Suýt phá sản trắng tay, làm cách nào để một ông nông dân nuôi cá chép to bự ở Lào Cai thành tỷ phú?

Hải Đăng Thứ sáu, ngày 01/09/2023 12:53 PM (GMT+7)
Từ khi lai tạo thành công giống cá chép mới, ông Hoàng Xuân Phú (dân tộc Giáy) ở thôn Luổng Đơ, xã Cốc San, TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) luôn đắt hàng, có thời điểm trang trại của ông sản xuất cá giống không đủ cung cấp cho khách hàng tại các tỉnh, thành.
Bình luận 0

Bén duyên với cá đặc sản

Lão nông Hoàng Xuân Phúc có dáng người vạm vỡ, tóc bạc trắng nhưng khuôn mặt luôn hồng hào, miệng luôn nở nụ cười tươi. 

Chia sẻ về công việc của mình, ông bảo: "Hơn 20 năm làm nghề cá giống, vợ chồng tôi cũng trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Hành trình làm kinh tế của tôi cũng giống như người leo núi, có lúc leo lên đỉnh cao rồi lại xuống dốc, có lúc tưởng chừng như mình đã lao xuống vực thẳm nhưng lại phải cố gắng bám trụ và leo lên thoát hiểm. 

Thảm nhất là khoảng cuối năm 2016, trang trại của tôi bị lũ quét, hơn một nửa số ao cá giống, cá bố mẹ, cá thương phẩm bị nước lũ nhấn chìm và cuốn trôi, thiệt hại lên đến gần 1 tỷ đồng".

Sau trận "đại hồng thủy" khiến vợ chồng ông Phúc kiệt quệ tưởng phải bỏ nghề, nhưng họ quyết dìu nhau "đứng dậy" làm lại từ đầu. 

Từ một số ao cá còn sót lại, đến nay trang trại của ông Phúc đã mở rộng lên 4ha với 16 ao đủ các loại từ ao cá bố mẹ, ao cá thương phẩm, ao cá bột, cá giống…

Từ bờ vực phá sản, đứng lên làm… tỷ phú cá giống - Ảnh 1.

Ông Hoàng Xuân Phú chọn lọc cá bố mẹ đưa vào bể sản xuất cá giống tại trang trại của gia đình ở xã Cốc San, TP.Lào Cai. Ảnh: H.Đ

Trước đây, ông Phú từng chạy xe đến khắp các vùng miền Bắc và miền Trung nhập cá giống về bán cho các trang trại trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Vừa làm, ông vừa chịu khó ghi chép, học hỏi kỹ thuật nuôi cá và đưa về áp dụng vào nuôi cá tại trang trại của gia đình. 

Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ông đã thuần thục trong việc sản xuất cá giống. Khi thị trường cá giống truyền thống gặp khó khăn, ông Phú chọn nuôi thêm cá bỗng - một loại cá đặc sản ở địa phương.

Theo ông Phú, khác với các loại cá khác, cá bỗng là loài có sức đề kháng tốt, chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, cá chủ yếu ăn bèo, thân chuối, rau, giun lại nuôi được với mật độ cao, có đầu ra tương đối ổn định, giá bán cao hơn so với các loại cá trắm, chép, rô phi... nên ông quyết định đầu tư nuôi cá đặc sản thương phẩm. 

"Thời điểm những năm 2013-2015, bình quân một năm doanh thu từ nuôi cá bỗng của tôi đều đạt khoảng 800 triệu đồng, trừ chi phí thì lợi nhuận của gia đình cũng đạt khoảng 300 triệu đồng, chưa kể tiền bán các loại cá giống khác" - ông Phú kể.

Thành danh với giống cá chép mới

Từ bờ vực phá sản, đứng lên làm… tỷ phú cá giống - Ảnh 3.

Anh Hoàng Ngọc Toản (27 tuổi, con trai ông Phú) thu cá bố mẹ tại ao của gia đình ở xã Cốc San, TP.Lào Cai. Ảnh: H.Đ

Sau trận lũ lịch sử năm 2016, ông Phú lại lao vào đầu tư nuôi cá giống nhưng lúc này thị trường đã bão hòa nên đầu ra rất khó khăn. Bí bách, ông Phú bàn với vợ nhập cá chép ở Vân Nam (Trung Quốc) về trại để thử nghiệm lai tạo giống cá mới.

"Lúc đầu tôi đưa cá ngoại về ghép đàn "chung giường" với cá chép ta, nhưng do số lượng, mật độ nuôi quá nhiều nên cá tranh giành, cạnh tranh thức ăn, "bạn tình". 

Cá ta yếu nên nhiều con bị tấn công kiệt sức, chết nổi trắng ao" - ông Phú nhớ lại và cho biết, sau nhiều năm tìm hiểu và nghiên cứu, thử nghiệm liên tục bị thất bại, đến khoảng năm 2019, trang trại mới lai tạo được lứa cá giống mới.

Cá chép ngoại khi trưởng thành có con đạt trọng lượng lên đến hàng chục kg, nhưng để lọc cá sinh sản tốt nhất trại chỉ chọn cá đực có kích cỡ từ 4-6kg/con ghép phối với cá chép ta từ 3-5kg/con. Để có con giống tốt nhất, cá bố mẹ sẽ được chăm sóc riêng theo chế độ đặc biệt bằng thức ăn công nghiệp có độ đạm thấp và bổ sung thêm thóc, đỗ mầm… đảm bảo cá bố mẹ đủ chất dinh dưỡng nhưng không béo mập mà săn chắc.

Đến mùa giao phối, trang trại sẽ giăng chài bắt chọn cá chép đực ngoại (cá đực có thân hình thon dài, có gờ nhám ở vây ngực, lỗ sinh dục lõm, khi vuốt nhẹ bụng phía gần lỗ sinh dục thấy có chất dịch màu trắng chảy ra), cá chép cái ta (cá cái có vây ngực nhẵn, lỗ sinh dục lồi, màu đỏ hồng khi thành thục sinh dục, thân hình tròn bầu).

Sau khi lọc, cá bố mẹ đạt tiêu chuẩn sẽ được đưa vào "phòng riêng" là các bể tròn có mái che, rộng khoảng vài m2, có nước sạch, thả giá thể (bèo). Trong khoảng thời gian từ 12-15 giờ, cá bố mẹ giao phối xong sẽ được đưa ra ao nuôi. Trứng và tinh cá hòa quyện vào nhau bám vào giá thể và nở ra cá con.

Sau khoảng hơn 48 giờ, cá con nở ra nhỏ như sợi tóc, chủ trại sẽ cho cá ăn bằng bột màu pha với lòng đỏ trứng gà. Sau khoảng 3 ngày dưỡng trong bể, cá non được thả ra ao cá bột, nếu thời tiết thuận lợi chỉ khoảng trên dưới 20 ngày nuôi cá lớn bằng chân hương, trại sẽ thu hoạch cá bán cho khách.

Tại trang trại đang nuôi trên 2.000 cá chép bố mẹ nhưng ông Phú cân đối khai thác mỗi con cá cho giao phối, sinh sản duy nhất một lần trong năm để đảm bảo sức khỏe sinh sản kéo dài khoảng 4-5 năm.

Từ chỗ chỉ sản xuất cá giống theo mùa vụ, đến nay, trang trại của ông Phú đã tìm ra bí quyết sản xuất cá chép giống quanh năm. 

"Tùy từng mùa, trại cho cá "ngủ cùng giường" với nhau theo tỷ lệ khác nhau. Mùa xuân, trại cho cá chép đực ngoại phối với cá chép ta theo tỷ lệ 1:1. Mùa hè thì tỷ lệ cao hơn khoảng 1:5 (tức là 1 cá đực ngoại phối với 5 cá chép cá ta). Nếu thời tiết có mưa lũ, hệ thống lọc nước tuần hoàn sẽ tự động phân tách nước bẩn ra khỏi ao, trong ao quạt nước hoạt động liên tục cung cấp oxy cho cá luôn khỏe mạnh. 

Trong những ngày mùa hè, ngoài trời nhiệt độ cao thì trại sẽ đưa cá vào bể có mái che bật quạt điều hòa nước về nhiệt độ tối ưu khoảng từ 23-25 độ C phù hợp để cá giao phối thuận lợi nhất" - lão nông Phú tiết lộ.

Cá giống mới do ông Phú lai tạo ra mang ưu điểm thân hình trường, dài, mẫu mã đẹp, kháng bệnh tốt của cá bố ngoại và chất lượng thịt thơm ngon của cá chép ta. Thời gian nuôi giống cá mới được rút ngắn chỉ khoảng trên dưới 6 tháng được thu hoạch nên khách hàng tại các tỉnh rất ưa chuộng, đặt mua nhiều.

Từ khi lai tạo thành công ra giống cá chép mới, trung bình mỗi năm, trang trại của ông Phú bán ra thị trường các tỉnh, thành hàng chục triệu con cá chép giống, thu về khoảng từ 2-3 tỷ đồng. Hàng năm, trại của ông tạo cộng ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Nhiều năm liền, mô hình nuôi cá giống của ông Phú đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đặc biệt, năm 2016, gia đình ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. 

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) đánh giá: Mô hình chăn nuôi cá của ông Hoàng Xuân Phú đã tận dụng được vùng trũng thấp, canh tác lúa khó khăn hay bị thiên tai chuyển sang nuôi cá thương phẩm, sản xuất cá giống rất hiệu quả. Đây là mô hình chăn nuôi rất hiện đại, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu rất cần được nhân rộng ra các tỉnh, thành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem