Tàu vỏ thép rỉ sét, sao lại làm xiếc trên thân phận ngư dân

Minh Phong Chủ nhật, ngày 11/06/2017 12:59 PM (GMT+7)
Bất trắc bao nhiêu trên sóng cả ba đào, ngư dân ta đều vượt qua được thì bất trắc phía bờ từ các công ty đóng tàu như Nam Triệu hay Đại Nguyên Dương lại làm họ không thể nào phòng, lường trước được.
Bình luận 0

Rúng động, phẫn nộ, gian dối, lưu manh là những gì dư luận nói về nơi xuất xứ đóng những chiếc tàu vỏ thép cho ngư dân bị rỉ sét. Hợp đồng đóng tàu bằng thép Nhật Bản, Hàn Quốc bị tráo ngay trên lưng ngư dân thành thép Trung Quốc chất lượng kém.

Người ta sẵn sàng ăn của dân không từ thứ gì trong phi vụ đóng tàu vươn khơi mới thấy pháp luật bị xem thường thế nào.

Trước hết phải khẳng định, chủ trương đóng tàu vỏ thép hỗ trợ ngư dân vươn khơi là một chủ trương đúng đắn, tạo đột phá trong khâu hiện đại hóa đội tàu trên biển. 

Ngư dân là những cột mốc sống trên biển, ở bờ làng chài không có ruộng đất thẳng cánh cò bay, chỉ có biển là “đất vỡ hoang” truyền đời của hàng ngàn làng chài suốt dọc hơn 3.000 cây số biển cực kỳ quan trọng.

img

Tàu vỏ thép BĐ 99179 TS  đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương của ngư dân Mai Văn Chương đưa vào sử dụng vào tháng 8.2016, đến nay đã rỉ sét. Ảnh: Dũ Tuấn

18 con tàu vỏ thép ở Bình Định vừa đóng mới đã hỏng hóc, xuống cấp mà theo mô tả của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định là do “các công ty đóng tàu đã sử dụng thép không đúng loại theo hợp đồng, thay thép Nhật Bản hoặc Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc. Chất lượng, quy trình sơn không đảm bảo, máy tàu bị hư hỏng do đã qua sửa chữa, không đồng bộ; phần lớn trang thiết bị hàng hải, khai thác bị hư hỏng, không hoạt động…”.

Xưởng đóng những con tàu này là Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương. 

Một điều kỳ lạ là hãng Mitsubishi Nhật Bản sang kiểm tra 9 máy thì có 8 máy của Công ty Nam Triệu đóng tàu không phải máy của Mitsubishi Nhật Bản, chỉ một máy đúng hãng cung cấp qua kênh chính phủ. 

8 máy kia đều bị hoán cải, thay thế linh kiện dẫn đến hỏng hóc liên tục khiến ngư dân điêu đứng. 

Hội nghị chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP của Chính phủ tại Bình Định ngày 9.6 được tổ chức với sự tham gia của Bộ NNPTNT và 28 tỉnh có biển, các cơ sở đóng tàu, chủ tàu, ngư dân các tỉnh. 

Tại Hội nghị, ông Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu thép BĐ 99245 TS, xin phát biểu cho rằng lãnh đạo Công ty Nam Triệu đã gặp riêng, đưa 100 triệu đồng và bảo ông viết giấy rút đơn kiến nghị thẩm định tàu. Phát biểu xong, ông gửi đơn trình báo ngay tại hội nghị”. 

Nếu thật vậy thì hành vi đi đêm để mong ngư dân rút đơn kiến nghị. Vì nhẹ dạ, một số ngư dân đã rút đơn, một số khẳng khái không rút mà còn tố giác công khai như ông Sơn đối với Nam Triệu. 

Đứng về phía ngư dân thiệt hại, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định nói thẳng: “Các cơ sở đóng tàu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân về chất lượng tàu, máy móc, thiết bị để làm những điều phi pháp”.

Ngư dân từng tố giác rằng Công ty Đại Nguyên Dương cho nhân viên đuổi đánh, bắt xóa toàn bộ hình ảnh khi họ phát hiện công ty này tráo thép Nhật Bản, Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc giá rẻ, kém chất lượng.

img

Ngư dân Nguyễn Văn Lý- Chủ tàu BĐ 99004 TS (do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng) buồn bã vì tàu vỏ thép xuống cấp. Ảnh: Dũ Tuấn

Và tại hội nghị 9.6, ông Phạn Trọng Hổ - Giám đốc sở NNPTNT Bình Định xác nhận: “Ngay cả khi chúng tôi hỗ trợ ngư dân đến kiểm tra thì các cơ sở đóng tàu không cho vào… Sau khi bàn giao tàu cho ngư dân, các cơ sở đóng tàu đã thiếu trách nhiệm trong việc bảo hành, bảo dưỡng”. 

Như vậy hành động đuổi đánh, cản trở ngư dân kiểm tra tài sản của chính mình có được đảm bảo hay không đã diễn ra một cách trắng trợn mà cho đến nay những kẻ gây ra hành động đó vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Nói như thế để thấy sự gian dối và lưu manh đã biến một chủ trương tốt đẹp thành nên nông nỗi như thế này. Những con tàu đánh cá rỉ sét, hỏng hóc vì mục đích trục lợi trên lưng ngư dân thiếu hiểu biết là tội ác toàn tòng không thể dung thứ. 

Một chiếc tàu vỏ thép đóng mới gần 20 tỷ đồng tiền vốn liếng vay mượn, bao nhiêu vật lực dồn vào nhưng các cơ sở đóng tàu xem như miếng bánh để “ăn” chia bằng mọi thủ đoạn nhằ qua mặt cơ quan chức năng, đến khi phát hiện lại đổ thừa do môi trường nước biển quá mặn dẫn đến rỉ sét là hành động dối trá thượng thừa nhưng không thể qua mắt được dư luận.

Ngư dân trần ai trên biển mặn mòi cháy da, kiếm được con cá là công sức nặng nề, đưa được về bờ để bán kiếm sống quả là một quy trình sinh tồn đẩy tới giới hạn hết mức. 

Họ ra đi trên Biển Đông lênh đênh quanh năm không chỉ vì mục đích mưu sinh, cao hơn họ còn là những cột mốc giữ chủ quyền quốc gia giữa biển khơi. 

Tính mạng của họ không nề hà để đảm bảo dòng mạch bản quán máu đỏ da vàng chắc chắn định nghĩa đầy đủ trên mỗi con sóng của Biển Đông. 

Họ không bao giờ quản ngại bất trắc rình rập, cho dù tàu có bị đâm chìm, rượt đuổi, đánh đập, bắn chết họ vẫn lớp sau noi theo lớp trước mà bám biển.

Chưa có ngư dân nào chùn bước trước tai ương, chưa có làng chài nào đớn đau vùi dập mà thối lui trên cát, họ vẫn đứng trước biển, nhoài người ra biển, cật lực trên biển để gây dựng cuộc sống, xây dựng làng mạc thành miền quê mạnh mẽ.

Vậy nhưng, bất trắc bao nhiêu trên sóng cả ba đào vượt qua được thì bất trắc phía bờ từ các công ty đóng tàu lại làm họ không thể nào lường trước. 

Nhìn Nam Triệu và Đại Nguyên Dương làm xiếc trên thân phận ngư dân để thấy họ thiệt thòi như thế nào. 

Một mình họ cô độc bị rượt đánh, một mình họ cô độc tố giác cách làm ăn dối trá thì bị cô lập, một mình họ cô độc vác đơn đi khắp nơi thì bị đổ vấy nguyên nhân chủ yếu do “ngư dân không có giám sát”.

May mắn một điều là các địa phương đã liên kết lại để có tiếng nói đối trọng với cung cách lợi ích nhóm kiểu Nam Triệu và Đại Nguyên Dương.

Chứng lý làm trái của thương vụ đóng tàu của hai công ty này đã quá rõ, vụ án hình sự cần phải được khởi tố bởi nó đã biến các ngư dân hiền lành thành những tử nạn dự bị không do thiên tai mà do nhân tai. 

Tàu cá rỉ sét nay không chỉ riêng Bình Định mà đã loang ra đến Quảng Bình, Quảng Ngãi, không chỉ vỏ tàu, máy móc mà các các trang thiết bị đều có hỏng hóc. 

Tàu vỏ thép phải là con tàu hiện đại, tốt hơn tàu vỏ gỗ truyền thống nhưng nay nó đang gần như ngược lại?

Mọi thứ không thể dồn đổ lên đầu ngư dân vì “dân trí kém” mà quy trình trục lợi bằng mọi giá đã phát giác điều đó.

Và nếu không có những bước đi pháp lý nghiêm khắc, nguồn lực giúp đỡ ngư dân sẽ kiệt quệ, ngư dân cũng thắt lòng mất niềm tin thì rồi ai ra sức bám biển đêm ngày cho cá bạc đầy khoang?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem