Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: "Kho báu triệu đô" rất cần cơ chế, chính sách đặc thù

Hồng Liên Thứ sáu, ngày 27/05/2022 06:31 AM (GMT+7)
Thiên nhiên ưu đãi đã ban tặng cho Việt Nam tới hơn 5.000 loài thảo dược, dược liệu quý. Nhưng tiếc thay người Việt lại chưa biết biến "món quà từ thiên đường" thành vàng, thành những hàng hóa có giá trị cao, dễ sử dụng rộng rãi.
Bình luận 0

Trò chuyện với Dân Việt trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam tại tỉnh Sơn La vào ngày 29/5, anh Trần Văn Tân - Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới mong muốn Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành sẽ có cơ chế, chính sách riêng cho nông dân và doanh nghiệp đang và sẽ trồng, chế biến và phát triển cây dược liệu.

Bỏ lỡ "kho báu dược liệu" hàng trăm triệu đô mỗi năm

Phát triển cây dược liệu ở Việt Nam không phải vấn đề mới nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi dịch Covid-19 tác động nhiều chiều đến đời sống kinh tế - xã hội, cần thay đổi cách nhìn về cây dược liệu Việt Nam, đặc biệt là vai trò của cây dược liệu trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống cho đồng bào ở nhiều địa phương.

Theo con số mới cập nhật của Viện Dược liệu thì đến nay, chúng ta đã ghi nhận hơn 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. 

Trong số đó, có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm như diếp cá (5.000 tấn), cẩu tích (1.500 tấn), lạc tiên (1.500 tấn), rau đắng đất (1.500 tấn)...

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: "Kho báu triệu đô" rất cần cơ chế, chính sách đặc thù - Ảnh 1.

Nông dân đang chăm sóc vườn rau má hữu cơ của trang trại Queenfarm tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm (thị trấn Tân Phong, tỉnh Thanh Hóa).

Trên rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng cũng đưa tin các loại cây dại bờ rào Việt Nam thành "thần dược" đắt giá được cả thế giới săn lùng. Chẳng hạn như quả gấc được người Mỹ gọi là "loại quả đến từ thiên đường", cây lạc tiên được người Nhật, người Mỹ vô cùng ưa chuộng và săn lùng ráo riết bởi công dụng chữa chứng bệnh mất ngủ và an thần tuyệt vời từ loại cây "thần dược" này.

Thế nhưng có một thực tế đáng buồn là người Việt cạo trọc cả rừng thuốc quý để bán thô với giá rẻ mạt, và bỏ quên những món quà từ thiên đường trên bờ rào, bờ ao nhà mình.

Và có một thực tế rằng, Việt Nam chưa biến các sản phẩm từ dược liệu quý thành hàng hóa có giá trị cao và để sử dụng rộng rãi. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến dược liệu còn manh mún, chưa bắt kịp với nhiều nước trong khu vực cũng như còn nhỏ lẻ, chưa bảo đảm sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu to lớn của thị trường 100 triệu dân và xuất khẩu.

Chính vì thế, dù có một "kho báu" các thảo dược quý nhưng người Việt vẫn chi hàng trăm triệu USD mỗi năm để nhập nguyên liệu thảo dược từ nước ngoài về. Và loại quả đến từ thiên đường như gấc hay cây lạc tiên, hay thậm chí là loại rau trước nay cho không ai nấy như rau má… vẫn chỉ là những tiềm năng còn ngủ quên ở ngoài hàng rào của khu vườn dược liệu Việt.

Tìm chìa khóa mở cửa "kho báu" dược liệu Việt

Trong khi nước ngoài nhòm ngó "kho báu" dược liệu Việt, tìm mọi cách mua sỉ nguyên liệu, bán lẻ thành phẩm với giá trên trời thì có những nông dân, doanh nhân tâm huyết, trăn trở tìm cách "mở cửa" kho báu thảo dược Việt.

Đơn cử như rau má vốn chỉ là loài cây mọc tự nhiên, được xem là "sâm của người xứ Thanh", chủ yếu dùng để chế biến món ăn thường ngày - nay đã được anh Trần Văn Tân ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa nâng tầm bằng những sản phẩm có giá trị cao.

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: "Kho báu triệu đô" rất cần cơ chế, chính sách đặc thù - Ảnh 2.

Anh Trần Văn Tân bên sản phẩm từ cây rau má dược liệu.

Đặc biệt, ngày 8/2 vừa qua, anh Trần Văn Tân đã tổ chức lễ ra mắt và giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ rau má, hứa hẹn không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn vươn ra thế giới.

Năm 2018, anh Tân đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP" tại huyện Quảng Xương, đạt năng suất cao, bảo đảm chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế từ 30% trở lên so với điều kiện sản xuất thông thường. Từ đó anh Tân đã biến nhiều ha đồng đất kém hiệu quả thành một chuỗi mô hình sản xuất rau sạch đạt chuẩn VietGAP. Trong đó, cây rau má được anh Tân quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng nhất.

Đến nay, công ty đã liên kết với nhiều hợp tác xã tại các huyện, thị xã, thành phố chuyển giao quy trình, kỹ thuật chăm sóc, sản xuất rau má, bao tiêu sản phẩm với diện tích lên tới gần 100 ha.

Sau các công đoạn chuẩn bị bài bản, anh Trần Văn Tân đầu tư lắp đặt dây chuyền sơ chế - chế biến rau má. Dây chuyền này được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, với năng suất 1 tấn rau má tươi/ngày. Anh bắt đầu cho ra đời các sản phẩm: bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má, viên nén rau má, rau má tươi cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn…

Chia sẻ với Dân Việt, anh Tân tâm tư: "Trong quá trình đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu và mua dây chuyền sơ chế, chế biến cây rau má, đơn vị tôi vẫn đang sử dụng nguồn vốn tự có và nguồn vốn vay thương mại mà vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay cho nông nghiệp. Tôi rất mong Thủ tướng Chính Phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành có cơ chế để đơn vị đang sản xuất nông nghiệp như chúng tôi có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn vay nông nghiệp. Bởi, hiện nay các nguồn vốn vay cho nông nghiệp thủ tục rất khó khăn và rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được".

"Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là thị trường trong nước mà còn phấn đấu đưa các sản phẩm chế biến từ rau má xứ Thanh hướng đến xuất khẩu, vươn ra các thị trường nước ngoài khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ, Úc, Thái Lan và một số nước châu Phi. Hiện nay, tôi đã có nhiều đối tác ở nước ngoài quan tâm, đặt hàng: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, một đối tác ở Ấn Độ đã đặt mua rau má tươi 3.000-3.500 tấn/năm để chiết xuất tinh dầu rau má" - anh Trần Văn Tân chia sẻ.

Nông dân Trần Văn Tân cũng bày tỏ thêm: Hiện nay nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, đơn vị của anh đang có nhu cầu muốn mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm nhà máy. 

Tuy nhiên trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, người dân vẫn yêu cầu mức giá quá cao so với quy định của Nhà nước về việc đền bù đất nông nghiệp. 

 Anh Tân rất mong Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành có định hướng cũng như đưa ra cơ chế riêng về giá thu hồi đất cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đặc biệt là sản xuất cây dược liệu trong thời gian tới.

Việc phát triển cây dược liệu không chỉ giúp bảo vệ sự cân bằng sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, tương lai giống nòi. Hơn hết, sự phát triển ấy vừa góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, phát huy được tiềm năng lao động, đất đai, truyền thống và nguồn cây thuốc thế mạnh, làm nguyên liệu cho công nghiệp chiết xuất, chế biến dược liệu, hướng đến xuất khẩu, từ đó làm cơ sở quan trọng để thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem