Tăng trưởng nông nghiệp sụt giảm mạnh

Thứ tư, ngày 21/05/2014 06:50 AM (GMT+7)
Những năm trước, nông nghiệp phát triển mạnh, là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng giai đoạn này lĩnh vực này đang gặp những khó khăn.
Bình luận 0
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội trình Quốc hội khóa XIII sáng 20.5, tăng trưởng của khu vực nông nghiệp giảm sút rõ rệt, trong năm 2013 chỉ còn mức 2,67%. Các giải pháp và hệ thống tiêu thụ nông sản phẩm chưa thật sự căn cơ, chưa tạo sự yên tâm cho người dân.

Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp đang giảm dần (ảnh minh họa).
Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp đang giảm dần (ảnh minh họa).

Cơ quan này cho rằng, cán cân thương mại mặc dù cải thiện tích cực nhưng xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu từ khối doanh nghiệp FDI, tỷ lệ nhập khẩu về nguyên vật liệu lớn để gia công sản xuất cho thấy sự phụ thuộc vào thị trường cung cấp nước ngoài. Trong khi đó, giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, cao su, cá tra, cá ba sa sụt giảm...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục phát sinh những dấu hiệu đáng lo ngại. Nếu tính theo giá so sánh, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế này cùng kỳ 3 năm qua giảm từ 2,37% xuống 2,24% và 1,91%, trong đó có nguyên nhân thị trường tiêu thụ khó khăn, giá cả bấp bênh. "Nhiều ý kiến cho rằng với thực trạng giá nông sản trong nước và thế giới liên tục giảm. Trong khi đó, các yếu tố đầu vào của các nông sản phẩm không giảm cùng chiều làm cho thu nhập thực tế và đời sống của dân cư khu vực nông thôn trong 2 năm vừa qua bị suy giảm và tác động tiêu cực đến sức mua chung của thị trường trong nước" - báo cáo đánh giá.

Trong khi chỉ số giá hàng lương thực, thực phẩm quý I năm 2014 so với cùng kỳ 2013 chỉ tăng 3,4% thì giá các nhóm hàng còn lại vẫn tăng đến 5,2%. Tỷ lệ này trong năm 2013 lần lượt là 1,8% và 9,3%, còn trong năm 2012 là 6,9% và 10,2%.

Theo báo cáo này, nhiều ý kiến đánh giá cao việc Chính phủ có nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, đề án cũng điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách mới như liên kết, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đánh bắt thủy, hải sản, nuôi cá tra, cá ba sa...

Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát và đề xuất có hệ thống chính sách đủ mạnh trình Quốc hội về vấn đề này, tránh tình trạng rủi ro về giá, khó khăn tiêu thụ, đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ đặc biệt nông nghiệp nhằm tăng tính cạnh tranh sản phẩm.

Trong các giải pháp để đẩy mạnh nông nghiệp, nông thôn thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ thực hiện quyết liệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý có hiệu quả; tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên nguồn lực và huy động toàn xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả xây dựng nông thôn mới.

Long Nguyễn - Anh Thư (Long Nguyễn - Anh Thư)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem