Ở Hà Tĩnh quê tôi vào chiều 30 tết, ngoài cân thịt, gói bánh treo trong nhà thì gia đình nào cũng đi hái cho bằng được một nắm lá Chè Cỏ về sắc lên lấy nước uống trong dịp tết. Chè Cỏ là loại cây mọc tự nhiên có rất nhiều ở các vùng quê, lá Chè Cỏ sắc lấy nước có mùi thơm nồng thật đặc biệt nhưng có vị đắng.
|
Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng không còn là món ăn xa xỉ nữa đối với người dân quê nên nắm lá Chè Cỏ uống lành bụng đã bị quên lãng |
Lúc tôi còn nhỏ vào dịp tết mẹ nấu một nồi nước Chè Cỏ ủ ấm bên bếp lửa mỗi người trong gia đình đều uống một bát vào bữa sáng, nhưng đối trẻ con thì nước Chè Cỏ chẳng hấp dẫn một chút nào vì nó đắng ngắt. Vì thế để tôi uống hết bát nước Chè Cỏ mẹ tôi đã phải nói dối: Tết mà không uống nước Chè Cỏ sẽ không được mừng tuổi và ăn kẹo. Hồi đó còn nghèo, tết đến có gói kẹo trong túi quần là mừng lắm rồi vì vậy tôi tin vào lời mẹ nhắm mắt ngấu nghiến uống hết bát nước đắng để được ăn kẹo và mừng tuổi.
Sau này lớn lên tôi mới hiểu rằng nước Chè Cỏ có tác dụng phòng ngừa đau bụng mỗi khi được ăn uống nhiều và không kiểm soát. Khoảng mười lăm năm trở về trước cuộc sống còn vất vả, đặc biệt là ở các vùng quê đủ gạo ăn cũng khó, chứ chưa nói đến bữa ăn có đầy đủ thịt cá. Vì vậy, làm lụng vất vả cả năm chờ đến 3 ngày tết cả gia đình mới được dịp ăn uống no nê. Khi đó cân thịt mỡ, gói kẹo đường thôi nhưng là những thực phẩm xa xỉ đã làm cho hệ thống đường ruột bị rối loạn vì lạ bụng.
Giờ đây, đời sống của người dân quê tôi ngày một khấm khá lên các loại thực phẩm như cá, thịt có trong các bữa ăn hàng ngày vì vậy bát nước Chè Cỏ trong dịp tết cũng dần dần bị quên lãng. Đó là một điều đáng mừng, nhưng đối với tôi mỗi dịp Tết đến ngồi bên bếp lửa nấu bánh chưng giữa cái se lạnh đầu Xuân lòng lại thấy bâng khuâng nhớ về bát nước Chè Cỏ của mẹ.
Trần Thị Lành
Vui lòng nhập nội dung bình luận.