Ngày 23.4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai tăng viện phí. Theo nhận định chung, giá viện phí sẽ chưa thể tăng trước tháng 8.2012. Tuy nhiên, về mức tăng, hầu hết các bệnh viện (BV) đều tính mức kịch khung, riêng bệnh viện tuyến Trung ương tính vượt trần.
Chưa thể tăng trước tháng 8
“Hội đồng nhân dân tỉnh đến tháng 7.2012 mới có lịch họp, lúc đó vấn đề viện phí mới được đặt lên bàn nghị sự nên viện phí tại các tỉnh chỉ có thể tăng từ tháng 8”- bác sĩ Đào Duy Quyết – Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang khẳng định.
|
Tình cảnh 3 bệnh nhân một giường vẫn phổ biến ở BV Nhi T.Ư. |
Ý kiến này của ông Quyết được nhiều đại biểu xác nhận. Theo đó, sẽ chẳng có Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện nào lại họp bất thường chỉ vì tăng viện phí. Vì thế, cho dù Thông tư 04 về việc tăng viện phí có hiệu lực từ ngày 15.4, các BV cũng đã xây dựng xong mức giá, trình lên UBND, nhưng vẫn phải ngồi chờ Hội đồng nhân dân họp.
Theo đó, các BV đã “ngầm” thống nhất với nhau, dịch vụ nào có giá từ 500.000 đồng trở xuống thì tính 100% so với mức giá tối đa mà Bộ Y tế quy định, còn các dịch vụ trên 500.000 đồng thì tính 90% mức giá tối đa (chiếm khoảng 70% trong tổng số 447 dịch vụ tăng giá). Nghĩa là tính mức giá kịch khung.
Trong khi đó, các BV tuyến trung ương đều tính vượt trần. Một đại diện BV Nội tiết Trung ương cho biết, BV đã xây dựng khung giá với 70% các loại dịch vụ đều vượt trần từ 10-15% giá dịch vụ tối đa mà Bộ Y tế cho phép.
Theo ông này, mức tính đó đều dựa trên giá thành thực tế do giá cả mọi mặt hàng, dịch vụ đều đang tăng. “Chúng tôi cứ trình cho đúng thực tế còn Bộ cắt đến đâu thì cắt”. Đồng thời, ông cũng đề xuất các BV trung ương cùng nằm trên một địa bàn thì nên thống nhất một số mức phí như nhau cho dễ thực hiện và công bằng.
Ông Nguyễn Minh Thảo – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nhận định, đa số các BV trung ương đều xây dựng khung vượt trần, tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ không duyệt những loại phí vượt quá mức khung tối đa ở Thông tư 04.
Tuyến dưới lúng túng
Ông Nguyễn Nam Liên – Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) đã trình bày rất kỹ hướng dẫn thực hiện tăng viện phí dựa trên các chi phí trực tiếp cần thiết để quy định giá khám chữa bệnh, giá giường, giá dịch vụ, kỹ thuật y tế… Tuy nhiên, các bệnh viện tuyến dưới còn rất lúng túng, thậm chí “ngơ ngác” chưa biết thực hiện thế nào. Trong đó có thắc mắc về việc mức khung giá quy định dịch vụ kỹ thuật bao gồm cả vật tư thiết yếu (?), giá giường bao gồm cả oxy, hóa chất, điện nước (?) mà mức giá này thay đổi thường xuyên, vậy khi giá thị trường thay đổi có được tăng hay không?
Cùng ngày 23.4, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn hướng dẫn triển khai Thông tư 04 đến các cơ sở y tế. Trong đó có quy định: BV nào có trên 35 bệnh nhân/bàn khám/ngày thì phải bố trí thêm bàn khám. Người bệnh phải khám thêm một số chuyên khoa trong cùng một cơ sở y tế, trong một lần đến khám bệnh thì vẫn chỉ tính là 1 lần khám bệnh…
Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên nhận định: “Việc triển khai Thông tư 04 một số địa phương chưa hiểu rõ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục hướng dẫn và trả lời các kiến nghị, thắc mắc”. TS Xuyên cũng cho biết, Bộ sẽ kiểm tra chặt chẽ mức đề xuất khung giá của các BV để duyệt các mức giá hợp lý nhất, chất lượng nào, giá đó.
Hướng dẫn về xây dựng và đề xuất mức thu tăng viện phí cũng quy định, mỗi BV cần dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám chữa bệnh để nâng cấp, cải tạo mở rộng, nâng cấp khu vực khám bệnh, các dịch vụ khám bệnh… và 15% số thu từ ngày giường điều trị để nâng cấp giường bệnh, buồng bệnh… Theo TS Xuyên, đây là quy định nhằm đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện khi viện phí tăng.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.