Ngày 14.5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể thẩm tra Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012 của Chính phủ dự kiến sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tới.
Cần báo cáo các phương án tăng trưởng
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I/2012 chỉ đạt 4% nhưng được nhìn nhận là mức tăng hợp lý trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn và nhiều biến động, còn trong nước phải thực hiện mục tiêu kép (kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô).
|
Tình hình kinh tế khó khăn khiến sức mua của người tiêu dùng giảm (ảnh minh hoạ). |
Chính phủ dự báo, năm 2012, lạm phát sẽ dưới 10%, thậm chí thấp hơn. Đáng chú ý là theo báo cáo của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm từ 6-6,5% rất khó đạt được do quý I/2012, tăng trưởng chỉ đạt 4% và quý II dự báo khoảng 4,5%. “Sức ép về tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm rất lớn mới đạt cận dưới 6%” - báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Góp ý cho bản báo cáo, một số thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng trưởng năm 2012 phải đạt được con số 6%. Nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần báo cáo Quốc hội các phương án tăng trưởng kèm theo các giải pháp thực hiện cho từng phương án để chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - ông Trần Du Lịch quan ngại về nguy cơ trì lạm nếu tăng trưởng quý II chỉ được khoảng 4,5% như dự báo của Chính phủ. Bởi, CPI giảm có nguyên nhân rất quan trọng là do sức mua giảm.
“Theo một số phân tích, mức tăng trưởng 6 - 6,5% là rất khó đạt, vậy từ 5,5 - 6% có được không? Và tăng trưởng mức đó thì CPI cỡ nào? Vấn đề này cần bàn thảo kỹ”, ông Lịch đặt câu hỏi rồi lập luận: “Đấy chính là mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Bởi thực tế ngân hàng thừa tiền nhưng dư nợ tín dụng không tăng vì ngân hàng đang tập trung giải quyết vấn đề nợ xấu. Tuy nhiên, báo cáo lại chưa có giải pháp để có thể tăng dư nợ tín dụng 15 – 16%, đảm bảo mức tăng trưởng hợp lý nhưng không làm tăng nợ xấu”.
Chưa thể nói “tích cực” được!
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm đề nghị bỏ hai chữ “tích cực” tại phần đánh giá chung “tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012 đã có chuyển biến, đạt được những kết quả tích cực bước đầu, đúng hướng” trong báo cáo của Chính phủ.
“Đã có chuyển biến thì đúng rồi nhưng tích cực thì chưa, nhìn vào phần “tuy nhiên” thì sẽ thấy tình hình ngược lại với nhận xét trên” - ông Kiêm nói.
4 tháng, hơn 17.700 doanh nghiệp “chết”
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có 24.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 130.000 tỷ đồng, giảm 10,5% về số lượng và 14,1% vốn so với cùng kỳ 2011. Có hơn 17.700 doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động trong khoảng thời gian nêu trên, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
B.T.K
Ông cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong báo cáo: Đó là lãi suất còn ở mức cao, dư nợ tín dụng giảm, tăng trưởng công nghiệp thấp, tồn kho tăng cao, số doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc giải thể cao... Ông Kiêm bình luận: “Nhìn các chỉ tiêu này mà bảo là tích cực thì nghe chướng, tích cực sao còn một loạt vấn đề như vậy?”.
Thứ trưởng Cao Viết Sinh lý giải rằng dùng từ "tích cực bước đầu" cho cả nền kinh tế thì đúng là hơi “hồng”, nhưng đánh giá này là dựa vào mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát của Quốc hội. “Trong bối cảnh kinh tế đầy khó khăn của quý I/2012, duy trì được tăng trưởng 4% đã là cố gắng rất lớn rồi”, Thứ trưởng Sinh khẳng định lại.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Danh Út băn khoăn trước số liệu giảm nghèo, bởi ông cho biết đi giám sát thực tế thì vẫn thấy "tình hình rất căng". “Cả năm 2011 có 21 tỉnh xin cứu đói, năm nay mới 4 tháng mà đã có 33 tỉnh xin gạo cứu đói” - ông dẫn chứng.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.