Tăng trưởng tốt qua đại dịch Covid-19, Việt Nam hút các giao dịch M&A, đầu tư nước ngoài

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 24/11/2020 17:49 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết nhà đầu tư nước ngoài luôn được chào đón tại Việt Nam. Chính phủ luôn nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế, tạo hành lang thông thoáng cho đầu tư.
Bình luận 0

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 được tổ chức vào chiều 24/11 tại TP.HCM. Ông cho rằng Việt Nam đang có nhiều điều kiện để đón sóng đầu tư nước ngoài lẫn xúc tiến hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) bùng nổ hơn trong năm tới.

Nhà đầu tư luôn được chào đón

Thứ trưởng Trần Quốc Phương dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết năm 2020, Việt Nam là nước duy nhất duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong các nước ASEAN-5. Lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định và chứng khoán diễn biến tích cực. Kết quả này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, khẳng định Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

"Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài" - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Theo ông, Việt Nam cũng luôn nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo hành lang thông thoáng cho đầu tư.

Năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.

Ông cũng cho biết lần đầu tiên, danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc chọn - bỏ. Đây là cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực không có tên trong danh sách này.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương hoàn thiện chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, với mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, chuyển giao công nghệ, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực.  

Nhiều cơ hội mới từ RCEP, EVFTA, CPTPP

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết thêm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết hôm 15/11 đã mở ra thị trường mới với gần 30% dân số thế giới và chiếm khoảng 29,1% GDP toàn cầu… Ước tính, RCEP có giá trị như một khoản đầu tư 7.200 tỷ USD với tỷ suất lợi nhuận 4%/năm; giúp thương mại toàn cầu tăng thêm khoảng 1,9%. 

Hiệp định RCEP cùng với EVFTA, CPTPP sẽ tạo thêm động lực cho tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực cũng như toàn cầu. Ông cho rằng các hiệp định đặc biệt có ý nghĩa khi các hoạt động thương mại, đầu tư bị gián đoạn do Covid-19. 

Năm 2021, dự báo đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tạo nên rủi ro, bất định lớn cho kinh tế thế giới và khu vực. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa các quốc gia lớn vẫn đang diễn ra quyết liệt; sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu; sự phục hồi chậm của dòng vốn đầu tư nước ngoài… là những nguy cơ, thách thức lớn mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng để "trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới", các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Chủ tịch EuroCham - ông Nicolas Audier, nhận định EVFTA sẽ gián tiếp đẩy các giao dịch M&A, những dự án từ châu Âu sang Việt Nam sẽ bùng nổ trong dịp này. Ông đánh giá lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Việt Nam rất nhiều tiềm năng và hứa hẹn bùng nổ bởi lĩnh vực này bị ngưng trệ thời gian qua vì dịch bệnh. Theo đó, EVFTA sẽ bảo hộ cho nhà đầu tư các bên, giúp doanh nghiệp có sự gắn kết đầu tư qua lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem