Cạnh tranh khốc liệt
Ông Mai Văn Đán, giám đốc một công ty đã có 20 năm sản xuất linh kiện xe máy, từng xuất khẩu sang EU, đã khẳng định như vậy.
Ông Đán quả quyết: “Công nghệ thì không khó. Tôi đã làm ống bô xe máy thì cũng làm được ống bô ôtô. Nhưng vì sao, ta vẫn không phát triển được công nghiệp hỗ trợ? Là còn vì từ phía các ông chủ FDI”.
Vị doanh nhân lúc nào cũng tự nhận đau đáu với công nghiệp hỗ trợ này cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam mang cả “anh em”, “họ hàng” sang. Các đơn hàng thường được ưu tiên cho anh em họ hàng của họ, DN Việt rất khó để chen vào. Hơn nữa, “các tập đoàn mua nội bộ của nhau để còn dễ dàng chuyển giá".
Các DN sản xuất linh kiện trong nước phàn nàn rằng việc gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với các tập đoàn để tìm hiểu cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh là rất khó
"Thậm chí, để gặp trực tiếp họ để đàm phán là rất khó, chưa dám nói là đi vào thăm quan được nhà xưởng của họ để nắm bắt xem họ cần tiêu chuẩn công nghệ như thế nào", ông Đán cho hay.
Vị giám đốc bày tỏ: "Các tập đoàn lớn có nhiều chiêu trò khiến chúng ta không thể vào hệ thống của họ được. Chẳng hạn, khi tôi nói tôi có thể làm được cả một cụm chi tiết mà họ mua của Trung Quốc, thì phía chính hãng lại đưa ra những điều kiện về giá thành khiến chúng ta khó đáp ứng".
Ông Bùi Thành Nam, Giám đốc Công ty Nhựa Hà Nội, cũng phải thừa nhận, nhiều khi giá cả, chất lượng sản phẩm, trình độ năng lực chưa phải là tất cả.
Trước đây, Nhựa Hà Nội cung cấp linh kiện cho LG Việt Nam với doanh thu khoảng 50 tỷ đồng/năm. Nhưng hiện nay, LG đang thay đổi, sẽ tập trung sản xuất tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng và có khả năng sẽ không ký với Nhựa Hà Nội mà bắt tay với 2 công ty vệ tinh khác đến từ Hàn Quốc.
Công ty này cũng đã gửi báo giá rất nhiều lần về linh kiện ôtô, nhưng sau đó, Toyota Việt Nam vẫn quyết định nhập hàng từ Thái Lan, Malaysia sang.
Nỗi bức xúc trên của các doanh nghiệp dường như rất đúng với trường hợp Samsung. Nếu Samsung than phiền rằng trong số 95 đơn vị cung ứng linh kiện, phụ tùng thì chỉ có 7 là của Việt Nam, chủ yếu làm bao bì, không ít DN Việt đã phản ứng.
"Việc tiếp xúc được với TGĐ Samsung là rất khó và hầu như, hãng này chỉ làm việc qua trung gian", ông Trần Anh Vương, Giám đốc công ty Bắc Việt, phàn nàn.
Công ty điện tử 4P, trụ sở tại Hưng Yên cho hay, các hợp đồng cung ứng hàng cho Samsung cũng rất nhỏ lẻ, phập phù. Thỉnh thoảng, công ty bất ngờ nhận được yêu cầu cung ứng chỉ khoảng vài nghìn linh kiện giao trong thời gian ngắn. Điện tử 4P vẫn tiếp nhận để giữ uy tín, mặc dù, đáp ứng những đơn hàng kiểu đột xuất này sẽ không lãi lớn.
Cái khó ló cái khôn
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Ôtô Trường Hải giãi bày, Việt Nam đã hội nhập nên rất khó ép các doanh nghiệp FDI phải bắt tay với DN Việt. Nhà nước càng cần phải có chính sách nào đó cho thích hợp để họ có thể chuyển giao công nghệ hoặc ký hợp tác với doanh nghiệp trong nước.
Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, muốn doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi toàn cầu thì vẫn cần có bàn tay của Nhà nước.
"Muốn doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi toàn cầu thì vẫn cần có bàn tay của Nhà nước. Những năm 1999-2000, ngành xe máy cũng lúng túng như ôtô bây giờ, nhưng họ đã thành công, tỷ lệ nội địa hoá đã là 97%. Đó là do Nhà nước đã mạnh tay yêu cầu FDI phải nội địa hoá", ông Mai Văn Đán nhìn nhận.
Ông Trương Thanh Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương) cũng tâm tư: "Chúng tôi từng tính rất nhiều phương án ràng buộc các doanh nghiệp FDI, nhưng tính kiểu gì cũng dễ bị vi phạm cam kết trong WTO về đối xử bình đẳng, chống trợ cấp".
Ví dụ, ban đầu, ban soạn thảo Nghị định công nghiệp hỗ trợ đã đề xuất quy định, sẽ gia hạn VAT 6 tháng khi nội địa hoá 50%, gia hạn thuế VAT 1 năm nếu đạt nội địa hoá 60%, nhưng sau đành phải bỏ ra.
Dù vậy, từ sự thành công của Ôtô Trường Hải trong sự hợp tác với hãng Hyundai (Hàn Quốc), ông Trần Bá Dương, chia sẻ, Samsung, Canon, Hyundai... sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, nắm công nghệ nguồn, nhưng ở mỗi công đoạn của chuỗi sản xuất lại có những công nghệ do chính các vệ tinh nắm giữ. Chẳng hạn, Hyundai sản xuất ra chiếc xe ô tô, nhưng việc làm ra cái ghế và công nghệ làm chiếc ghế đó lại là quyền của nhà cung cấp ghế.
Bởi thế, DN Việt cũng phải có quan hệ và bắt tay với các nhà cung ứng lớp 1, lớp 2 này để làm cho họ thay vì, bắt chước làm linh kiện giống họ. Nếu chúng ta làm được khuôn mẫu linh kiện như họ thì nghĩa là họ đã chuyển sang khuôn mẫu khác, cái chúng ta làm được đã lỗi thời và họ không còn dùng nữa, ông Dương phân tích.
Với ông Bùi Thành Nam, tự nâng cao năng lực để thắng trong cuộc chơi này là việc tất yếu. "Khi Nhựa Hà Nội bắt đầu xuất khẩu hàng sang Nhật thì các nhà đầu tư Nhật tại Việt Nam mới chủ động tìm đến chúng tôi đặt hàng", ông Nam nói.
(Theo VEF)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.