Tăng viện phí, phụ cấp: Y tế cơ sở vẫn kêu khổ

Thứ sáu, ngày 30/03/2012 13:26 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Viện phí tăng, phụ cấp tăng... nhưng với cán bộ y tế cơ sở, mức tăng đó như ở nơi nào rất xa xôi. Họ vẫn phải gánh những khó khăn thường nhật để chờ đợi sự thay đổi.
Bình luận 0

“Được lời cảm ơn là vui rồi”

Đó là câu nói của bà Hồng Ngoan - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội) khi tiếp chuyện chúng tôi. Tiếng là thuộc Hà Nội nhưng xã Khánh Thượng nằm chon von và khuất nẻo trên núi. Xã có 1 trạm y tế với 7 cán bộ, nhân viên.

img
Khám bệnh cho nhân dân tại Trạm Y tế xã Quang Thắng (TP. Thanh Hóa).

Chị Nguyễn Thị Thanh Tơ- nữ hộ sinh của trạm - người có 27 năm gắn bó với trạm y tế cho biết, trước kia, công việc của các chị chủ yếu là vận động nhân dân ra trạm y tế xã thực hiện các dịch vụ y tế như sinh nở, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, sơ cấp cứu các tai nạn ngoại khoa nhỏ… Nhờ nỗ lực không mệt mỏi của các chị mà hiện hàng ngàn người dân xã Khánh Thượng đã biết tới trạm y tế mỗi khi ốm đau.

Thế nhưng, lương bình quân của cả trạm là 19 triệu đồng/tháng chia cho 7 người, trong đó người cao nhất được 3,9 triệu đồng/ tháng. Khoản tiền này đã bao gồm cả trực đêm, công A, B… “Ở tuyến xã, trực đêm được trả 10 ngàn đồng, chưa được nửa bát phở”- bà Hồng Ngoan nói.

May mắn là đợt này, một số dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá. Chẳng hạn như đỡ đẻ, trước đây các chị chỉ được thu 30.000 đồng/ca thì hiện tăng lên 150.000 đồng/ca. Thế nhưng, viện phí tăng còn làm các chị khó khăn hơn vì: “Dân Khánh Thượng còn nghèo nên viện phí cao, không có tiền trả là họ nợ. Đến mùa, họ có thu hoạch thì trả cho trạm, nhưng có nhiều gia đình khó khăn quá, họ chỉ có một lời cảm ơn. Thôi thì một lời cảm ơn cũng là vui lắm rồi”.

Đầu tư còn hạn chế

Tình trạng của Trạm Y tế xã Khánh Thượng cũng là câu chuyện chung của nhiều trạm y tế xã trong cả nước. Không chỉ đời sống cán bộ y tế cơ sở còn khó khăn mà ngay cả trang thiết bị vật chất cũng không đảm bảo. Chẳng hạn tại Trạm Y tế xã Đồng Thịnh (Yên Lập, Phú Thọ) đang ở trong tình cảnh tường nứt, mái dột tứ tung, hệ thống điện phập phù. Bà Đỗ Thị Thu- Trạm phó cho biết, đã có một vài ca đẻ đêm, khi sản phụ đang trên bàn đẻ thì điện phụt tắt, trạm lại không có máy nổ, không còn cách nào khác, cán bộ trạm phải huy động… đèn pin để lấy ánh sáng đỡ đẻ.

“Lãnh đạo ngành y tế đặt nhiều kỳ vọng vào y tế tuyến dưới để tránh giảm tải, nhưng sự đầu tư và quan tâm cho tuyến dưới còn hạn chế”.

Đề cập tới việc tăng viện phí để hỗ trợ trạm y tế xã, ông Hoàng Văn Thắng – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Lập hoài nghi vì: “Việc đầu tư cho trạm y tế xã thường do HĐND xã, huyện phê duyệt. Nếu nguồn thu đi một đằng (ngành y tế thu) mà nguồn chi một nẻo (thông qua ngân sách xã) thì khó mà gặp nhau được”.

Thực tế hiện nay, theo phân tuyến, trạm y tế xã phải làm khá nhiều đầu việc. Quyết định 3447 của Bộ Y tế, trạm y tế xã phải được trang bị máy điện tim; máy siêu âm đen trắng xách tay; máy đo đường huyết để khám ban đầu. Ngoài ra, cán bộ trạm cũng phải thực hiện 18 chương trình y tế cộng đồng. Mỗi khi có dịch (chẳng hạn hiện nay là dịch tay chân miệng) thì phải khám phát hiện, thực hiện cách ly, điều trị ban đầu tại trạm (thực hiện lập bệnh án điều trị ngoại trú tại cộng đồng). Tuy nhiên, do thiếu trang thiết bị xét nghiệm nên hầu hết bệnh nhân đều “tuỳ nghi di tản”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem