Tết và những quan niệm tâm linh trong phong tục

Thứ năm, ngày 30/01/2014 11:06 AM (GMT+7)
Tết là từ quen gọi của người phương Đông, hàm nghĩa chỉ sự kiện diễn ra theo tập quán của một dân tộc, trong phạm vi một quốc gia. Với người Việt, Tết nguyên đán là tết quan trọng, mang tính phổ biến với nhiều tập tục.
Bình luận 0
Tết trong đời sống, chúng ta vẫn quen gọi là tết âm lịch, hay tết nguyên đán. Tết là cách nói tắt hai chữ lễ - tiết. Vì sao?

Theo sách Lịch vạn niên thực dụng (do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành tháng 3.2001) có phân theo Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên. Về tiết khí có 24 tiết khí bao gồm Lập Xuân, Thanh Minh, Lập Hạ,… Theo đó, nói ngày Tết nêu ở đây tức là nói tắt Lễ tiết Nguyên Đán (ngày đầu năm). Âu đó cũng là do đặc điểm của một đất nước nông nghiệp xưa, vốn phụ thuộc rất lớn vào khí hậu, thời tiết, rồi theo đó phân chia thành nông vụ.
Cảnh chơi đu ngày Tết, trước Văn Miếu (Nguồn: Internet)
Cảnh chơi đu ngày Tết, trước Văn Miếu (Nguồn: Internet)

Trong những ngày Tết cổ truyền này, từ ngàn xưa, người Việt đã duy trì nhiều phong tục truyền thống. Một số tập tục lạc hậu cũng đã được xóa bỏ, nhưng có nhiều cổ tục tốt đẹp đã được đời này truyền lại cho đời sau, cứ thế kế tiếp, duy trì, trở thành thuần phong mỹ tục Việt.

Như khai ruộng cày, hái lộc, du xuân, chúc tết... Đặc biệt, theo truyền thống, Tết cũng là dịp để con cháu tề tựu, xum vầy, báo hiếu công lao trời biển của tổ tiên,mẹ cha... thể hiện qua việc sắm lễ, thờ cúng người đã khuất, mừng thọ với người sống cao tuổi. Theo đó, cứ vào các ngày Tết, bất luận là ai,già, trẻ, nam nữ... đều rất tuân thủ chỉ vì một mong muốn đón năm mới với nhiều điều may mắn, tốt đẹp hơn.

Ở các làng quê Việt, xưa nay dù no đói, thiếu đủ, từ trẻ đến già ai cũng phải lo cho được nồi bánh chưng, đĩa chè, khoanh thịt với tập quán đụng lợn, tát ao chia cá. Nhà sang thì có mâm ngũ quả tươm tất, lọ hoa thược dược... Xa xưa nữa còn có những phong tục, kiêng cữ mà cho đến ngày nay vẫn duy trì, dù người Việt nhiều khi chỉ là làm theo thói quen, không thể cắt nghĩa.

Những phong tục từ cổ xưa của người Việt

Tục Tống cự nghênh tần:

Theo tục này, ở mỗi gia đình, cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, bao sái ban thờ, lau giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng. Nếu nỡ do công việc bận rộn, hoặc phải quét nhà cũng chỉ vun rác vào một góc, hết ba ngày Tết mới được dọn đổ đi. Tất cả đều phải hoàn tất vào trước giờ giao thừa, để sang thời khắc mới khỏi bị “giông” cả năm.

Cũng nhờ có tục này, mọi người đều sẵn sàng bỏ qua cho nhau tất cả vướng mắc, giận dỗi trong cuộc sống. Mọi người ra đường đều cởi mở, thăm hỏi, gặp nhau niềm nở với những lời chúc tốt đẹp nhất. Nhiều gia đình còn răn dạy con cháu từ phút giao thừa trở đi, không quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, không vứt rác viết vẽ bừa bãi, không nỡ mắng con vào thời khắc đầu năm mới này.

Tục hái lộc, xông đất, chúc tết, mừng tuổi ở miền Bắc, lì xì ở miền Nam:

Sau thời khắc giao thừa, ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe, thành đạt. Nhiều nhà còn chủ động tự mình đi ra ngoài, đi lễ, rồ cố gắng hái ngẫu nhiên một nhành cây, hoặc mua một thứ gì đó đem về nhà, coi đó là lộc,là điềm may cho năm mới.

Theo tục xưa, thường là trước khi đón giao thừa, trong mỗi gia đình, gia chủ đều quan tâm đến nhờ người xông đất. Người được mời đến xông đất được coi là tốt phúc, mạnh khỏe, xởi lởi, với hy vọng mang điềm may đến cho gia chủ.

Ở các vùng nông thôn, tục xông đất thường chỉ tiến hành vào sáng ngày mùng 1 Tết. Gia chủ sau khi thành tâm thắp hương cúng cơm trước ban thờ gia tiên, bày biện ấm chén, rồi chờ đón khách đến xông đất, chúc Tết, cùng thưởng thức chén rượu đầu Xuân với gia chủ. Còn ở thành thị, ngày nay, việc xông đất có thể tiến hành ngay sau nghi thức cúng giao thừa kết thúc.

Tục mừng tuổi (lì xì) cũng được tiến hành giữa người đến xông đất đối với gia chủ, hàm nghĩa mang lộc đến cho cả chủ nhà và khách.
img
Ngày Tết, niềm vui của con trẻ là được lì xì (Ảnh minh họa - Nguồn: VnExpress)

Tục mừng tuổi, chúc Tết cũng diễn ra trong suốt những ngày Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ cũng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà, họ hàng, bạn bè thân thích, chúc những điều mong muốn nhất.

Thời trước, cho dù ở nông thôn hay trốn thị thành, cứ vào sáng mùng 1, còn có tục lệ múc thau nước đem vào sân, hoặc để trước hiên nhà, quan niệm nước là của cải, đem lại “lộc phước dồi dào”.

Quà Tế, lễ Tết:

Người Việt trong cuộc sống thường nhật vẫn thường qua lại hỏi thăm nhau, có khi cũng biéu quà, nhưng phong tục quà lễ Tết nguyên xưa mang ý nghĩa đặc biệt khác. Gần như ngày Tết Lễ Tết gần như trở thành tục lệ bắt buộc trong mỗi gia đình, dòng tộc, họ mạc của người Việt, thể hiện đạo lý, trách nhiệm của con, cháu, anh em bề dưới với bề trên, ơn nghĩa.

Loại trừ việc biến tướng, mượn cớ với động cơ vụ lợi thì việc biếu quà Tết là sự thể hiện phong cách văn hóa sống, rất đáng trân trọng. Như trò đến lễ thầy, con rể lễ Tết bố mẹ vợ… Dù là Lễ to hay nhỏ, nhưng vẫn trọn nghĩa, vẹn tình. “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.
img
Phong tục Khai bút, xin chữ đầu Xuân (Ảnh minh họa)

Khai ấn, khai bút, khai canh, mở hàng... đầu Xuân:

Tục xưa, cũng vào dịp đầu xuân còn có Lễ khai ấn. Vua, quan khai ấn, ban bổng lộc, chức tước cho hiễn sĩ, chiêu tài trong dân. Ngày nay, trong nhân dân vẫn duy trì, có Lễ hội khai ấn đền Trần ở Nam Định, Thái Bình để tưởng nhớ các vị vua Trần đã có công tạo dựng, trấn yên bờ cõi, xây dựng giang sơn đại Việt.

Theo Giáo sư, tiến sĩ Vũ Gia Hiền: Khai Xuân có nghĩa là khai sinh cho mùa xuân mới bằng ngôn ngữ thể hiện qua ngòi bút.

Do ngày xưa chưa có nghệ thuật nhiếp ảnh cũng như các phương tiện lưu giữ hình ảnh, cầm bút chính là cách để mỗi người giữ lại cảm xúc thời gian đón năm mới.

Người khai Xuân đại diện cho làng xã, công sở, trường học... phải là người có uy tín và thạo văn chương. Khai xuân bằng việc viết ra những câu thơ, câu văn, câu đối chứa đựng giá trị tổng kết của một năm cũng như cảm xúc về các giá trị đó và tiên đoán cho năm mới. Khai bút là cấp độ nhỏ hơn của khai xuân. Khai bút thể hiện cảm xúc của mình với mùa xuân, với năm mới một cách trịnh trọng tùy theo sở thích của mỗi người.

(Nguồn: VnExpress)

Quan lại trong triều thì khai ấn, còn học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng để lấy ngày (chọn ngày lành, tháng tốt). Sĩ, Nông, Công, thương “Tứ dân bách nghệ” thời xưa, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ, nên dịp đầu Xuân thường có thói quen chọn ngày đẹp để khởi sự công việc trong năm. Riêng khai bút thì ngay khi giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo để bắt đầu.

Sau ngày mồng một, dù có mải vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày “Khai nghề”. Nếu như mùng 1 là ngày tốt thì ngay buổi chiều là đã bắt đầu “Làm lấy ngày”. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn, đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình mình một sản phẩm, dụng cụ gì đó (nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn). Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu Xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi Xuân.

Với người nông dân, khai cày là công việc vô cùng quan trọng. Đường cày đầu xuân thể hiện sức lao động của con người chinh phục đồng ruộng. Chinh phục đồng ruộng là sức sáng tạo của cư dân nông nghiệp Việt Nam - những người làm nên nền văn minh lúa nước. Phong tục khai cày từ lâu đã không còn vì việc cày bằng trâu đã được thay bằng cày máy từ khi công nghiệp phát triển.

Về sau xuất hiện việc khai Xuân trồng cây. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi động phong trào trồng cây, lấy ngày 05 Tết phát động trồng cây ngày Xuân, gọi là Tết trồng cây.

Đi lễ đầu Xuân:

Phong tục đi lễ nơi Đình, Chùa thường được tiến hành ngay sau giao thừa, ở nhiều vùng quê lễ vào sáng sớm ngày mùng 1 Tết. Các gia đình mang Lễ vật (gà, xôi, oản quả, trầu cau, giò lợn...) đội mâm đến lễ tại Đình.

Ở các vùng quê miền Bắc, Lễ đầu Xuân thường có 3 nơi là đình, chùa và quán. Xưa còn có tục lễ đình phải là đàn ông, các bé trai, vì đây được xem là việc của làng nước. Nay quan niệm này cũng đã được cải tiến đi nhiều nhưng cũng không được trọng thị, thành kính như xưa. Còn tại quán, việc lễ dành cho phụ nữ và bé gái. Quán cũng là nơi thờ Thành hoàng làng (thường là những nhân vật có công lập làng với những sự tích thiêng liêng). Riêng lễ chùa thì dành cho tất cả mọi người theo Phật giáo và mộ đạo Phật.

Phong tục đi lễ đình, chùa, quán là đời sống tâm linh ngày Tết có từ lâu đời ở nước ta. Ngày nay, chùa khá phát triển vì thế người ta đa phần chỉ còn nghĩ tới đi lễ chùa. Nhất là ở miền Nam, đa phần chưa có đình mà chỉ có chùa, vì thế việc đi lễ đình có khi còn khá xa lạ.

Xưa còn có tục đánh cờ gánh, tổ tôm, tam cúc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc, rượu chè. Riêng trong dịp Tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì ông bố cho phép vui chơi, có cả trẻ con người lớn, những nhà hàng xóm, những gia đình thân cận cũng vui. Đến lễ khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ Tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn khi hóa vàng. Sau do tục này bị biến tướng thành tệ cờ bạc,nên đã bị pháp luật ngăn cấm.
Xuân Thắng (Xuân Thắng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem