Ông Vũ Quang Tuấn- Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết: "Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp do Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương và Hội ND Thái Bình triển khai. 297 hộ ND xã Quốc Tuấn (huyện Kiến Xương) và Tây Tiến (huyện Tiền Hải) tham gia”.
|
Cơ sở thu mua lúa của ông Vũ Ngọc Quế (phải). |
Các nhà đều có lợi
Ông Vũ Ngọc Quế - hộ kinh doanh (HKD) ở xã Quốc Tuấn tham gia mô hình cho hay: "HKD tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho ND trên cơ sở ký kết hợp đồng. HKD có trách nhiệm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại chỗ cho ND theo giá phù hợp. Trường hợp ND không đủ tiền trả cho HKD thì sẽ được chịu, trên 1 tháng sẽ tính theo lãi suất ngân hàng".
Theo hình thức liên kết này, doanh nghiệp không phải ứng trước vật tư, tiền vốn từ đầu vụ; các HKD tự quyết định phương án và kế hoạch kinh doanh; doanh nghiệp chủ động trong việc thu mua nông sản nên chưa xảy ra trường hợp ND vi phạm hợp đồng vì quyền lợi của họ đã được đảm bảo.
Theo ông Quế, tham gia mô hình liên kết này, ND yên tâm sản xuất. Khi sản phẩm chưa thu hoạch, ND cần tiền thì HKD có thể ứng trước; ND phải sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng; giá điều chỉnh theo thị trường nên bà con rất tin tưởng.
Anh Trần Huy Du - một hộ ND ký hợp đồng tiêu thụ nông sản và mua vật tư nông nghiệp với ông Quế cho biết: "Gia đình tôi canh tác hơn 1 mẫu ruộng. Trước đây, tôi thường bị động trong sản xuất do thiếu tiền mua vật tư nông nghiệp; nay vấn đề này đã được giải quyết. Ký hợp đồng với ông Quế, tôi không chỉ được tập huấn kiến thức sản xuất, mà còn không phải lo đầu ra; bán sản phẩm không bị ép giá; mua vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng; được ứng vốn".
Cần thêm vốn
Hiệu quả từ mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư đã bước đầu được khẳng định. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay của doanh nghiệp, HKD, HTX và ND vẫn là vốn.
Ông Nguyễn Thế Hưng- Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc tham gia mô hình doanh nghiệp - HTX - ND bày tỏ: "Năm 2011, công suất chế biến của công ty gần 200 tấn gạo, nhưng chúng tôi chỉ thu mua được gần 100 tấn gạo. Vốn thiếu, trong khi giá thị trường biến động nhưng công ty vẫn phải đảm bảo hợp đồng đã ký kết với HTX và ND.
“Ký hợp đồng với ông Quế tôi không chỉ được tập huấn kiến thức sản xuất mà còn không phải lo đầu ra; bán sản phẩm không bị ép giá; được mua vật tư nông nghiệp chất lượng; được ứng vốn sản xuất".
Anh Trần Huy Du
Ông Hưng đề nghị Nhà nước và các ngành chức năng cần hỗ trợ DN không chỉ vốn mà cả tìm những giống lúa mới năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường". Theo ông Hưng, thiếu vốn là lý do khiến không ít HKD băn khoăn trong việc ký hợp đồng tiêu thụ nông sản từ đầu vụ nên không khuyến khích ND đầu tư mở rộng sản xuất.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Minh - Chủ nhiệm HTX Tây Tiến (Tiền Hải) đồng tình: "Vụ lúa vừa qua, năng suất lúa của HTX đạt 70-80 tạ/ha. Ngay từ đầu vụ, HTX đã ký kết hợp đồng cung ứng vật tư, tiêu thụ lúa với ND. Mua vật tư phải có tiền, trong khi HTX rất thiếu”.
Ông Nguyễn Hoàng Thái-Trưởng ban Kinh tế- xã hội Hội ND tỉnh Thái Bình cho hay: Thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Hỗ trợ ND đã hỗ trợ vốn cho ND xã Quốc Tuấn và Tây Tiến. Còn ông Vũ Quang Tuấn đề nghị: "Nhà nước cần hỗ trợ lãi suất, vốn, giảm thuế cho các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản cho ND với số lượng lớn".
Lan Dương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.