Tẻo, kiều nữ xứ Mường nổi danh, thắm sắc

Thứ sáu, ngày 18/07/2014 16:57 PM (GMT+7)
Nhiều người đàn ông hào hoa phong nhã, công tử con quan, con nhà lang danh giá, từng gặp Tẻo, đã âm thầm thương nhớ, cắt tờ báo cũ có đăng ảnh Tẻo lúc đăng quang giữ đến... cuối đời.
Bình luận 0
Nhà văn Phượng Vũ, là người làm lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình (cũ), rồi tỉnh Hòa Bình sau tái lập, sau thời gian dài nghiên cứu điền dã tại Mường Vang, đã viết trong cuốn "Hoa hậu xứ Mường" (có lần tái bản tên là "Đất Mường) - như sau (đại ý): Hôm thi sắc đẹp ở Phương Lâm (bấy giờ gọi là tỉnh Phương Lâm), không chỉ có chức sắc cao nhất tỉnh Mường, không chỉ có quan Công sứ ngây ngất ngắm nhìn Hoa hậu xứ Mường, mà ngay cả các bà đầm vợ quan công sứ, quan chánh đoan... cũng ngỡ ngàng trước nhan sắc lạ lùng của Quách Thị Tẻo.

Quan công sứ nói, Tẻo là hoa hậu đáng yêu nhất trong số 5 "Hoa hậu xứ Mường" đã có trong nhiều năm qua. Bà đầm còn phá lệ lên sân khấu, tặng riêng Tẻo lọ nước hoa, hộp son phấn, rồi bà vân vi ngắm mãi bộ váy áo Mường kiều diễm của Tẻo. Báo chí trong nước, bấy giờ còn đăng ảnh Tẻo và cổ vũ nhiệt tình cuộc thi trên xứ Mường. Nhiều người đàn ông hào hoa phong nhã, công tử con quan, con nhà lang danh giá, từng gặp Tẻo, đã âm thầm thương nhớ, cắt tờ báo cũ có đăng ảnh Tẻo lúc đăng quang giữ đến... cuối đời.

Đến viên Công sứ Pháp, sau khi mãn nhiệm ở Hòa Bình, sang chỉ huy bên Lào, khi viết thư cho bạn bè ở Hòa Bình, ngoài việc kể những hy sinh của "mẫu quốc" cho cuộc "khai hóa" Việt Nam (cách nói bấy giờ), như việc Francis Garnier (bị bắn chết ở Cầu Giấy, Hà Nội), Rougery (Công sứ Pháp bị nghĩa quân Đốc Ngữ giết chết năm 1891 tại Chợ Bờ, tỉnh lị Hòa Bình) - ông này còn không ngớt hỏi thăm và bày tỏ lòng ngưỡng mộ nhan sắc của Hà Thị Tẻo (trang 503 - 507, sđd).

Bà Hà Nguyệt Nga (cháu ruột Hoa hậu Tẻo, là một diễn viên nổi tiếng tài sắc của các rạp hát Hà Nội trước đây), năm nay 72 tuổi đang sống ở Phố Huế, Hà Nội kể: Khi tôi nhỏ, cô tôi cũng đã "cưng cứng" tuổi với chồng và đàn con rồi. Nhưng mỗi lần cô về Hà Nội, cô mặc áo váy người Mường, cô đeo vòng vàng bạc kín từ cổ tay lên đến gần khuỷu tay (theo phong tục miền núi), cô vẫn đẹp rực rỡ. Đến mức, tôi và cô đi trên phố, người ta chạy theo xem rất nhiều, rồi chỉ trỏ "Hoa hậu xứ Mường đấy!".

Trước ngày cuộc thi Hoa hậu xứ Mường được tổ chức, vào năm 1932, khi Tẻo bước những bước chân đầu tiên sang tuổi 16, cô bé rực rỡ như đóa hoa rừng. Nhân chuyến vào Huế yết kiến Vua Bảo Đại, Quan chánh lang Quách Vị đã xênh xang ngựa xe vọng lọng mang cả cô con gái nuôi xinh đẹp theo. Quách Vị định "cung tiến" cô bé vào triều đình để mình được hưởng thêm nhiều "ơn mưa móc" của Bảo Đại.

Quách Vị đã được Bảo Đại ưu ái đặc biệt, "ngài" ban cho Quan chánh lang xứ Mường áo thụng và mũ cánh chuồn vô cùng trịnh trọng. Đó là một sự kiện mà trước đó, các quan lang xứ Mường không thể hình dung. Điều đó làm Quách Vị càng tin rằng, ở khắp cõi Mường mênh mông, "thượng ngọn cây, hạ ngọn cỏ", không ở đâu không là đất của Quan chánh lang.

img Hoa hậu xứ Mường (đội khăn trắng) và chồng là quan Tri Châu Lạc Sơn Quách Hàm.

 

Nghe đồn, Quách Vị là người to cao, đẹp trai, giỏi giang văn võ, song lại không có hai vành tai (dị tướng), khi ban mũ áo, Bảo Đại hóm hỉnh bảo: hai tai mũ cánh chuồn sẽ là thứ để thay cho hai vành tai không có (tiên thiên bất túc) của nhà ngươi. Với Quách Vị, lời động viên chia sẻ đầy "tri kỷ" đó thật là một ân sủng tày trời.

Không biết là rất may hay rất buồn cho Quách Thị Tẻo từ xứ Mường vào Huế, nhưng... vua đã không có ý định tuyển thêm nên cô bé Tẻo theo cha vào gặp vua xong...  lại đi về. Một người cháu ruột của Quách Vị đang sống ở Lạc Sơn (Mường Vang) bây giờ cho biết: ông còn giữ cuốn gia phả cổ bằng chữ Nho của dòng họ Quách nhà mình, ở đó viết, sở dĩ Bảo Đại không lấy thêm cô bé Tẻo làm "chăn chiếu" hoan lạc, là bởi ông chưa có ý định tuyển gái Mường (có thể là vì lý do chính trị?).

Cũng là may mắn cho cô bé Tẻo, may mắn cho chúng ta. Bởi nếu được tuyển vào "lãnh cung", thì chúng ta làm gì có được một "Hoa hậu xứ Mường" đầy huyền thoại. Bởi, chỉ một năm sau chuyến vào cung, người đẹp Tẻo đăng quang Hoa hậu xứ Mường. Nhan sắc và tài đức của cô Tẻo đã chinh phục cả bao công tử, bao tao nhân mặc khách và giới chức Hòa Bình, Hà Nội, trong đó có nhiều vị công sứ Pháp đầy quyền lực. Thế nhưng, oái oăm thay, cô lại phải lòng chính con trai của bố nuôi mình. Nàng lên xe hoa với người đàn ông hơn nàng 14 tuổi, đã có 3 người vợ chính thức, là con ruột, trưởng nam, người thừa kế cao nhất dòng Quan lang của bố nuôi Tẻo - Quan chánh lang Quách Vị.

Không biết có gì uẩn khúc đằng sau đó không (đoạn này mỗi tư liệu nói một khác), nhưng riêng việc con trai mình lấy con gái nuôi của mình, cũng đã đủ khiến Tỉnh trưởng Hòa Bình, Quan chánh lang lừng lẫy chính thức bị mất mặt trong thiên hạ, mất mặt với các con dân xứ Mường Vang mà dòng họ Quách nhà ông đời đời ăn lộc.

Từ bấy, cho đến khi tạ thế, một đám tang trăm trâu ngàn vạn con gà, một đám tang kéo dài 15 ngày với những phu phen phải đào hào rãnh để máu và lông súc vật bị giết "tế" ngài chảy thành sông hồ ra khắp các cánh đồng, Quách Vị không bao giờ tha thứ, không bao giờ thèm nhìn mặt con trai! Ông sống những ngày cuối đời cô quạnh trên một đỉnh núi hoang vu quanh năm mát mẻ: núi Đồi Thung ở Mường Vang.

Nhưng trước sau, Quách Vị vẫn đối xử dịu dàng, thương mến, như là cha con ruột thịt với Quách Thị Tẻo.

Xưa, nhà lang nuôi riêng một ông (tên là Ái) chuyên chỉ chụp ảnh gia đình trong những dịp lễ lạt (ông này mới chết cách đây vài năm). Giờ, quãng 80 năm kể từ ngày nhan sắc của cô bé Tẻo rực rỡ, lộng lẫy nhất, xem lại những bức ảnh, ta vẫn không khỏi giật mình thảng thốt. Có khi cô non tơ, ngơ ngác, mặc trang phục Mường đứng bên chị em giữa "phủ" nhà quan lang; có khi cô đẹp quý phái, vương tôn khi giao đãi với Quan công sứ và các bà đầm.
Nếu ai đã từng biết về sự xa hoa tột bậc như ông hoàng, bà chúa của các quan lang thời xưa, nhất là trong dinh của chồng bà Tẻo (Tri châu Lạc Sơn), dinh của bố nuôi Quách Vị (Chánh quan lang), thì sẽ thấy xót xa vô cùng về cái kết cục của cuộc đời một Hoa hậu xứ Mường.

Đặc biệt ấn tượng là những tấm ảnh Hoa hậu Tẻo đứng bên chiếc ôtô của gia đình nhà chồng, chiếc xe cổ sang trọng mà đến tận bây giờ thanh niên Việt Nam vẫn còn đang mơ ước, cô cắt tóc ngắn, mặc áo trắng, chít khăn trắng của người Mường, đứng cạnh gã lái xe tận tụy người Pháp - đúng phóc một bà  hoàng.

Có khi cô Tẻo đứng rất tạo dáng, vẻ mặt thơ ngây, áo quần, khăn khố, mũ mãng đều trắng toát trang phục Mường, cô đứng chụp ảnh mơ màng bên những căn nhà tre nứa, vách đất, xiêu vẹo kéo hun hút mãi về chân trời Mường Vang. Những điều đó cho thấy, ngoài học tiếng Pháp, tiếp xúc nhiều với các quan ngài từ "Mẫu quốc", Quách Thị Tẻo đã có những quan niệm rất là "Âu Tây", khá cởi mở, tiếp xúc với các giá trị văn minh vật chất cực sớm.

Nhưng....
(Theo CAND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem