Tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Từ "Hội quán nông dân" đến kiến thiết không gian phát triển cho nông nghiệp Việt Nam

Hoàng Trọng Thủy- Nguyên Tổng biên tập Tạp chí NTM Thứ bảy, ngày 10/04/2021 10:26 AM (GMT+7)
Vốn là một kiến trúc sư của ngành xây dựng, ông Lê Minh Hoan- tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT được biết đến nhiều qua các mô hình "Hội quán nông dân" khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Giờ đây, khi đã là tư lệnh ngành nông nghiệp, ông đang đứng trước thách thức về việc kiến thiết một không gian phát triển cho nông nghiệp nước nhà.
Bình luận 0

Không gian phát triển ngành nông nghiệp sẽ được cụ thể hóa bằng xây dựng chính sách, KHKT – công nghệ và nền tảng các giai tầng nông dân. Dẫu biết rằng, nông nghiệp như con thuyền ra khơi có sóng to, gió lớn…!

Tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Từ "Hội quán nông dân" đến kiến thiết không gian phát triển cho nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan được biết đến là người có nhiều kiến thiết cho phát triển nông nghiệp ở Đồng Tháp khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy tại đây.

Không để nông dân "lủi thủi trên cánh đồng"

Có đúng và thật vậy không? "Hội quán" thế nào mà đậm sâu trong tâm tưởng, hành động của người nông dân, làm nên sự đổi thay trong nông nghiệp, nông thôn ở Đồng Tháp? Vốn có cái "máu" của nghề báo, lại có cơ hội đi giảng dạy, hội thảo, tham gia xây dựng, phản biện chính sách "Tam nông" khá dày – Tôi chọn Đồng Tháp như một nơi trải nghiệm của mình.

Vẻ như hiểu được sự băn khoăn và có phần hoài nghi của tôi – Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan trao đổi: "Nghèo đói có nguyên nhân một phần là do người nông dân lủi thủi làm ăn một mình, đèn ai nhà nấy rạng, ruộng ai nhà nấy làm. Chúng tôi mong muốn người dân đứng lên làm chủ làng xóm của mình qua mô hình Hội quán". 

Chính vì vậy mà từ mô hình này, tỉnh Đồng Tháp đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án "Làng thông minh" giúp người nông dân tự tìm hiểu về nhu cầu giáo dục, kết nối làm ăn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp.

Tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Từ "Hội quán nông dân" đến kiến thiết không gian phát triển cho nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Hoan tại một buổi lễ ra mắt "Hội quán nông dân".

Hai lần đi cùng, hai lần trực tiếp nghe Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan giảng về hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới (theo Luật HTX năm 2012) và khuyến nông tại "Hội quán", đã để lại trong tôi những dấu ấn đẹp, sâu sắc về phương pháp tiếp cận và năng lực biến sự dài dòng, khó hiểu từ trong sách vở thành hình ảnh truyền thông giản đơn dễ nhớ, dễ hiểu đối với "Hai Lúa" miền Tây – vốn thích làm hơn học và nghe.

Khi giảng giải về thành lập HTX và kinh tế hợp tác ở "Hội quán" thuộc huyện Cao Lãnh và Sa Đéc - ông Hoan sử dụng màn ảnh chiếu có hình ảnh đàn cá nhỏ, bầy cá to để minh họa: Trong kinh tế thị trường thì có cạnh tranh "Cá lớn nuốt cá bé". Ông Hoan phân tích, muốn tồn tại phát triển thì cá nhỏ phải tập hợp nhau thành đàn, đồng sức đuổi cá to đi – Nó cũng giống như nông dân phải thành lập HTX mới theo Luật 2012.

Những năm ông Lê Minh Hoan là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp được biết đến nhiều thông qua hình ảnh thân thiện và năng động; là điểm đến của nhiều du khách, khẳng định thương hiệu "Đất Sen hồng". Giờ đây, trọng trách trên hai vai ông là Bộ trưởng NNPTNT, Nhà nông kỳ vọng vào ông là một kiến trúc sư giỏi, người lãnh đạo, quản trị giỏi và sự mẫn cảm đặc biệt đến từ một trái tim luôn hòa cùng nhịp đập với trái tim lớn của người nông dân Đất Việt. Họ luôn luôn nhận biết được thời thế, lúc thịnh, lúc suy, khi bình yên, khi nguy biến để biết hành động đúng đắn và kịp thời.

Khi đuổi được cá lớn đi rồi, lắm khi các đàn cá nhỏ lại đánh nhau vì tranh giành lợi ích. Muốn các đàn cá nhỏ không đánh nhau và đoàn kết phát triển thì phải có lợi ích chung – Nó giống như các HTX phải liên kết với nhau thành Liên minh HTX trong một tổ chức ngành hàng. Nông dân Đồng Tháp cần làm như vậy. Sự cần thiết về thành lập HTX, Liên minh HTX cũng như vậy!

Khi ứng dụng KHKT – công nghệ, giúp người nông dân tiến tới khá giả, làm giàu thì HTX phải tổ chức khuyến nông tới tận ruộng, tận vườn, khuyến ngư đến tận đìa nuôi tôm cá. Ông Hoan trình chiếu câu chuyện "Rùa chạy thi với thỏ", những mô hình điển hình tiên tiến có hiệu quả cao trong nuôi trồng cây con của tổ hợp tác, hộ gia đình, trang trại. Ông chia sẻ trong "Hội quán".

Khuyến nông phải chuyển từ hộ sang nhóm hộ, HTX; từ 1 khâu sang nhiều khâu; từ 1 công đoạn sang cả gói tổng thể từ đầu vào sản xuất đến bán hàng theo chuỗi giá trị - có thế mới thành công. Cũng như "Rùa chạy thi với thỏ": Chủ quan thì nhanh như thỏ cũng thua Rùa; đường dốc thì chậm như Rùa thì không bao giờ thắng Thỏ; nếu qua sông thì Rùa phải cõng Thỏ để cả 2 cùng thắng. Khuyến nông cho nông dân thì HTX và doanh nghiệp phải như đũa có đôi.

Tại Đồng Tháp, các địa phương xác định việc xây dựng và phát triển mô hình "Hội quán nông dân" tiến tới thành lập hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền cơ sở lựa chọn những địa bàn dân cư đông, có các tổ liên kết sản xuất do những nông dân có cùng ngành nghề, cùng địa bàn tự thành lập Hội quán. Ban sáng lập hội quán do hội nông dân xã chủ trì vận động, các hội viên nông dân tham gia là những người có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, kinh doanh.

Ban chủ nhiệm hội quán được lựa chọn từ những nông dân sản xuất giỏi, kinh doanh hiệu quả, có tâm huyết, kinh nghiệm, có uy tín, có tư duy "dám nghĩ, dám làm". Trong đó, có một số Hội quán đã xây dựng, kết nối liên kết tiêu thụ nông sản thành công như Đông Tân Hội quán (TP. Cao Lãnh) với mô hình "Cây cam nhà tôi"; Minh Tâm Hội quán (huyện Cao Lãnh) với mô hình "Cây xoài nhà tôi"; Canh Tân Hội quán (huyện Châu Thành) xây dựng và kết nối thành công việc tiêu thụ nhãn với các doanh nghiệp...

Tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Từ "Hội quán nông dân" đến kiến thiết không gian phát triển cho nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 5.

Ông Hoan sinh hoạt, trao đổi cùng nông dân tại Hội quán.

Có thể khẳng định, các mô hình hội quán đã gắn kết được với Ban quản lý cộng đồng dân cư tự quản xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp đô thị tại các khóm, ấp có mô hình Hội quán. Cấp ủy, chính quyền đã trở thành cầu nối gắn kết giữa các doanh nghiệp với nông dân, bước đầu đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản giúp người nông dân an tâm trong sản xuất, tăng thu nhập và tránh được nhiều rủi ro.

Từ chủ trương đến hiện thực, "Hội quán" đã thật sự là ngôi nhà chung của nông dân, ở đó tính tự nguyện, tự chủ của người dân được đề cao, là nơi để người dân cùng bàn bạc, sẻ chia kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch, chất lượng để đi đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị nông sản, nông dân có thu nhập cao hơn, ổn định hơn và quan trọng hơn hết là thoát khỏi cái bẫy của sản xuất nhỏ, manh mún, tự phát và sự "lủi thủi của người nông dân trên những cánh đồng"

Tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Từ "Hội quán nông dân" đến kiến thiết không gian phát triển cho nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 6.

Mô hình sen- lúa ở Đồng Tháp

Không gian nào cho phát triển nông nghiệp Việt Nam thập kỷ tới?

Hàng chục năm đã qua, chúng ta cứ đi tìm một định nghĩa vẹn toàn về "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Vì thế mà tư duy sản xuất nông nghiệp luôn hướng tới thành tích vụ này năng suất phải hơn vụ trước, năm sau phải cao hơn hẳn năm trước. Vì thế mà tính hiệu quả của sản xuất ít được coi trọng, không được đo bằng giá trị thực lãi của người nông dân có được sau một vòng đời của sản phẩm, của một vụ, một năm.

Nhân dân suy cho cùng không đòi hỏi gì nhiều ở những người lãnh đạo ngoài tinh thần dấn thân cho quốc gia, dân tộc và tấm lòng trung thực dành cho họ. Những nhà khoa học, quản lý trong ngành nông nghiệp như Lương Định Của, Bùi Huy Đáp, Kim Văn Nguộc (Kim Ngọc), Đào Thế Tuấn… là những người có phẩm chất như vậy đã mãi trong tâm khảm của người nông dân. Chỉ cần vậy thôi, thì các hành động sẽ luôn luôn kịp thời và đúng đắn để tạo nguồn cảm hứng lớn lao cho dân tộc và quốc gia, cho ngành nông nghiệp vượt qua thử thách, đi lên và phát triển vững bền.

Vì thế mà nhiều phen nông sản ế thừa, hai từ "giải cứu" đã làm tổn thương đến người tiêu dùng và người nông dân làm ra nông sản. Vì thế mà sức mua trong thị trường nội địa và khu vực nông thôn dù cố kéo tăng, nhưng vẫn trồi trụt. Vì thế mà "nông nghiệp là trụ đỡ" nhưng đường đi tới no đủ và làm giàu vẫn là một ước vọng xa xôi.

Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 -2030, đặc biệt là Việt Nam đã ký kết, gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là cơ hội để có thể xuất khẩu nông sản nhiều hơn, có chất lượng và giá cao hơn. Thị trường trong nước, người tiêu dùng cần được thỏa mãn sức mua nông sản là thách thức đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. 

Trên cơ sở đó, Chiến lược phát triển nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu, theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển bền vững theo chuỗi giá trị, thân thiện với môi trường; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên cơ sở ứng dụng nhanh khoa học và chuyển giao công nghệ, trong đó, nông nghiệp số là một nhu cầu.

Tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Từ "Hội quán nông dân" đến kiến thiết không gian phát triển cho nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 9.

Những con đường nông thôn tuyệt đẹp ở Đồng Tháp.

Bởi thế, thách thức chờ đó tân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan trong thiết kế mở rộng không gian phát triển nông nghiệp, hiện thực hóa "tư duy kinh tế nông nghiệp" bằng sự tăng tiến có chất lượng, hiệu quả được kỳ vọng ở mấ y điểm:

Xây dựng chính sách, trước hết là chính sách đất đai, chính sách đầu tư công, vốn tài chính và phân bổ nguồn lực cho phát triển vùng miền. Và xa hơn là chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới.

Về KHKT – công nghệ, cần có lộ trình rõ ràng và tính khả thi phát triển KHKT – công nghệ bảo quản, chế biến để tối ưu hóa sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với giá trị gia tăng cao. Trong đó, số hoá nông nghiệp để có thể kết nối toàn diện và từ đó phân bổ tiềm lực và điều tiết các nhu cầu sản xuất kinh doanh. Ví như ta có bản đồ số về các sản phẩm chủ lực của cây trồng vật nuôi vào thời điểm nào thì các nhà máy có thể ở địa phương này vẫn có thể điều tiết dễ dàng nguồn cung nguyên liệu để phù hơp phát triển từ địa phương khác.

Về nền tảng các giai tầng nông dân trên cơ sở trang trại, gia trại, HTX nông nghiệp, liên minh HTX theo ngành hàng mà ở đó, người nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Đó là 3 vấn đề lớn để mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm cơ hội hợp tác và tăng trưởng; là điều cần đặt ra khi hoạch định chiến lược phát triển mang tính chiến lược với vị "Tư lệnh" ngành nông nghiệp, nông thôn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem