Tết xưa quê tôi, tầm tháng Chạp, đi ngang nhà nào cũng thấy những rổ
pháo đỏ phơi giữa cái nắng hanh khô, se lạnh của mùa xuân. Thời đó, pháo
chưa bị cấm sử dụng mỗi dịp Tết đến nên nhà nào cũng phơi pháo để đêm
giao thừa và sáng mùng Một tiếng nổ được giòn giã hơn.
Dân quê tôi tin
rằng tiếng pháo nổ đùng đùng, giòn giã, không có viên pháo nào bị xì,
hoặc nổ nhỏ là dấu hiệu một năm mới làm ăn nhiều khởi sắc, may mắn và
phát đạt. Những năm đó, đêm giao thừa, anh em tôi hay ra đứng trước sân
nhà nghe ngóng tiếng pháo nổ phát ra từ nhà hàng xóm rồi đoán xem đó là
pháo của nhà ai.
Tầm 11 giờ đêm giao thừa là đã bắt đầu thấy tiếng pháo nổ râm rang,
tiếng pháo nổ nhiều hơn lúc cận 12 giờ, rồi bắt đầu giảm xuống cho đến
sáng mùng Một lại bắt đầu nghe tiếng pháo nổ trở lại. Hồi đó, ít nhất
mỗi nhà chuẩn bị 2 tràng pháo, một cho đêm giao thừa và một cho sáng
mùng Một Tết. Chúng tôi thường bịt tai, chờ tràng pháo nổ hết, lượm mót
những viên pháo bị sót hoặc chưa nổ để đốt lại. Ba tôi hay nhắc chừng
việc đốt pháo này có thể rất nguy hiểm.
Tết xưa quê tôi, hăm mốt, hăm hai âm lịch tháng Chạp đã thấy các bà,
các mẹ ngồi chen chúc nhau ở lò-nổ-đùng của anh Hai Tuấn. Cả xóm chỉ có
mình nhà anh có cái ống nổ đùng đó. Gạo nếp được chọn những hạt mẩy,
loại ngon đem bỏ vào ống nổ đùng bỏ lên lò lửa. Anh Hai Tuấn cứ ngồi
quay qua quay lại cái ống nổ đùng đều đều như thế khoảng 30 phút sau thì
mở nắp, đập một cái đùng thiệt to là hàng vạn, hàng tỷ hạt nếp trắng
muốt, thơm phức được nở bung ra.
Trong xóm, lũ nhỏ tụi tôi hay ngồi cạnh
ống thổi lửa, quay quay cánh quạt cho lửa thổi vào bếp với mục đích
ngồi chờ mỗi dịp nổ đùng như thế mót những hạt đùng còn vương vất lại
đâu đó. Những hạt đùng như vầy bắt đầu chuyển sang công đoạn xay bột.
Bột nếp trắng mịn, thơm phức được chuẩn bị để làm những chiếc bánh in
xinh xắn với nhân mứt bí đao, đậu xanh, đậu đen hoặc mè. Đó cũng là món
bánh mà Tết đến quê tôi hầu như nhà nào cũng có vài ba chục cái.
Tết xưa quê tôi, người dân râm ran chuyện năm nay có “làm heo” ăn Tết
hay không. Cận đến 23 âm lịch, ngày đưa ông Táo về trời là bắt đầu nghe
tiếng eng éc của những nhà có làm heo cúng Tết. Tôi nhớ có năm nhà tôi
cũng làm heo. Nhà nào làm heo Tết cũng có thói quen chia vài miếng cho
hàng xóm chung quanh gọi là “nhà tui năm nay làm heo nên mang cho bác
một ít để cùng ăn Tết lấy thảo”. Vậy đấy, việc làm heo được xem là việc
trong đại của nhà nông mỗi dịp Tết đến, nó cũng hàm ý với hàng xóm rằng
“Năm nay nhà tôi làm ăn cũng kha khá nên mới làm heo để ăn ba ngày Tết”.
Tết xưa quê tôi, đi ngang nhà nào cũng thấy những nia kiệu hoặc những
sàng đu đủ được các bà, các mẹ phơi phía trước nhà. Món kiệu, đu đủ làm
dưa để ăn kèm bánh tét được xem như là món ăn truyền thống mà Tết cổ
truyền nhà nào cũng có. Rồi thì ngổn ngang những tủ giường, bàn ghế được
lau chùi, đánh bóng thoảng mùi vẹc-ni được mang ra giữa sân phơi nắng.
Các bà, các chị và trẻ con vác chiếu, mùng mền ra con sông cuối xóm để
giặt giũ cuối năm. Nước sông trong xanh, mát rượi, lũ trẻ con chúng tôi
hay leo lên mấy chiếc chiếu nổi lềnh bềnh để làm thuyền, chơi trò đánh
nhau. Các bà, các chị râm ran chuyện Tết năm nay nhà mình có thêm ổ
bánh, người khác thì bảo nhà tôi năm nay nuôi được bầy vịt làm vốn.
Tết nay, pháo đã bị cấm từ lâu. Con sông quê giờ đây một khúc sông chảy
ngang xóm tôi đã bị lấp, bị cắt khúc nhiều đoạn và nước trở nên ô nhiễm.
Bột-đùng năm nào đã thay bằng loại bột mà dân quê tôi hay gọi là “bột
Sài Gòn”. Việc “làm heo” bây giờ cũng là chuyện hiếm quê tôi, một phần
cũng vì an toàn vệ sinh, không được giết mổ heo bừa bãi, một phần kinh
tế khó khăn, ít nhà nào “làm heo” để ăn ba ngày tết. Món dưa kiệu mỗi
nhà làm thủ công nay cũng đã ít dần, thay vào đó là những hũ kiệu được
mua từ chợ, các bà, các chị khỏi mất công tốn thời gian mà chẳng tiết
kiệm bao nhiêu.
Với tôi, bức tranh Tết quê xưa giờ chỉ còn là dư âm, là ký ức với tiếng
pháo nổ đùng đùng, tiếng trẻ con í ới gọi nhau khoe vừa được ba mẹ mua
quần áo mới. Một mùa xuân nữa lại sắp về trên mọi nẻo đường đất Việt.
Một cái Tết Nguyên Đán thiêng liêng mà chắc chắn mỗi người Việt Nam trên
mọi miền của đất nước đều mong ngóng và chào đón với vô vàn tâm trạng,
nhất là với những người con xa quê.
Phụ nữ TP.HCM (Theo Phụ nữ TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.