Thuốc có chứa Salbutamol là thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới với chỉ định trong điều trị hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và chống đẻ non. Theo phản ánh và thực tiễn triển khai hậu kiểm của Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan, trước đây, có hiện tượng nguyên liệu Salbutamol để sản xuất thuốc đã bị một số doanh nghiệp, cá nhân thuộc ngành khác sử dụng sai mục đích, trong đó có việc làm chất tạo nạc trong chăn nuôi.
Sabutamol dùng để sản xuất thuốc điều trị hen, tuy nhiên, có thời gian đã bị lợi dụng làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Từ cuối năm 2015 đến nay, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNN, Bộ Công an để thực hiện nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để ngăn chặn việc sử dụng nguyên liệu Salbutamol làm thuốc bị sử dụng sai mục đích làm chất tạo nạc trong chăn nuôi.
Hiện nay, thuốc có chứa Salbutamol và nguyên liệu Salbutamol để sản xuất thuốc đã được các ngành phối hợp đưa vào danh mục chất phải kiểm soát đặc biệt, việc quản lý thuốc và nguyên liệu làm thuốc có chứa Salbutamol đã có các quy định chặt chẽ về thuốc quản lý đặc biệt tại Luật Dược 2016.
Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8.5.2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược và các Văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời có các chế tài xử lý vi phạm cũng như phối hợp chặt chẽ với C49 và các đơn vị thanh tra, xử lý các doanh nghiệp bán không đúng đối tượng.
Ngày 22.3.2018, Bộ Y tế đã tổ chức buổi họp với các đơn vị của Bộ NNPTNN, Bộ Công An (A83, C49), Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương, các công ty sản xuất, một số bệnh viện.. để xác định nhu cầu đối với thuốc có chứa Salbutamol và giải quyết các vướng mắc về việc nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol.
Theo thông tin từ thanh tra Bộ NNPTNT, trong năm 2017, cơ quan này đã lấy và kiểm tra 3500 mẫu thịt, 100% âm tính với Salbutamol. Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) thôn cũng không loại trừ khả năng việc người chăn nuôi không sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi là do giá thịt lợn trong thời gian vừa qua luôn ở mức thấp.
Theo Cục Quản lý Dược, với các văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định đầy đủ từ việc báo cáo của doanh nghiệp, phân cấp quản lý đến các Sở Y tế đối với việc quản lý thuốc phải quản lý đặc biệt. Mặt khác có sự phối hợp rất thường xuyên giữa các Bộ ngành theo quy chế phối hợp giữa Bộ Y tế với Bộ Công an, Bộ NNPTNT trong việc kiểm tra, giám sát.
Các đại biểu tham dự cuộc họp trên đã thống nhất việc tiếp tục cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol tại thời điểm hiện tại là thực sự cần thiết và đề nghị Bộ Y tế có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo. Sở Y tế, Ban Quản lý an toàn thực phẩm phối hợp với Sở NNPTNT, Công an tỉnh, thành phố (PC49),… tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát và hoạt động sản xuất kinh doanh nguyên liệu Salbutamol, thuốc có chứa Salbutamol theo đúng các quy định về quản lý thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý và các cơ sở chăn nuôi đóng trên địa bàn.
Các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cá nhân cũng như các cơ sở kinh doanh để thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý thuốc phải kiểm soát đặc biệt nói chung và thuốc, nguyên liệu làm thuốc Salbutamol nói riêng, thuốc, chất không được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.
Xử phạt nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm theo quy định.
Để đảm bảo thuốc và nguyên liệu làm thuốc được sử dụng đúng mục đích phục vụ nhu cầu chữa bệnh của nhân dân, Bộ Y tế cũng đề nghị các Bộ, ngành thống nhất các chủ trương tái cấp phép nguyên liệu Salbutamol và phối hợp chặt chẽ để quản lý, chỉ đạo các Sở, ngành địa phương tăng cường giám sát, tăng cường tuyên truyền cho nhân dân để người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ Y tế sẽ rà soát lại nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân để tái cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol trong thời gian sắp tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.