Tạo hình 4 danh tướng Việt Nam: Tôn vinh danh tướng, tôn vinh dân tộc

Thứ tư, ngày 28/08/2013 13:13 PM (GMT+7)
“Tạo hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp là việc khó làm nhất trong 4 vị danh tướng bởi ông là người có nhiều tư liệu và khoảnh khắc nhất”.
Bình luận 0
Anh Trần Thanh Tùng - Giám đốc Hội quán di sản chia sẻ về thực hiện các tác phẩm điêu khắc thuộc Dự án “Danh tướng Việt Nam”.

Anh có thể chia sẻ từ đâu mà Hội quán Di sản có ý tưởng phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thực hiện tạo hình các nhân vật lịch sử trong Dự án “Danh tướng Việt Nam”?

Anh Trần Thanh Tùng (phải) trao tặng phác thảo chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho con gái Đại tướng.
Anh Trần Thanh Tùng (phải) trao tặng phác thảo chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho con gái Đại tướng.

- Xuất phát từ những câu hỏi, ví dụ như: Việt Nam có đến 90 triệu dân và trong số đó có bao nhiêu người hiểu về văn hóa Việt? Và tại sao ở nước ngoài họ có những vật phẩm, những bức tượng mang tính lịch sử và nghệ thuật để giới thiệu đến du khách, bạn bè quốc tế, còn Việt Nam thì không? Tại sao chúng ta lại cứ phải mua tượng của nước bạn, tại sao không phải người Việt Nam dùng hàng Việt Nam? Phải chăng Việt Nam không làm được, phải chăng người Việt Nam không quan tâm?

Từ những câu hỏi trên, chúng tôi đã đi khảo sát và thấy thực tế không phải vậy. Người Việt Nam đang thiếu rất nhiều những sản phẩm về văn hóa, nhưng vì chưa ý thức được nên chúng ta chưa biết cách làm bài bản mà thôi. Cũng chính vì vậy, chúng tôi đã xác định đây sẽ là hướng đi lâu dài với tên gọi đầy đủ là “Huyền thoại Việt Nam”.

Chúng ta không chỉ có những vị tướng giỏi, chúng ta còn có các nhà văn hóa tư tưởng tài ba, những vị vua anh minh từ thời cận đại, cổ đại và trung đại. Chỉ có điều phải làm sao để chúng ta đưa được những nhân vật lịch sử này đến được với công chúng và đúng thời điểm. Cuối cùng chúng tôi lựa chọn 4 vị danh tướng là Việt Quốc công Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp để mở đầu cho dự án tôn vinh tinh thần dân tộc Việt.

Anh có thể chia sẻ về những khó khăn khi tạo hình những vị tướng này khi chúng ta có không nhiều nguồn sử liệu?

- Ban đầu, chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn. Cái khó đầu tiên và cũng là thiệt thòi của chúng tôi khi những nhân vật lịch sử ấy không được ghi chép cụ thể, chi tiết. Ví dụ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, từ hình dáng đến quần áo và tính cách gần như đã không được ghi chép cụ thể, hay Quang Trung, Lý Thường Kiệt cũng vậy. Chính vì thế ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi không cảm được hết, có thể chúng tôi làm rất giống, nhưng để cảm và làm ra được thần thái của các vị tướng lại là cả một vấn đề.

Khó khăn thứ hai là việc mời các nhà khoa học tham gia vào ban cố vấn cho dự án. Phải chia sẻ thật, chúng tôi đã phải rất nhiều ngày để mời được các nhà khoa học, lịch sử, quân sự ủng hộ. Tiếp theo là, quan điểm về mỹ thuật, góc độ nhìn nhận của người đi trước đối với thế hệ đi sau đôi khi cũng vấp phải sự không đồng nhất.

Rất nhiều người đã thắc mắc với chúng tôi, tại sao làm có 4 vị tướng mà không phải 8 - 9 hay 10. Mọi người không hiểu, làm nhiều nhưng nếu chỉ có số lượng mà chất lượng không được coi trọng thì cũng không thể được. Bởi khi làm ra một sản phẩm phải sẽ mất rất nhiều năng lượng, huống hồ đây là lại là một sản phẩm mang tính văn hóa, nghệ thuật không thể đo đếm được.

Lúc trước anh có nói đến khó khăn trong việc mời các vị cố vấn tham gia dự án này, vậy anh có thể chia sẻ vai trò của họ?

Anh Tùng cho biết: “Từ tháng 11.2011, chúng tôi đã có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng trong nghiên cứu, chọn lựa đề tài. Những người thực hiện dự án nhận được sự ủng hộ, trợ giúp của nhiều chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, quân sự như: Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu; Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam – Giáo sư Phan Huy Lê; nhà sử học Lê Văn Lan; nhà sử học Dương Trung Quốc; Viện sĩ - Anh hùng LLVTND, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu...”.


- Vai trò của các cố vấn trong Dự án “Danh tướng Việt Nam” về thông tin là cực kỳ quan trọng. Nếu như không có các nhà khoa học về lịch sử, quân sự đó, chúng tôi chỉ là những người vận hành đơn thuần mà không thể hiểu rõ, sâu, chi tiết cũng như tạo ra được thần thái trong mỗi nhân vật lịch sử. Họ đã đóng góp những yếu tố quyết định về cung cấp thông tin, về nguồn gốc lịch sử của mỗi nhân vật, thậm chí cung cấp những địa chỉ tin cậy để chúng tôi có thể khai thác thông tin.

Ví dụ khi chúng tôi đưa ra 4 vị tướng lịch sử của Việt Nam, nhiều ý kiến, đặc biệt là các bạn trẻ cho rằng, cần phải được thể hiện theo hướng của 4 vị tướng giáp trụ. Tức là từ phong thái, quần áo, mũ áo phải được thể hiện theo quan võ. Nhưng khi chúng tôi đưa vấn đề này ra với ban cố vấn, thì họ lại góp ý vẫn phải tạo ra hình tượng vị tướng nhưng có sự hài hòa giữa quan văn và quan võ, nói chung đó là những góp ý có cơ sở.

Trong 4 vị tướng, việc tạo hình của vị nào là khó khăn hơn cả?

- Một điều khá bất ngờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại chính là vị tướng khó tạo hình nhất trong 4 vị tướng. Bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp có quá nhiều cái nhất, cụ là người nhiều tư liệu nhất, cụ có nhiều khoảnh khắc nhất. Với mỗi thế hệ lại có cách nhìn riêng về Đại tướng, vì vậy để tìm ra được nét đặc trưng của Đại tướng để người dân Việt Nam nhìn vào đó có thể nhận ngay ra đây là Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điều không hề dễ. Chúng tôi đã mất đến 2/3 thời gian để xây dựng tạo hình Đại tướng. Chính vì vậy, chúng tôi đi đến quyết định, đầu tiên làm về chân dung của Đại tướng trước, còn sau đó có thể chúng tôi sẽ xây dựng, tạo hình tượng bán thân, hoặc toàn thân.

Xin cảm ơn anh!
Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem