Tẩy chay thịt lợn là sai lầm!

Thứ sáu, ngày 04/06/2010 07:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Cơn bão” tai xanh đang khiến cho người tiêu dùng có xu hướng tẩy chay thịt lợn. Thế nhưng theo các chuyên gia đầu ngành của ngành chăn nuôi, thú y thì điều đó thật sai lầm, người dân cần hiểu đúng về bệnh tai xanh!
Bình luận 0
img
Người tiêu dùng nên mua thịt lợn có dấu kiểm dịch thú y.

Ăn thịt lợn tai xanh đã nấu kỹ: Không nên lo lắng

Đánh giá tác động của dịch tai xanh, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, từ tháng 4 đến nay, mức tiêu thụ và giá bán các sản phẩm lợn thịt giảm đáng kể.

Ông Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y cho hay: “Tôi khẳng định virus gây bệnh tai xanh ở lợn không gây bệnh cho người. Virus này thường chết ở nhiệt độ 70-80 độ C, do đó giả sử người tiêu dùng lỡ ăn phải thịt lợn tai xanh nhưng đã được nấu chín thì cũng không nên lo lắng. Cho đến nay nhiều nghiên cứu ở Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan, Nhật Bản… đều xác định bệnh này không lây truyền sang người và các gia súc khác”.

Tuy nhiên Cục Thú y cũng khuyến cáo người dân không nên ăn lợn ốm nói chung và lợn tai xanh nói riêng bởi ít nhiều nó cũng đã giảm chất lượng và rất có thể dễ bị lây các vi khuẩn kế phát (như liên cầu khuẩn).

Nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng, đối với thịt lợn khỏe, có nguồn gốc rõ ràng và đã qua kiểm dịch thú y người dân vẫn có thể ăn bình thường khi đã đun nấu kỹ.

Tai xanh gây ra liên cầu khuẩn?

img Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh lây nhiễm từ lợn là chúng ta nên mua thịt lợn ở những nơi bảo đảm vệ sinh an toàn và phải có xác nhận kiểm dịch của thú y img

Ông Hoàng Kim Giao

Theo ông Nguyễn Văn Hiển - Trưởng phòng Truyền thông chỉ đạo tuyến - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tác nhân gây ra bệnh liên cầu khuẩn là một loại liên cầu khuẩn có tên gọi Streptococcus suis.

Mối liên quan giữa bệnh lợn tai xanh và bệnh liên cầu khuẩn theo lý giải của ông Nguyễn Văn Hiển là ở chỗ khi lợn bị virus tai xanh tấn công, khả năng miễn dịch của lợn suy giảm, những liên cầu khuẩn cư trú trong cơ thể lợn bệnh trỗi dậy, tăng sinh, sản sinh độc tố tấn công lợn.

Song không chỉ khi lợn mắc bệnh tai xanh thì liên cầu khuẩn mới xuất hiện. Bất cứ khi nào lợn bị bệnh, cơ thể suy yếu thì bệnh liên cầu khuẩn cũng như những bệnh do vi khuẩn khác đều có thể xuất hiện và tấn công chúng.

Theo PGS- TS. Tô Long Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư (Cục Thú y), hiện nay chưa có tài liệu nào chứng minh việc lợn bị tai xanh thì sẽ bị liên cầu khuẩn. Qua thực nghiệm nhiều nhà nghiên cứu cho rằng con lợn bị tai xanh thì dễ bị vi khuẩn liên cầu tấn công hơn vì lúc đó cơ thể lợn bị suy yếu, sức đề kháng kém đi. Nếu như nói ở đâu dịch tai xanh bùng phát mạnh thì ở đó có liên cầu khuẩn là không đúng. Trường hợp người bị bệnh liên cầu khuẩn xảy ra rất lẻ tẻ, do họ đã không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và con lợn ấy có vi khuẩn liên cầu.

Lựa chọn kỹ khi mua thịt lợn

Cục Thú y khẳng định, trong thời gian xảy ra dịch tai xanh chưa có ổ dịch nào bùng phát bệnh liên cầu khuẩn mà chỉ xảy ra những trường hợp lẻ tẻ.

Ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: “Người dân khi đi mua thịt cần quan sát kỹ, chọn thịt tươi, không bị tụ máu, không quá bóng, không có mùi kháng sinh, sờ vào ấm, nóng, hơi dính. Nếu là lợn bị dịch còn sống, biểu hiện là tai cụp, tím tái, bỏ ăn, sổ mũi, trào bọt mép.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem