Dưới đây là một vài chuyện như vậy.
Bị quản thúc trong cảnh khốn khó
Vua Thành Thái là con thứ 7 của vua Dục Đức, thân mẫu
là bà Phan Thị Điểu (sau được tôn làm Từ Minh hoàng hậu), vua sinh ngày 22
tháng 2 năm Kỷ Mão (14/3/1879). Năm lên bốn tuổi, vua cha Dục Đức ở ngôi được 3
ngày thì bị phế truất và chết vì đói khát sau mấy tháng ở trong tù.
Đến nǎm được chín tuổi, vì ông ngoại là Phan Đình
Bình - Thượng thư Bộ Hộ chỉ trích Đồng Khánh, nịnh bợ và thân Pháp, do đó Phan
Đình Bình bị bắt giam rồi bỏ cho chết, trong tai họa này Bửu Lân lại phải cùng
mẹ vào kinh đô, chịu sự quản thúc, sống trong cảnh thiếu thốn.
Nhờ lời "dịch sai" mà được làm vua
Ngày 27 tháng 12 năm Mậu Tý (tức ngày 28 tháng 1 năm
1889) vua Đồng Khánh lâm bệnh qua đời
khi mới ở tuổi 25, con trai là Nguyễn Phúc Bửu Đảo (sau này là vua Khải Định)
khi đó mới 3 tuổi nên không nối ngôi được, hội đồng Cơ mật viện của triều đình
Huế không biết chọn ai làm vua bèn cho người sang xin ý kiến của Tòa khâm sứ
Pháp. Viên Khâm sứ Pierre Paul Rheinart
gọi ông Diệp Văn Cương đang giữ chức vụ Bí thư kiêm thông dịch viên cho Tòa
Khâm sứ đến lãnh trách nhiệm thông dịch.
Chân dung vua Thành Thái (Hình minh họa)
Diệp Văn Cương, hiệu Thọ Sơn, bút hiệu Yên Sa, quê ở
An Nhơn (gần Gò Vấp), Gia Định là một người giỏi chữ Hán và quốc ngữ nên được
học bổng du học và đỗ tú tài ở Pháp. Khi về nước ông dạy tại trường Chasseloup
Laubat, rồi làm thông ngôn cho toà Khâm sứ Huế và là thầy dạy học cho vua Đồng
Khánh. Vợ ông là Công nữ Thiện Niệm, em gái vua Dục Đức.
Một bất ngờ táo bạo của ông khi làm thông dịch đã đóng
vai trò quyết định trong việc đưa người
cháu vợ là Nguyễn Phúc Bửu Lân lên ngôi, trở thành vua Thành Thái.
Tương truyền
dưới tác động của vợ, lại có lòng thương cảm cho số phận hẩm hiu của vua Dục
Đức và gia đình vua nên Diệp Văn Cương đã tìm cách cháu mình lên ngôi.
Ông dịch
cho Khâm sứ Rheinart nghe hoàn toàn khác với ý của Cơ mật viện, vì thế Bửu Lân
được chọn lên ngai vàng. Sách Nguyễn
Phước Tộc Thế Phả cũng cho biết về chuyện này như sau:
“Cơ mật viện hỏi: "Hiện nay vua Ðồng Khánh đã
thăng hà, theo ý của quí Khâm sứ thì nên chọn ai kế vị?". Diệp Văn Cương
dịch câu trên thành: "Nay vua Đồng Khánh đã thăng hà, Lưỡng tôn cung và Cơ
mật viện đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân lên nối ngôi, không biết ý kiến của quí
Khâm sứ như thế nào?"
Nghe vậy quan Khâm sứ đáp: "Nếu Lưỡng cung và Cơ
mật viện đã đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân thì tôi xin tán thành". Câu này
Diệp Văn Cương lại dịch là: "Theo ý tôi thì các quan Cơ mật nên chọn hoàng
tử Bửu Lân là hơn cả".
Thế là vào đầu tháng 2 năm Kỷ Sửu (1889) hoàng tử Bửu
Lân làm lễ lên ngôi, đặt niên hiệu là Thành Thái, khi đó mới tròn 10 tuổi.
Vị vua lên sân khấu biểu diễn tuồng hát
Các vua triều Nguyễn hầu hết đều ham mê
tuồng hát, họ đã cho xây dựng sân khấu biểu diễn riêng cho loại hình này ở trong
cung điện để thưởng thức, cho sưu tầm, thu thập các bản tuồng; lập các đội
tuồng… Tuy nhiên không chỉ ham thích mà còn trực tiếp biểu diễn, đây là chuyện
rất đặc biệt, hiếm thấy ở vua Thành Thái, ông là một người say sưa với nghệ
thuật tuồng và là một tay trống tuồng tài ba.
Giai thoại kể rằng, nghe nói có
một người đánh trống tuồng rất giỏi nên Thành Thái cho gọi ngay vào cung biểu
diễn cho vua xem, thấy người này trổ tài đúng như lời đồn, vua liền ban thưởng
và thú thật với triều thần rằng người đó đánh trống giỏi hơn cả vua.
Vì mê tuồng, vua Thành Thái nhiều khi trực
tiếp cầm trống chầu trong các buổi diễn; ông còn biết đánh giá các diễn viên có
tài, những đào, kép giỏi, được vua ban thưởng tiền bạc mà có người còn được
phong tước hiệu, ông Nhưn Đá được phong là “Thế thượng vô song”, ông Quyền Ngữ
được phong là “Bích nhãn chi”… Thành Thái còn là Hoàng đế duy nhất của triều
Nguyễn đã lên sân khấu diễn tuồng, đóng trò. Nhà vua từng thủ vai Thạch Giải
trong vở “Xảo Tống.
Chèo đò tuyển cung phi
Vua Thành Thái là người thích đi vi hành, ông thường
cải trang đi tìm hiểu đời sống nhân dân quanh khu vực kinh đô, trong một lần đi
vi hành qua đò trên sông Hương, vua đã chọn được một người đẹp và chuyện này
trở thành chuyện tuyển phi tần lạ lùng trong lịch sử.
Truyền rằng vào một ngày gần tết Nguyên Đán năm nọ,
vua Thành Thái cải trang làm một người dân đến làng Kim Long ở ngoại thành Huế,
sau đó ông lên một chiếc đò ra về. Bước lên đò, ông thấy cô gái lái đò khoảng chừng
đôi mươi đang khép nép trong chiếc áo vá vai, với đôi má ửng hồng rất có duyên.
Tâm hồn vị vua đa tình bỗng xao xuyến rộn lên một niềm cảm xúc lạ lùng…
Ông
tiến đến gần cô gái hỏi một cách đột ngột rằng có muốn lấy vua không thì mình
làm mối cho. Cô lái đò thấy ông khách hỏi
lạ đời, tưởng nói đùa nên không trả lời, ngoảnh mặt quay đi nơi khác. Một cụ
già đi đò cũng góp câu nói đùa, bảo cô gái cứ ưng thuận xem ông khách kia xử
trí ra sao; thế là cô gái đánh bạo nói ưng. Vua Thành Thái thích thú đứng dậy
đi về phía lái, cầm tay cô kéo ra đầu mui thuyền rồi nói:
- Rứa thì Quý Phi ngồi nghỉ để trẫm chèo cho!
Nói xong cầm lái cầm chèo đưa đò đi trước sự ngạc
nhiên vui vẻ của mọi người. Cô lái đò và mọi người không hiểu chuyện gì sẽ xảy
ra… Khi đò đến bến Nghinh Lương, trước Phu Văn Lâu, ở kinh thành, vua quay lại
nói đùa:
- Thôi các người đứng dậy trả tiền đò cho Trẫm và tiễn
đưa Quí phi vào cung!
Đến lúc này ai nấy đều ngỡ ngàng, kinh ngạc khi nhận
ra vua, tất cả đều cúi đầu hành lễ rồi đứng lên, rời đò và tiễn cô lái đò làng Kim
Long vô nội làm cung phi của vua Thành Thái. Từ chuyện này mà dân gian có câu
ca dao:
“Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm yêu trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi” .
Câu hát không nói rõ “trẫm” ở đây là ai, nhưng nhiều
người quả quyết chỉ có vua Thành Thái mới dám “liều” như thế…
Cho
dựng bia tiến sĩ khắc tên duy nhất một người
Lệ dựng bia khắc tên những người thi đỗ
Tiến sĩ được đặt ra từ đời Lê Thánh Tông như là một cách tôn vinh đặc biệt. Đến
đời Nguyễn, lệ dựng bia vẫn được duy trì cho đến khi khoa thi Nho học cuối cùng
trong lịch sử kết thúc vào năm Kỷ Mùi (1919), trong số bia Tiến sĩ do nhà
Nguyễn dựng có một tấm bia chỉ khắc tên duy nhất một người, tấm bia này do vua
Thành Thái dựng riêng cho Bùi Ân Niên.
Bùi
Ân Niên tên thật là Bùi Văn Dị, khoa thi Hội năm Ất Sửu (1865) đời vua Tự Đức
ông là một trong số những người đỗ (trúng cách), có tên trong danh sách vào thi
Đình. Theo lệ, người trúng cách mặc nhiên đã đỗ Tiến sĩ, vào thi Đình chỉ là
cuộc tranh đua thứ hạng các bậc đỗ Tiến sĩ mà thôi. Tuy nhiên không hiểu sao
ông bị đánh tụt xuống Phó bảng, học vị ở dưới Tiến sĩ. Đây là trường hợp chưa
từng thấy trong các khoa thi triều Nguyễn.
Dù buồn nhưng Bùi Ân Niên coi đó là chuyện
không may, sau khi thi đỗ ông ra làm quan dần trải nhiều chức vụ, có đóng góp
lớn trong các hoạt động ngoại giao, thi cử, quân sự, văn học, sử học và giáo
dục (ông chính là thầy của vua Đồng Khánh)… Năm Kỷ Sửu (1889) vua Thành Thái
lên ngôi đã phong cho Bùi Ân Niên chức Thượng thư bộ Lại, Phủ chính đại thần;
trong thời gian này ông đã tâu vua xin xét lại học vị Tiến sĩ cho mình.
Năm
Canh Dần (1890) vua Thành Thái xét thấy ông có công lao và thực tài, lại được
sự đồng tình của Thái hoàng thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) nên đã ra chỉ dụ
truy phục học vị Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân của khoa thi năm Ất Sửu
(1865) cho ông. Để chứng tỏ việc này không mang tính hình thức, vua còn ban cho
ông đủ nghi thức áo, mũ, cân đai, cờ biển và cho dựng một tấm bia tiến sĩ ở tại
Văn Miếu - Huế, trên bia khắc tên Bùi Ân Niên và lời dụ của vua về việc truy
phục học vị cho ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.