Tập trung khắc phục sự cố lưới điện sau khi nước lũ rút

V.Hà Chủ nhật, ngày 18/12/2016 07:16 AM (GMT+7)
Mưa lũ không ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải (110 KV, 220KV, 500KV), nhưng đã ảnh hưởng đến lưới điện phân phối thuộc địa bàn các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa. Do đó, các điện lực địa phương đã cắt điện để đảm bảo an toàn cho nhân dân và ngay khi nước rút đã từng bước khôi phục sự cố.
Bình luận 0

img

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang nỗ lực thực hiện các phương án phòng chống mưa lũ tại nhiều tỉnh miền Trung, trong đó tăng cường kiểm tra hồ đập thủy điện, xử lý nhanh chóng các sự cố về điện, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị.  

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Bộ Công Thương, EVN đã ban hành Công điện số 5282 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong vùng ảnh hưởng khẩn trương triển khai phương án phòng chống để đối phó với mưa lũ, xử lý kịp thời các tình huống; kiểm tra công trình, hồ, đập, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan trong quá trình xả lũ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du...

Cho đến nay, mưa lớn đã gây lũ trên các lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Côn - Hà Thanh, sông Ba, sông Đồng Nai, sông Srêpôk. Hiện có 13 hồ chứa thủy điện của các đơn vị thuộc EVN đang xả điều tiết. Đơn cử như hồ thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung, Đơn Dương, Đại Ninh, An Khê...Tuy nhiên trong quá trình vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện, các công ty thủy điện thuộc EVN đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tuân thủ theo các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa và thực hiện xả điều tiết theo chỉ đạo của các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương.

Mưa lũ không ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải (110 KV, 220KV, 500KV), nhưng đã ảnh hưởng đến lưới điện phân phối thuộc địa bàn các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa. Do đó, các điện lực địa phương đã cắt điện để đảm bảo an toàn cho nhân dân và ngay khi nước rút đã từng bước khôi phục sự cố.

Khu vực huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã xảy ra sạt lở cột xuất tuyến đường dây 35kV do mưa lớn. Có 86/3163 trạm biến áp bị sa thải với tổng công suất khoảng 3/200MW (chiếm 1,5%). Hiện ngành điện đã khắc phục sạt lở, khôi phục cấp điện cho phần lớn các phụ tải bị ảnh hưởng, còn khoảng 05/3163 TBA bị sa thải với tổng công suất khoảng 0,5/200MW.

Tỉnh Phú Yên còn 05/1.927 TBA đang bị sa thải với tổng công suất khoảng 1/100MW. Khu vực TP. Nha Trang (Khánh Hòa) nước lên cao nên điện lực đã phải sa thải một số nhánh rẽ trung thế để đảm bảo an toàn. Hiện tại có 05/1.984 TBA đang bị sa thải với tổng công suất khoảng 5,1/250MW.

EVN đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi sát diễn biến mưa lũ và tình hình thủy văn, lượng nước về các hồ thủy điện, ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra; phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới; khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện khắc phục các sự cố lưới điện đảm bảo cấp điện an toàn và nhanh nhất cho các phụ tải bị ảnh hưởng, các trạm bơm tiêu úng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn trong thời gian sớm nhất.

Từ ngày 11.12.2016 đến nay, tại các tỉnh miền Trung tiếp tục xảy ra các đợt mưa lớn, nhiều hồ chứa nước phải vận hành xả lũ. Dự báo, từ ngày 15 đến 18 tháng 12, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa sẽ tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm.

Đây là đợt mưa lớn, trong khi dung tích trữ của nhiều hồ chứa nước trong khu vực đã cơ bản đạt mức thiết kế nên sẽ phải vận hành xả lũ, đồng thời khu vực này cũng đã bị ngập lụt nhiều ngày trong các đợt mưa lũ vừa qua.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân trong và sau lũ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra lũ nhân tạo; vận hành an toàn hệ thống lưới điện và bảo đảm cung cấp điện; có phương án chủ động điều tiết thị trường, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt của Nhân dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ các đạo địa phương kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chuẩn bị phương án phục hồi sản xuất ngay sau khi lũ rút.

Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình cũng có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai các phương án đối phó, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để hỗ trợ địa phương đối phó với mưa lũ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem