Tây Ninh: Doanh nghiệp tăng giá mua mía lên 20.000 đồng/tấn, giá mía mới nhất là bao nhiêu?

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 04/03/2022 06:11 AM (GMT+7)
Việc doanh nghiệp tăng giá mua mía là động lực cần thiết để khuyến khích nông dân Tây Ninh ổn định vùng nguyên liệu mía. Theo đó, bảng giá mua mía tại Tây Ninh được doanh nghiệp công bố với mức cao nhất là 1.340.000 đồng/tấn.
Bình luận 0

Tây Ninh: Tăng giá mua mía, diện tích trồng mía vẫn giảm

Huyện Tân Châu từng là thủ phủ của cây mía ở Tây Ninh. Có thời điểm, diện tích trồng mía toàn huyện lên tới hơn 15.000ha. Tuy nhiên, đến nay, diện tích trồng mía ở đây giảm chỉ còn 1.360ha.

Trước đây huyện Tân Châu có nhà máy đường Nước Trong. Sau khi nhà máy này ngưng hoạt động, diện tích đất thuộc nhà máy quản lý được giao lại cho địa phương thực hiện tái cơ cấu cây trồng.

Ông Võ Văn Hoa Chinh – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tân Châu cho biết, những năm gần đây, nghề trồng mía lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ.

Nhiều người bỏ cây mía chuyển đổi sang cây trồng khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cây mía giảm dần diện tích.

Nông dân thu hoạch mía ở Tây Ninh. Ảnh: An Khang

Nông dân thu hoạch mía ở Tây Ninh. Ảnh: T.L

Tương tự, ông Nguyễn Trí Hùng – Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Biên cho biết trước đây, có lúc diện tích trồng mía trên địa bàn huyện đạt tới hơn 10.000ha.

Nhưng do giá mía bất ổn, địa phương thực hiện cơ cấu lại cây trồng, khiến diện tích mía gần đây giảm mạnh. Thay vào đó là các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiện nay toàn huyện Tân Biên còn hơn 1.000ha mía. Riêng vụ Đông Xuân chỉ có hơn 500ha mía được trồng mới.

Bà Trần Huỳnh Trang đang trồng 50ha mía ở xã Trà Vong (huyện Tân Biên). Vừa qua, bà đã thu hoạch hơn 10ha mía, năng suất đạt từ 100-110 tấn/ha.

Tất cả mía nguyên liệu của bà Trang được Công  ty CP Thành Thành Công Biên Hòa thu mua với giá 1.090.000 đồng/tấn (10 CCS).

Thu hoạch mía bằng cơ giới hóa ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Thu hoạch mía bằng cơ giới hóa ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Bà Trang cho biết, thời tiết năm nay khá thuận lợi cho việc trồng mía. Với giá mua mía và năng suất đạt được, bà Trang cho rằng, người trồng mía vẫn có nguồn thu.  

Tuy nhiên, nhiều người trồng mía cho biết, giá mua mía như thế vẫn còn thấp. Cùng với giá phân bón đang tăng cao, người trồng mía mất đi nhiều lợi nhuận.

Theo Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Biên, đến nay đã có hơn 60% diện tích mía được thu hoạch, năng suất bình quân đạt khoảng 75 tấn/ha.

Vụ mía vừa qua, thời tiết ổn định cho cây mía phát triển. Cá biệt có hộ dân trồng mía đạt năng suất lên tới 110-120 tấn/ha.

Từ cuối năm 2021, đã có nông dân có đề nghị nhà máy đường xem lại giá mía để người dân ổn định sản xuất.

Tăng giá mua mía

Nhằm khuyến khích nông dân đầu tư phát triển cây mía, mới đây, Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa đã thông báo điều chỉnh tăng giá mua mía đối với mía đầu tư vụ thu hoạch 2021-2022.

Theo đó, nhà máy sẽ tăng giá mua mía thêm 20.000 đồng/tấn mía sạch tại ruộng. Điều kiện là hoàn thành giao toàn bộ mía trên diện tích đã ký kết hợp đồng giữa công ty và bà con nông dân. Thời điểm chi là sau khi khách hàng kết thúc giao mía vụ thu hoạch 2021-2022.

Như vậy, tổng giá mua mía sạch 10 CCS tại bàn cân nhà máy tăng lên từ 1.164.000 đồng/tấn đến 1.360.000 đồng/tấn; tùy theo cự ly vận chuyển, quy mô diện tích, vụ trồng.

Trước đó, cuối năm 2020, Công ty CP Thành Thành Công–Biên Hòa thông báo giá mua mía vụ 2020-2021 từ 850.000–950.000 đồng/tấn (cho mía có chữ đường 10 CCS), tùy theo khu vực và vụ trồng.

Nhiều nông dân cho rằng, mức giá cho niên vụ mới dù có tăng nhưng người trồng vẫn chưa thể có lãi.

Cuối năm 2021, công ty công bố bảng giá mua mía với mức cao nhất là 1.340.000 đồng/tấn; thấp nhất là 1.070.000 đồng/tấn mía sạch tại bàn cân nhà máy.

Giá mua mía từ các nhà máy đường điều chỉnh tăng là động lực cần thiết để khuyến khích nông dân ổn định vùng nguyên liệu. Ảnh: T.L

Giá mua mía từ các nhà máy đường điều chỉnh tăng là động lực cần thiết để khuyến khích nông dân ổn định vùng nguyên liệu. Ảnh: T.L

Theo Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh, tính cả diện tích mía mới trồng và diện tích còn lưu gốc cả năm 2020 của Tây Ninh là 6.963ha; giảm hơn 35% so cùng kỳ.

Sở NNPTNT cho biết kế hoạch nhiệm vụ năm 2021 của ngành, diện tích mía trên toàn tỉnh là 7.000ha. Kế hoạch sản xuất niên vụ 2021-2022 của các nhà máy đường với tổng diện tích 13.500ha sản lượng đạt 782.900 tấn.

Bà Trần Huỳnh Trang trồng mía đã hơn 10 năm nay. Theo bà Trang, dù những năm qua, diện tích mía sụt giảm nhưng mía vẫn là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Tây Ninh.

Ngành mía đường vẫn là một trong những ngành đi đầu trong việc gắn kết hoạt động đầu tư và bao tiêu mía nguyên liệu, giúp nông dân an tâm canh tác.

"Bên cạnh việc gia tăng năng suất và sản lượng, giá mua mía từ các nhà máy đường điều chỉnh tăng là động lực cần thiết để khuyến khích nông dân ổn định vùng nguyên liệu; góp phần đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động lâu dài", bà Trang nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem