Tết này anh lại vắng nhà...

Thứ năm, ngày 14/02/2013 06:14 AM (GMT+7)
Dân Việt - Chồng vắng nhà cũng canh cánh đủ nỗi lo. Nhưng mấy ai biết rằng, chồng đi xa cũng chẳng yên lòng mỗi độ Tết về.
Bình luận 0

Mỗi khi các ông chồng phải đi học, đi công tác xa gia đình, vợ con ở nhà nửa nhớ thương chồng, nửa lo sợ anh sa ngã vào những thói hư tật xấu, bởi cuộc sống thừa cám dỗ, thiếu tình cảm nơi đất khách quê người luôn là những cái bẫy không ai ngờ tới.

Nhưng, mấy ai hiểu cánh đàn ông cũng trăn trở bao nỗi nhớ nhung, lo toan, nhớ vợ, thương con từng ngày, từng giờ, nhất là mỗi dịp Tết về khi mọi người háo hức mong chờ dịp đoàn tụ cùng gia đình, còn các ông chồng - vì những lí do không thể thay đổi phải đón Tết không có vợ con ở bên.

img
Với nhiều lý do khác nhau, mâm cơm ngày Tết vẫn vắng bóng một người - Ảnh minh họa

 Cũng bởi lo cơm áo gạo tiền, lo cho gia đình có một cuộc sống khấm khá hơn, nhiều ông chồng phải quyết tâm xa vợ con đi lao động xuất khẩu, chịu đựng cảnh làm thuê bao ê chề nơi xứ người. Nhiều nơi, cả làng cả xã đua nhau đi, họ mong mỏi có nguồn thu nhập kha khá gửi về mỗi tháng cho vợ đỡ phần vất vả, cho con được học hành bằng chúng bạn nơi quê nhà.

Tiền lương mỗi tháng kiếm được họ dành dụm, chắt chiu, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Tết về, nỗi nhớ vợ con càng cồn cào, da diết nhưng họ cũng không dám bỏ một lúc mấy chục triệu để về quê ăn Tết. Cái giá để được đoàn tụ cùng vợ con vài ngày với những người nông dân… đắt quá!

“Nhiều lúc chỉ muốn gạt tất cả sang một bên, chạy ngay ra sân bay để được về nhà ăn Tết. Lại một năm vợ con ở quê lụi cụi đón Tết vắng chồng, vắng cha, nhớ nhà lắm, nhiều lúc tưởng như không chịu được nữa, mình bật khóc nức nở như một đứa trẻ…”, lời tâm sự ngắn ngủi của anh Nam quê ở Bắc Ninh, sang Hàn Quốc lao động đã hai năm nay, khiến ai nấy không khỏi nghẹn ngào.

Ở nơi xứ Hàn xa xôi, Tết với anh có lẽ chỉ là nỗi nhớ vợ con lẫn trong những làn tuyết trắng buốt giá. Lại thêm một mùa xuân, anh đón Tết bằng muôn vàn an ủi nơi những người thương yêu chốn quê nhà.

Những người lính luôn khiến mỗi chúng ta cảm động, khâm phục vô cùng bởi ý chí quyết tâm, bởi sự hi sinh lớn lao của họ cho Tổ quốc. Đã xác định gắn bó cuộc đời mình với màu xanh áo lính, họ phải hi sinh không chỉ hạnh phúc cá nhân mình mà cả niềm vui của gia đình, vợ con. Mỗi khi để vợ ngóng tin chồng, con chờ bóng cha, họ lại thấy mình thật có lỗi biết bao. Thế nhưng, vì nhiệm vụ cao cả với đất nước, các anh không cho phép mình yếu lòng.

Chiến sĩ tên Sơn đang công tác tại đảo Trường Sa tâm sự, giọng nói đầy quyết tâm nhưng không giấu nổi nỗi xúc động pha lẫn hài hước - cái vốn quý giá của người lính: “Bọn em là lính, phải chấp nhận xa nhà, có nhớ đến mấy cũng không được lung lay. Lại một Tết nữa không về, em chỉ mong bố mẹ mạnh khỏe, vợ con mạnh mẽ hơn, cố gắng khắc phục khó khăn và ăn Tết vui vẻ, còn anh em bọn em ở đảo… có nhau rồi.”

Ăn Tết xa quê nơi có cái lạnh không giống mùa đông quê nhà, với những người không phải ruột thịt, máu mủ, nhưng những người lính càng cảm nhận rõ hơn sự ấm áp của tình đồng đội giúp họ vơi bớt phần nào nỗi nhớ vợ con.

Vợ lính, vốn đã thấm thía cảm giác xa vắng, thui thủi triền miên quanh năm vẫn không sao quen được cái Tết vắng chồng, nhưng các chị vẫn nỗ lực, trọn tâm, chu toàn cho gia đình, giúp chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ nơi xa.

Được cơ quan cử đi học cao học ở một trường đại học danh tiếng tại Singapore, anh Huy nửa mừng nửa lo. Mừng bởi đây là dịp tốt hiếm có để anh có cơ hội học cao hơn, cuộc sống của anh và vợ con sau này sẽ tốt đẹp, sáng lạng hơn, lo bởi anh sẽ phải xa vợ con trong mấy năm dài đằng đẵng. Tết Nguyên đán năm nay đúng vào dịp thi học kỳ nên anh đành ngậm ngùi ở lại trường, đón Tết Việt… qua chiếc ti vi.

Dù hội sinh viên Việt Nam tổ chức đón Tết cho các du học sinh khá nhộn nhịp nhưng nỗi khắc khoải nhớ vợ con trong anh vẫn không sao khỏa lấp được.

Anh Tuy tâm sự, giọng nghẹn ngào: “Mấy ngày Tết, ngồi một mình trong ký túc xá, cắm phone nghe những bài hát về xuân, về Hà Nội, lồng ngực như có cái gì đè nặng, nôn nao lắm, cứ muốn vỡ òa ra. Chỉ được nói chuyện với vợ con qua internet, qua điện thoại mà không dám hỏi không khí Tết ở nhà như thế nào, sợ không cầm được nước mắt. Chỉ một đêm giao thừa cô đơn nơi xứ người, chỉ một cái Tết xa nhà, sao khó khăn đến thế...!”

Một sáng Hà Nội, mưa bụi bay lất phất rải những giọt sương trên từng cành đào, cành quất xanh tươi, một chiều Sài Gòn, nắng chói chang tô điểm những nhành mai vàng rực rỡ.

Những dòng người hối hả, vội vã nhưng trên khuôn mặt luôn ẩn chứa một niềm vui khó diễn tả thành lời, những chuyến xe cuối năm chật chội, ngột ngạt đến khó thở nhưng thoảng đâu đó là mùi của hạnh phúc, của đoàn tụ. Còn với những người đi xa, chỉ là khắc khoải những ánh mắt chờ trông và mong móng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem