Thái Bình: Nuôi tôm công nghệ cao, thả tôm dày đặc mà vẫn nhanh lớn, kéo tôm lên bán có trăm triệu

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 08/04/2021 18:44 PM (GMT+7)
Phát huy lợi thế tự nhiên với 7 xã ven biển, những năm gần đây huyện Tiền Hải (Thải Bình) đã hình thành những vùng nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Không chỉ là hướng đi bền vững, cách làm mới này còn giúp nhiều nông dân chủ động được thời vụ, giàu lên nhờ con tôm.
Bình luận 0

Khá giả nhờ nuôi tôm công nghệ cao

Theo ông Đỗ Thành Trung - Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tiền Hải, trong những năm qua, tận dụng lợi thế tự nhiên, huyện xác định đưa con tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng là một trong những con nuôi chủ lực, tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. 

Theo đó, các hình thức nuôi tôm bán thâm canh, nuôi tôm thâm canh; nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao được quan tâm phát triển, thay thế phương pháp nuôi quảng canh năng suất thấp lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tôm công nghệ cao “kéo” tiền về Tiền Hải  - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Thùy (xã Đông Minh) có lợi nhuận trên 200 triệu đồng/vụ nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: M.N

Ông Đỗ Thành Trung - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiền Hải cho biết, huyện đã tiến hành quy hoạch vùng ươm ngao giống với diện tích 300ha; 2 cơ sở sản xuất giống thủy sản mỗi năm đáp ứng được 20% nhu cầu. Quy hoạch 93ha nuôi tôm thâm canh theo hướng công nghệ cao, mỗi năm nuôi từ 2 - 3 vụ mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 - 5 lần nuôi truyền thống.

Để hình thành những vùng nuôi tôm công nghệ cao như hiện nay, huyện Tiền Hải đã tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất. Đến nay, Tiền Hải đã có gần 100ha nuôi tôm công nghệ cao tại 7 xã ven biển.

Ông Hoàng Văn Thùy ở xã Đông Minh là một trong những người đi tiên phong phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, lợi nhuận mỗi vụ trên 200 triệu đồng.

Trước kia, diện tích hơn 3.000m2 của gia đình ông Thùy từng được sử dụng để làm muối, với thu nhập chỉ từ 30.000 đồng/tạ. Từ năm 2003, ông mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tôm. Đến nay, mỗi vụ ông thu 2,5 - 3 tấn tôm thẻ chân trắng, lợi nhuận cao gấp hàng chục lần làm muối.

"Đi hội thảo đầu bờ, học các khóa tập huấn khuyến nông khuyến ngư của tỉnh và huyện, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Giống tôm tôi nuôi là tôm thẻ chân trắng, có ưu điểm hay ăn, lớn nhanh, ít khi bị dịch bệnh nên thu lãi đều đặn" - ông Thùy chia sẻ.

Theo ông Thùy, trong quá trình nuôi tôm, 2 yếu tố quan trọng nhất là con giống và môi trường nước. Cùng với việc mua con giống đảm bảo chất lượng, ông thực hiện nghiêm quy trình xử lý hồ nuôi: "Gia đình tôi đầu tư ao trải bạt và nhận thấy kỹ thuật này đem lại hiệu quả cao, nuôi tôm vụ nào cũng thành công. Chúng tôi cũng đang muốn chuyển đổi tiếp diện tích cấy lúa kém hiệu quả để làm ao bạt, tiếp tục nuôi tôm công nghệ cao".

Ông Phạm Duy Nghị - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Minh cho biết, những năm qua, gia đình ông Thùy đã đầu tư cải tạo ao nuôi, mua sắm máy móc thiết bị để nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả cao hơn những đối tượng khác từ 5 - 7 lần. Đây là mô hình chuyển đổi rất tốt nên hội cũng đang khuyến khích hội viên nông dân quan tâm, học hỏi.

Hướng đi bền vững trong nuôi tôm

Gia đình bà Đào Thị Vượn (xã Nam Cường) cũng là một trong những hộ điển hình gặt hái thành công từ việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình mới trong nhà bạt.

Sinh ra và lớn lên ở xã ven biển, bà Vượn nhận thấy đa phần là các hộ dân nuôi thủy sản ở địa phương mới chỉ dừng lại nuôi tôm trên diện tích ao đất, lợi nhuận thu về không cao bởi việc nuôi trồng phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Để tìm hướng đi riêng, bà đã đến nhiều mô hình ở xã lân cận để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nuôi tôm.

Sau đó, bà Vượn và gia đình đã quyết định áp dụng công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt công nghệ cao trên diện tích 2,2 mẫu. Để nuôi tôm theo mô hình mới, gia đình bà Vượn đã cải tạo thành 2 ao nuôi tôm, mua trang thiết bị, nguyên vật liệu về tự xây dựng lắp đặt nhà bạt.

Xác định gắn bó với con tôm lâu dài phải có kiến thức, bà Vượn đã dành thời gian đi tham quan các mô hình nuôi tôm nhà bạt thành công, tìm đọc thêm các tài liệu trên sách báo, nghe đài, xem các chương trình truyền hình phổ biến kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng.

Bà Vượn nhận thấy, phương pháp cho tôm ăn trực tiếp, theo kiểu thủ công khá vất vả mà lượng thức ăn dư thừa nhiều, do đó bà đã tìm tòi, nghiên cứu chế thành công máy cho tôm ăn theo giờ. Việc cho tôm ăn bằng máy vừa giảm bớt nhân công, thức ăn lại đều khắp ao, không bị dư thừa, tôm ăn liên tục, lớn nhanh, kích cỡ đều và đẹp, không bị nhiễm bệnh.

Vụ nuôi tôm đầu tiên thắng lợi ngoài sự mong đợi càng củng cố thêm quyết tâm của bà Vượn. Bà cho biết: Với mô hình nuôi tôm trong nhà bạt, 1 năm nuôi được 3 vụ, trung bình 1 lứa tôm thương phẩm chỉ khoảng 70 ngày, riêng vụ đông dài ngày hơn, khoảng 80 ngày.

"Nuôi tôm như đánh bạc với trời, không chỉ phụ thuộc vào thời tiết mà còn phụ thuộc vào con giống, kỹ thuật chăm sóc, thời vụ nên tôm nuôi thường phải sử dụng kháng sinh, không quản lý được thức ăn, rủi ro sẽ rất cao" - bà Vượn chia sẻ.

Theo bà Vượn, mặc dù nuôi tôm nhà bạt công nghệ cao mật độ thả nuôi dày, 200 con giống/m2 so với 80 con giống/m2 khi nuôi ao đất, nhưng do quản lý được thức ăn, môi trường ao nuôi... nên tôm phát triển đồng đều, tỷ lệ thành công lên đến 90%, năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống, đạt trên 30 tấn/ha. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem