Tăng cường kiểm tra, rà soát chặt sản xuất và chế biến cà phê

Đình Thắng Thứ sáu, ngày 27/04/2018 11:15 AM (GMT+7)
Xung quanh vụ việc cà phê nhuộm pin xảy ra ở cơ sở sản xuất tại xã Đăkwer, huyện Đăk R'lấp (Đăk Nông), mới đây ông Nguyễn Nam Hải (ảnh)– Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã có trao đổi với phóng viên Báo NTNN.
Bình luận 0

img

Dư luận đang rất hoang mang và bất bình trước sự việc một cơ sở dùng lõi pin để trộn vào cà phê ở tỉnh Đăk Nông. Quan điểm của Hiệp hội về vụ việc này?

- Vụ cà phê trộn sỏi và nhuộm pin tại cơ sở thu mua nông sản tại xã Đăkwer, được lực lượng cảnh sát môi trường và các cơ quan chức năng phát hiện từ ngày 15 – 17.4. Cá nhân tôi có nhận xét như sau, đây là cơ sở thu mua nông sản nhỏ lẻ, chủ yếu thu mua phế phẩm cà phê và hồ tiêu… để cung cấp cho những thương lái thu gom. Không phải là doanh nghiệp cung ứng lớn, không phải hội viên của VICOFA.

Lực lượng chức năng phát hiện trong kho có hỗn hợp 21,265 tấn đã ngâm tẩm, nhuộm đen bằng lõi pin được xác định là vỏ cà phê và sỏi đá nhỏ 0,5 – 10mm, dùng cối trộn bê tông trộn hỗn hợp, sau đó sấy khô đóng bao để đưa đi tiêu thụ.

Nếu sản phẩm này được đưa đi tiêu thụ, dù bất cứ mục đích gì (đấu trộn với cà phê rang xay, đấu trộn với nông sản khác, nguyên liệu làm phân giả và mục đích mờ ám khác) đều rất nguy hiểm đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng. Bởi vì trong lõi pin chứa nhiều kim loại nặng như chì, kẽm, asen, thủy ngân.

Chính vì vậy phải khẳng định rằng việc cơ sở chế biến thu mua nông sản ở Đăk Nông trộn lõi pin, đá sỏi và vỏ các phế phẩm cà phê là hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính cũng như thương hiệu các sản phẩm của ngành cà phê Việt Nam, cần phải phê phán và lên án.

img

Lực lượng chức năng đang kiểm tra cơ sở thu mua nông sản có hành vi trộn pin vào cà phê.  Ảnh: I.T

"Qua sự việc này, đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở doanh nghiệp thu mua chế biến rang xay cà phê và hàng hóa nông sản, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ. Đặc biệt, đề nghị các bộ, ban ngành chức năng sớm hoàn thiện quy chuẩn cho các sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ, trong đó có quy chuẩn cà phê rang xay".

Ông Nguyễn Nam Hải

Sau vụ việc, người tiêu dùng đang rất lo lắng về chất lượng cà phê Việt trên thị trường, Hiệp hội có ghi nhận thực tế này?

- Ngành cà phê Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Hàng năm cà phê xuất khẩu khoảng trên dưới 1,6 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu từ 3,2- 3,4 tỷ USD. Riêng quý I.2018 đã đạt 1,028 tỷ USD.

Cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 nước trên thế giới. Những năm trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân. Tuy nhiên gần đây, để nâng cao giá trị gia tăng, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào chế biến sâu để tạo ra sản phẩm cà phê rang xay, hòa tan… nhằm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến sâu ngày càng chiếm tỷ lệ cao so với trước.

Những năm gần đây, nhu cầu uống và tiêu thụ cà phê của người dân trong nước cũng tăng cao, đạt 10 – 12% so với 5-7% trước đây. Dự báo những năm tiếp theo sẽ tăng lên 20 - 30%.

Những thương hiệu cà phê truyền thống của các doanh nghiệp Việt Nam đang ổn định và phát triển kể cả quy mô và chất lượng sản phẩm như: Vinacafe Biên Hòa, Nestle, Trung Nguyên, Mê Trang, Thu Hà, Phương Vi… Ngoài ra, những thương hiệu mới cũng liên tục phát triển mạnh và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao (thể hiện ở quy trình quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt và có vùng nguyên liệu sạch).

Điều đó khẳng định sản phẩm cà phê rang xay và hòa tan hiện nay được xuất khẩu và tiêu thụ nội địa chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp có bề dày và kinh nghiệm trong ngành cà phê, có sự đầu tư lớn, tạo ra sản phẩm trên cơ sở tuân thủ những quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn được ban hành an toàn về vệ sinh thực phẩm.

Để không xảy ra những sự việc đáng tiếc như vụ trộn pin vào cà phê vừa qua, để ngành cà phê phát triển lành mạnh, bền vững, theo ông các bộ ngành, cơ quan quản lý, địa phương cùng các doanh nghiệp cần phải làm gì?

- Hiện vụ việc nhuộm cà phê bằng pin vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, một số vấn đề chưa được làm rõ. Chính vì vậy nếu chúng ta đề cập quá nhiều về vụ việc cụ thể sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp và thương hiệu cà phê kinh doanh chân chính và thương hiệu chung của ngành cà phê Việt Nam đối với thị trường quốc tế.

Qua sự việc này, các cơ quan chức năng, các địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở doanh nghiệp thu mua chế biến rang xay cà phê và hàng hóa nông sản, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ.

Các doanh nghiệp trong ngành cà phê (từ doanh nhiệp sản xuất – chế biến – cung ứng – xuất khẩu cà phê) phải rà soát lại quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm trong tất cả các công đoạn sản xuất nhằm đảm bảo sản phẩm cung cấp ra thị trường, đến tay người tiêu dùng phải là sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm chất lượng nhất.

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem