Mãi cho đến thời nhà Nguyễn, Tết ở miền Nam mới có phần nào khởi sắc.
Đại thể, vào tháng cuối năm, trước ngày 23 đưa ông Táo về trời, ai nấy cũng lo bồi đắp phần mộ ông bà, lau dọn bàn thờ Tổ tiên, chưng cúng hoa trái, chuẩn bị heo, gà, gạo, nếp để chế biến thức ăn, trước cúng Ông Bà để tỏ lòng hiếu thảo, sau dùng đãi khách, cũng là dịp để gia đình, con cháu “rửa ruột” ngõa nguê. Nhà cửa đều được quét dọn sạch sẽ. Người có điều kiện thì may sắm thêm quần áo mới…
Mọi sự rộn rịp ấy đều nằm trong ý “tống cựu nghinh tân”. Điểm đặc biệt
đáng ghi nhận thêm là vào đêm 28 tháng chạp, na nhân (tục danh nậu sắc
bùa) đánh trống, gõ phách, một nhóm khoảng 15 người đi theo dọc đường,
trông nhà hào phú nào mở cửa ngõ thì vào dán lá bùa ngay cửa, niệm thần
chú rồi nổi trống phách lên, ca xướng những lời chúc mừng. Người chủ nhà
dùng cỗ bàn, chè rượu khoản đãi rồi gói tiền thưởng tạ. Xong nhà này
lại qua nhà khác, cũng làm như vậy cho đến chiều bữa trừ tịch mới thôi,
ấy là có ý đuổi tống tà ma, trừ cũ rước mới vậy.
Cảnh bán hoa Tết xưa (Ảnh minh họa - Nguồn: Cinet)
Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa đều dựng một cây tre, trên buộc một cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo lá bùa “tứ tung ngũ hoành”, giấy vàng bạc, xâu vỏ ốc…, gọi là “lên nêu”. Ông Trịnh Hoài Đức có ghi nhận việc này trong sách Gia Định thành thông chí của mình, đồng thời cũng tỏ bày nỗi băn khoăn là “không thể khảo cứu nguyên do từ đâu”.
Ta biết, Trịnh tiên sinh là người gốc Trung Hoa, sinh trưởng trên đất Việt, làm quan to triều Nguyễn, học rộng tài cao. Khi nhà Thanh cưóp ngôi nhà Minh, do không chịu bím tóc làm tôi một dân tộc mà tổ tiên ông - vốn dòng dõi khoa hoạn - cho là mọi rợ, nên đem gia quyến vượt biển sang, xin ngụ tại Trấn Biên (Biên Hòa), thành ra cái ý nghĩa “lên nêu” sâu kín của dân tộc ta, tất nhiên ông khó mà nghiệm hiểu nổi!
Cho đến thời Minh Mạng, tuy dân cư đông đúc hơn, nhưng tuyệt đại bộ phận người dân ở nông thôn vẫn còn triền miên nghèo khó. Ngoài những khu gia binh quanh các đồn, bảo có thể có đôi nét rộn rịp, kỳ dư nhân dân đều ăn Tết rất đơn sơ. Tuy nhiên, lác đác đó đây vẫn thấy có không khí Tết khá vui vẻ, tươm tất. Nhưng phải hiểu đó là cả một sự cố gắng của người nghèo.
Mãi cả trăm năm sau, khi mà cuộc sống người dân đã khá hơn nhờ đất ruộng thành thuộc, vườn tược xum xuê, bà con mới có điều kiện “lo Tết”. Họ chuẩn bị từ cả ba bốn tháng trước. Nhà nhà, ai cũng chăm sóc vật nuôi chu đáo, liệu lượng sao cho đến Tết thì heo đúng tạ, gà vừa ký. Việc đồng thì ngoài những giống gieo sạ thông thường, bà con cấy thêm một vài công lúa, nếp loại giống sớm, để kịp thu hoạch đúng Tết.
Với đặc sản này, họ dùng đặt rượu đế, quết cốm dẹp, hoặc xay bằng cối đất, hay giã bằng chày trên cối gỗ để chế biến thức ăn, làm bánh. Điều đặc biệt là bà con không chịu mang đến nhà máy xay lúa (khi đã có nhà máy), cũng không chịu trao đổi với các ghe “lúa đổi gạo” rao mời hàng ngày khắp các kinh rạch. Theo họ, xay, đổi để ăn thì được, nhưng để cúng kiếng thì không. Bà con cho rằng, tự tay mình làm ra hạt gạo đem dâng cúng Tổ tiên mới nói lên được đầy đủ lòng thành hiếu thảo, và cũng nhằm tránh hàng xóm dị nghị, chê cười.
Ngoài lúa nếp, người nông dân còn trồng thêm hoa màu phụ nhiều loại, trong đó dưa hấu Tết là loại rẫy không thể thiếu được. Tết, nhà nào cũng mua đôi chục dưa ăn, và ít lắm cũng vài trái “dưa cặp” (lớn nhất) để chưng cúng trang trọng trên bàn thờ, vừa mang ý nghĩa “xanh vỏ đỏ lòng”, lại vừa là dịp để nhắc nhớ sự tích “quả dưa đỏ” của An Tiêm.
Đúng giao thừa, trước khi lạy vái Tổ tiên, người chủ gia trân trọng xẻ một trái dưa ưng ý nhất để cúng Ông Bà. Cả nhà chứng kiến và hồi hộp chờ xem màu dưa. Hễ chín đỏ, ngon ngọt thì ngầm nghiệm là năm mới sẽ gặp vận đỏ, may mắn tốt lành. Bằng trái lại thì mạnh ai nấy buồn thầm! Gặp trường hợp “buồn thầm”, các thành viên trong gia đình nghĩ ra một cách vớt vát niềm tin, bằng cách mỗi người tự xẻ thêm một trái nhỏ để nghiệm riêng cho vận số của mình. Đây là một trong những hình thức bói đặc thù của dân gian.
Cây ăn trái thì chuối là đặc sản, có lưu niên. Nhưng người miền Nam không bao giờ cúng chuối già hương, bởi ai cũng nói lập lờ là “hổng nên”, mà chỉ cúng chuối cao hoặc chuối lá xiêm. Lý do dễ hiểu là chuối già hương mau chín, cuống bở, mùi rục, ăn không kịp, còn các loại chuối khác thì chậm chín hơn, chưng cúng đến hạ nêu vẫn không sao. Về hoa, bông vạn thọ, gọi tắt là bông thọ được quý chuộng nhất, vì tròn đẹp rực rỡ, đỏ hoặc vàng, và nhất là do tên gọi trúng ngay một trong ba ước muốn (Phước, Lộc, Thọ), lại trổ đúng vào dịp Tết, nên hầu như nhà nào cũng có trồng, chí ít cũng 5, 10 cây trước sân. Dần về sau mới thấy có trồng thêm bông mai, bông huệ…
Còn bánh thì có hai loại chính là bánh phồng và bánh tét. Bánh phồng phải nướng lửa rơm mới thơm và “chuồi”, đã lớn lại dày, “đâm lút kim” - nghề truyền thống này cho đến nay vẫn còn giữ và phát triển mạnh trong cả xóm, gọi “xóm bánh phồng” ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang. Bạn hàng các tỉnh đến mua hàng ngày khá tấp nập. Còn bánh tét thì chẳng những các bà các chị gói khéo mà còn ngon, cho dù nhưn chuối, nhưn ngọt hay nhưn mỡ, ăn đều khoái khẩu.
Người “ít nói” đến mấy cũng không thể không khen. Như một loại “bánh thiêng”, nó chỉ được làm vào dịp Tết hoặc giỗ quải, nên bao giờ cũng vậy, phải “trước cúng sau ăn” chứ không ai dám tự tiện. Nếu cần để ăn thì người ta gói bánh ú, thành phần và “nội dung” y như bánh tét, chỉ khác về hình thức mà thôi - đây là một trong những sáng tạo mang tính nhân văn vô cùng độc đáo của người Nam Bộ!
Nhà nào cũng vậy, cho dù giàu “nứt đố đổ vách”, trong mấy ngày Tết, gì thì gì, họ không thể không làm những thức ấy để cúng, kỳ dư các loại khác, đắt tiền hay quý hiếm thế mấy cũng chỉ được xem là phụ (sau này, trải một thời gian khá dài thực đơn ngày Tết mới thấy có “mở rộng” hơn).
Trong ý niệm dân gian về việc đơm cúng các phẩm vật, cũng như bánh, về trái thì từ cách nghĩ “có chi cúng nấy”, chủ yếu là lòng thành, dần về sau khi mà vườn cây ăn trái đặc sản đã phong phú, hàng hóa giao lưu đều khắp thì người bình dân nghĩ rằng, chưng cúng trái cây trong ngày Tết cần có 5 thứ gọi ngũ quả, nhưng không với ý nghĩa tượng trưng cho ngũ phúc theo kiểu cũ (lê, lựu, đào, mai, phật thủ), mà họ cụ thể hơn về lòng mong ước đơn giản thiết thực của mình thông qua các loại trái như mảng cầu, nho, dưa, đu đủ, xoài (cầu tiền vừa đủ xài).
Rõ ràng là dị đoan, nhưng lại là một sự dị đoan “hợp lý”, khá ngộ nghĩnh nên không dễ dàng đả phá - thật ra cũng chẳng cần thiết lắm -, vì đó là việc mà gần như toàn xã hội đều đồng cùng tin hiểu như một quy ước. Đã có không ít người chủ trương đơn phương phá bỏ, nhưng hệ quả là họ đã bị chính những người trong gia đình phản ứng quyết liệt, cho là “ngang”, thành ra coi như không ai ủng hộ!
Trở lên là một số cổ tục rất đáng được nghiên cứu, tinh chọn để bảo lưu. Nó hàm chứa một ý thức cần thiết cho vốn sống vừa đạo lý, vừa hào hùng dân tộc. Đồng thời ăn Tết cũng là một dịp để nhắc nhớ, gần gũi, cảm thông công khó của tiền nhân, được biểu thị cao nhất trong những ngày đầu năm đầu tháng, vì theo cách hiểu của dân gian, “đầu năm sao thì mãn năm vậy”.
Cả trăm năm trước và cho đến hôm nay, phong tục ăn Tết ở miền Nam hầu như không có gì thay đổi lớn. Tất nhiên về hình thức có biến đổi, hiện đại hơn, vì không thể không ảnh hưởng trào lưu mới, nhất là “xu thế hội nhập”.
Xuân là xuân chung, chan hòa khắp cùng vạn vật, vì vậy cũng như các nơi khác, ở Nam Bộ không chỉ “người người ăn Tết, nhà nhà ăn Tết”, mà dịp này, bà con ta còn biểu thị cao nhất tấm lòng nhân ái của mình đối với người còn gặp cảnh nghèo túng bằng cách viếng thăm, tặng quà bánh, gạo tiền để ai nấy đều phấn chấn chào xuân, đón Tết trong tinh thần lạc quan vui vẻ.
Không chỉ thế, họ còn tạo điều kiện để “vật vật cùng ăn Tết” nữa! Điều đó được thể hiện qua những tấm “giấy hồng đơn cắt vuông dán xéo” trên những thân cây to, hoặc trên cổng, cửa, vách, cùng một số vật dụng như bàn, tủ, ghế thân thương trong nhà, và cả đến các chuồng nuôi gia súc. Họ cũng không quên làm đẹp trâu bò với những chuông nhỏ, hoặc lục lạc rủng rỉnh trên cổ, và cắt cỏ non cho chúng ăn - một cách tỏ rõ nghĩa cử ân tình, thân thiết như bè bạn!
Người Nam Bộ vẫn giữ được khá đầy đủ bản sắc văn hóa độc đáo ngày Tết đoàn tụ, nên tự nghìn xưa Tết Nguyên đán là ngày hội lớn của dân tộc. Ở đó, lễ là phần nghi thức có tính thiêng liêng; hội là chuyện vui chơi suy nghĩ theo ý niệm trần tục. Nó được định hình và phát triển ngày một sinh động, khởi sắc hơn là nhờ cả hai yếu tố bổ sung cho nhau. Họ trân trọng gìn giữ như gìn giữ một di sản tinh thần vô giá và đầy tính nhân văn của cha ông, không để đánh mất một yếu tố nào, bởi mất một trong hai yếu tố ấy là xem như đã phá vỡ cấu trúc thiêng liêng ngày Tết.
Chểnh mảng với Tết là chểnh mảng với sự sinh tồn dân tộc, lạnh nhạt với nguồn cội quê hương, và hờ hững với công lao mở cõi vô vàn khó khổ của tiền nhân. Chính vì cái tinh thần “Xuân đoàn tụ, Tết Việt Nam” mà cả đồng bào ta đang định cư ở nước ngoài - những người không có điều kiện về quê ăn Tết - đều không thể không nôn nao nhớ tưởng da diết quê nhà mỗi khi năm hết Tết đến!
Thật rất đáng hãnh diện và tự hào dân ta không ai có nếp nghĩ vô tình ấy với Tết!
Hữu Hiệp (Hữu Hiệp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.