Thanh Hoá là tỉnh có số huyện nghèo nhiều nhất cả nước (6 huyện). Trong chuyến công tác miền núi cuối năm, tôi lên huyện miền núi Thường Xuân ghi nhận về một cái Tết với nhiều đổi thay.
70 tuổi mới có… Tết vui
Khi tôi đến xã Ngọc Phụng, cũng là thời điểm địa phương đang rà soát lại số quà Tết cho bà con đồng bào thuộc diện hộ nghèo và gia đình chính sách. Năm nay, xã phải chuẩn bị thêm rất nhiều quà cho số hộ nghèo vừa rời sông nước lên bờ.
|
Ông Đào Đức Đảm - cán bộ xã Ngọc Phụng giới thiệu những căn nhà của hộ nghèo vừa được Chính phủ hỗ trợ xây dựng. |
Ông Nguyễn Viết Việt - Chủ tịch UBND xã mời tôi đi thăm một số gia đình làm nghề chài lưới dưới sông Âm vừa được hỗ trợ lên bờ xây dựng nhà mới. Trong số đó, gia đình bà Trần Thị Khởi, 70 tuổi, ở thôn Xuân Thành đã có nhà ở khang trang.
Chỉ tay lên căn nhà mới xây, bà bảo: "Cả cuộc đời tôi, lần đón Tết này là vui nhất, sung túc nhất". Bà Khởi kể: Quê gốc của bà ở huyện Thiệu Hóa, lớn lên bà lấy chồng làm nghề chài lưới dưới sông Chu. "Thuyền theo lái, gái theo chồng", nên từ ngày ấy cuộc đời bà cũng gắn với con thuyền, lênh đênh trên sông cho đến ngày nay. Bà Khởi có 5 người con (4 trai, 1 gái) đều đã được dựng vợ, gả chồng.
Thế nhưng, cả 4 người con trai đều lấy vợ dân chài, nên bà vẫn phải ở dưới thuyền với các con. Có thời điểm, gia đình bà Khởi gồm 3 thế hệ, 11 nhân khẩu, sống chung trên một chiếc thuyền nhỏ, vừa là nơi ở, vừa là phương tiện để mưu sinh. "Vì cái thuyền nhỏ quá, nên mấy mẹ con, bà cháu chỉ đủ chỗ ngồi và nằm thôi. Bây chừ, dù vẫn còn nghèo đấy, nhưng có nhà cao, cửa rộng như vầy cũng đã là sung sướng rồi. Nhờ các cấp chính quyền mà con, cháu tôi mới có được ngày hôm nay"- nói xong, bà Khởi vội quay mặt quệt nước mắt.
Ông Việt cho biết, ở Ngọc Phụng vừa có 4 gia đình (cuối cùng) sinh sống dưới sông được hỗ trợ lên bờ. Trong đó, hai người con trai của bà là Lê Văn Hùng và Lê Văn Trường. Bà Khởi hiện nay đang ở với người con trai út Lê Văn Trường. Căn nhà bà ở được "tổng hợp” từ nhiều nguồn hỗ trợ: Chính quyền xã cấp đất, Chính phủ hỗ trợ 8,4 triệu đồng, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam hỗ trợ 4,4 triệu, Ngân hàng CSXH cho vay 8 triệu đồng trong thời hạn 10 năm để xây nhà. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH còn cho vay 5 triệu đồng không lãi để gia đình bà Khởi phát triển sản xuất.
Đổi đời nhờ… 30a
Ông Đào Đức Đảm - cán bộ xã Ngọc Phụng giới thiệu những căn nhà của hộ nghèo vừa được Chính phủ hỗ trợ xây dựng.
Là người theo sát Chương trình 30a, ông Nguyễn Thanh Phương - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thường Xuân bảo: "Nếu không có Chương trình 30a thì Thường Xuân vẫn còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Đầu năm 2009, Thường Xuân chúng tôi có tới 14 xã khó khăn, trong đó có 8 xã đặc biệt khó khăn. Bây giờ thì đã khá lắm rồi. Tết Tân Mão này, Thường Xuân chúng tôi sẽ được đón giao thừa vui nhất từ trước đến nay là điều cầm chắc trong tay".
Quả vậy, cái điều "cầm chắc trong tay" mà ông Phương nói được thể hiện rất rõ. Bởi lẽ, chỉ tính riêng số gia đình nghèo được Chính phủ hỗ trợ xây dựng nhà ở đã có 4.090 hộ. Tết Tân Mão này, số hộ nghèo trên đều đã có nhà mới vui xuân. Nhờ có 30a, Thường Xuân nhận được sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp.
Chỉ tính riêng số kinh phí hỗ trợ cho 4.090 căn nhà đã lên tới 87 tỷ 462 triệu đồng... Bên cạnh đó, Chương trình 30a còn hỗ trợ kinh phí cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sản xuất; kinh phí đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho dân và hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho Thường Xuân như thủy lợi, đường giao thông... Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 56,6% xuống còn 45,8%.
Với Chương trình 30a, một mùa xuân mới đang mang niềm vui, niềm hạnh phúc về với những người nông dân nghèo ở huyện Thường Xuân.
Hồng Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.