do covid-19, hàng trăm tấn cá lồng không thể xuất bán
Thái Bình: Do Covid-19, thương lái hủy đơn, hàng trăm tấn cá lồng không thể xuất bán
Bình Minh - Tô Thương
Thứ sáu, ngày 19/02/2021 09:32 AM (GMT+7)
Thị trường tiêu thụ cá lồng ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) đều đến từ các từ tỉnh Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều thương lái đã dừng, thậm chí hủy đơn hàng đã đặt trước. Người nuôi cá lồng Hưng Hà không khỏi lo lắng, buồn rầu khi hàng trăm tấn cá lồng không thể xuất bán.
Trong những năm qua, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, mô hình nuôi cá lồng bè trên sông đang phát triển mạnh ở tỉnh Thái Bình. Đây được coi là nghề mang lại tiền tỷ cho nhiều người dân ở địa phương này.
So với nuôi cá trong ao, hồ, thì việc nuôi cá lồng mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần, đồng thời có thể thấy được cá được nuôi trong lồng bè có chất lượng rõ rệt như thịt săn chắc, ngọt thịt, sạch sẽ hơn.
Vào những ngày đầu năm mới Tân Sửu, PV Báo điện tử DANVIET.VN có dịp ghé thăm gia đình ông Lê Minh Hòa, thôn Việt Thắng, xã Hồng An (Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Ông Hòa được biết đến là hộ đầu tiên của xã nuôi cá lồng từ năm 2018, hiện đã có 20 lồng với đủ các loại cá đặc sản, giá trị cao như: cá chim, lăng, diêu hồng, chép.
Trò chuyện cùng PV, ông Hòa cho biết, những năm trước đây, thị trường không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bình quân mỗi vụ thu hoạch ông bán cho lái buôn khoảng 40 tấn cá các loại, thu về 2,7 tỷ đồng.
"Cứ 1 lồng gần 1 vạn con, sản lượng 12 tấn/lồng, có thể thu hoạch được 3 - 4 vụ/năm, tùy vào số lượng đặt trước của lái buôn. Riêng cá diêu hồng phải 10 -12 tháng mới cho ra được thương phẩm, hay cá lăng thì từ 1,5 - 2 năm mới thu bán", ông Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường tiêu thụ bị sụt giảm rõ rệt về số lượng cũng như giá cả.
Ông Hòa giọng trầm lại, nói: "Cá đến kỳ xuất bán mà không có thương lái, nhà hàng thu mua. Như tháng 9/2020, cá lăng bán với giá cân tại lồng 61.000đ/kg, nhưng đợt vừa rồi đã giảm xuống còn 50.000đ/kg. Tính ra cả một lồng 12 tấn đã mất đi hơn 100 triệu đồng".
Hơn 20 tấn cá diêu hồng nhà ông Hòa, thương lái đặt mua từ 20 Tết âm lịch, thế nhưng thị trường tiêu thụ bị đình trệ bởi dịch Covid-19, các xe thương lái bị cấm, hoãn lịch mua, thậm chí còn hủy đơn đã đặt trước. Mặc dù, giá diêu hồng mọi năm bán với giá 53.000đ/kg, hiện đã giảm xuống còn 37.000đ/kg, nhưng vẫn vắng bóng khách đến mua.
Ông Hòa buồn rầu nói: "Ế lắm! Cần bán nhưng chưa ai mua. Năm nay cá cũng bị dịch bệnh nhiều hơn mọi năm do môi trường nước bị ô nhiễm, tuy không làm cá chết hàng loạt nhưng lại chết rải rác, gây thiệt hại khá nặng nề. Hơn nữa, dù giá cá thương phẩm giảm sâu nhưng người nuôi vẫn khó bán vì sức tiêu thụ vẫn chậm, rẻ hơn mọi năm".
Từ khi bắt đầu thả lồng nuôi cá từ năm 2018, thế nhưng chỉ có duy nhất năm đầu tiên ông Hòa thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Còn 2 năm trở lại đây đều thua lỗ gần 2 tỷ đồng, sang tới năm nay thì lại gặp dịch bệnh Covid-19, thị trường tiêu thụ chậm, thương lái không ai đoái hoài.
Cùng chung tâm trạng thấp thỏm, lo âu, ông Trần Xuân Chiều, thôn Duyên Đông, xã Điệp Nông (Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) hiện cũng đang có 14 lồng cá. Những ngày này, ông không khỏi lo lắng vì đơn hàng thương lái đặt trước Tết đã bị hủy.
"Mình không phải là người trực tiếp đi tiêu thụ, phụ thuộc hoàn toàn vào lái buôn, mà chủ yếu cung cấp cho tỉnh Hải Dương và Hà Nội. Nhưng hiện tại, Hải Dương đang là vùng dịch bị phong tỏa, cách ly, các thương lái bên đó đã gọi đến xin hủy giao dịch", ông Chiều chia sẻ.
Theo ông Chiều, năm 2019 thị trường tiêu thụ cá rất sôi động, dễ bán, thậm chí thương lái đặt hàng trước cả tháng.
Nhưng từ cuối năm 2020 do dịch Covid-19 bùng phát làm giá giảm đi, nên ông đã để lại sang năm bán cho được giá, đỡ lỗ vốn nhiều. Thế nhưng tình hình dịch diễn biến càng căng thẳng, cá chẳng có người thu mua.
Khổ đủ bề khi cá phải nuôi quá lứa
Chính vì lý do cá không thể xuất bán được, buộc phải nuôi quá lứa. Hằng ngày người dân vẫn phải chăm sóc cá thường xuyên, đúng quy trình, đặc biệt là nguồn thức ăn vẫn phải đảm bảo đầy đủ chất lượng.
Tuy nhiên, cá càng lớn thì số lượng thức ăn càng tăng lên. Thông thường, một con cá trắm khi xuất bán được từ 2 - 3 kg/con, nhưng hiện nay đã 5 - 7kg/con mà vắng lái buôn mua.
"Nuôi cá lồng trên sông không chỉ có vốn đầu tư ban đầu lớn, đặc biệt là phải đối mặt với những rủi ro trong mùa mưa bão, phụ thuộc vào yếu tố môi trường nước, thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, tiêu chuẩn đầu ra cũng khắt khe như con cá không bị dịch bệnh, dài, mượt, đúng lứa tuổi. Không có đầu ra, thế nhưng vẫn phải cấp đầu vào liên tục, dẫn đến cạn kiệt, thậm chí là tắc nguồn vốn", ông Chiều nói.
Còn theo ông Hòa cho biết, 1 lồng cá mỗi ngày tiêu tốn khoảng gần 100kg cám, với 14 lồng cá chi phí thức ăn cũng đã hơn 10 triệu đồng/ngày.
Ông Hòa chia sẻ, đối với nghề nuôi cá lồng, nguồn vốn được xoay vòng từ lứa này sang lứa khác, với tình hình số lượng cá quá lứa bị ứ đọng nhiều, khó tiêu thụ dẫn đến chi phí thức ăn bị đội lên nhiều lần thì vốn đầu tư cho lứa tiếp theo bị thâm hụt, lỡ thời gian nhân giống mới.
Không dứt khỏi buồn rầu, lo lắng về nguồn vốn để đầu tư thương vụ tiếp theo, ông Hòa cho hay, trước đây, các hộ nuôi cá lồng ở đây được hỗ trợ vốn đầu tư thức ăn một phần từ doanh nghiệp. Thế nhưng, từ khi có dịch tả lợn châu Phi, nguồn cám tự phải chủ động 100%. Giá cá rẻ, nhưng giá cám lại tăng.
Tính đến tháng 12/2020 toàn tỉnh Thái Bình hiện có 54 hộ nuôi với 698 lồng thể tích đạt 80.582 m3 tăng 114 lồng so với cùng kỳ năm trước. Nuôi cá lồng tập trung nuôi nhiều ở các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà và Vũ Thư, riêng Hưng Hà có 159 lồng cá, tăng 18 lồng so với năm trước. Trong đó, xã Điệp Nông có 59 lồng, xã Độc Lập 56 lồng, Hồng An 20 lồng, thị trấn Hưng Nhân 13 lồng và xã Tân Lễ 11 lồng. Sản lượng nuôi cá lồng cũng tăng đáng kể, năm 2020 sản lượng ước đạt gần 2.500 tấn, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.