầu tư để bảo đảm công bằng, hợp lý. Do vậy, không có lý do gì để doanh nghiệp BOT kiến nghị chính sách hỗ trợ riêng cho mình.

Các dự án BOT có rất nhiều nhà đầu tư có năng lực tài chính rất yếu, vốn tự có chỉ chiếm phần rất nhỏ, phần lớn vay vốn từ ngân hàng. Tình trạng này dẫn đến áp lực thu hồi vốn rất lớn, Doanh nghiệp không muốn giảm phí, thậm chí muốn tăng. Đây là điều rất tai hại nếu xét dưới góc độ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích, khi tham gia dự án đầu tư xây dựng thì nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp phải thực hiện theo hợp đồng. Bản chất khi doanh nghiệp xác định đầu tư phải chấp nhận cơ chế thị trường "lời ăn lỗ chịu", mọi vấn đề đều phải dựa trên nguyên tắc của hợp đồng.

Trong trường hợp do dịch bệnh xảy ra bất ngờ làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp BOT phải xem xét trong hợp đồng có điều khoản, quy định nào về việc nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp hay không? Từ đó đưa ra các giải pháp đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem