Thái Nguyên: Thương lái Trung Quốc dừng mua lạc, dân bực quá đem ép ra thứ dầu vàng óng lại bán vèo vèo

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ tư, ngày 28/07/2021 14:25 PM (GMT+7)
Thương lái Trung Quốc ngừng thu mua lạc, bà Nguyễn Thị Viện (xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) bèn đầu tư máy móc để ép dầu lạc. Với thứ dầu lạc vàng óng, trong vắt này, mỗi năm bà Viện bán ra thị trường cả nghìn lít, với giá dầu lạc từ 90.000 – 100.000 đồng/lít.
Bình luận 0

Kinh doanh lạc chuyển sang ép dầu lạc

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Viện (xóm Phố Chợ, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, bà bắt đầu kinh doanh lạc từ năm 2003 nhưng với quy mô nhỏ. Đến năm 2008, bà mở rộng quy mô kinh doanh, thu mua lạc từ các nơi rồi bán sang Trung Quốc.

Thái Nguyên: Ép ra thứ nhà nhà đều dùng, khách hàng khắp nơi đặt mua tơi tới - Ảnh 1.

Lạc sau khi thu mua về được bảo quản trong kho sạch sẽ, cẩn thận (Ảnh: Hà Thanh)

Nhưng đến năm 2016, thương lái Trung Quốc không thu mua lạc nữa nên hàng hóa bị ngưng trệ. Do đó, bà sang Trung Quốc để tìm hiểu và tham khảo thị trường. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, bà quyết định nhập máy ép dầu lạc về để ép dầu.

Ban đầu, bà Viện chỉ đầu tư mua một máy ép dầu lạc thủ công với công suất thấp, trung bình mỗi tiếng chỉ ép được khoảng 50 lít dầu. Sau 2 năm, bà đầu tư thêm một máy ép dầu lạc hiện đại với công suất mỗi ngày lên tới hàng nghìn lít.

Thái Nguyên: Ép ra thứ nhà nhà đều dùng, khách hàng khắp nơi đặt mua tơi tới - Ảnh 2.

Hệ thống máy ép dầu lạc hiện đại. (Ảnh: Hà Thanh)

Thái Nguyên: Ép ra thứ nhà nhà đều dùng, khách hàng khắp nơi đặt mua tơi tới - Ảnh 3.

Máy lọc dầu lạc tại xưởng của bà Viện. (Ảnh: Hà Thanh)

Hiện bà Viện đang thu mua cả lạc khô và lạc tươi của bà con các xã trên địa bàn huyện Phú Bình. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng lạc thu mua giảm gần một nửa.

Tính từ đầu tháng 5 âm lịch đến nay, bà thu mua được hơn 300 tấn lạc khô và tươi. Lạc được phân loại ngay sau khi thu mua, lạc trắng được sử dụng để ép dầu, còn lạc đỏ để bán buôn cho những khách hàng có nhu cầu.

Mỗi năm bán nghìn lít dầu lạc

Theo bà Viện, trung bình 2kg lạc nhân sẽ ép ra được 1 lít dầu lạc. Để ép ra dầu lạc ngon thì đòi hỏi nguyên liệu phải sạch, khô.

Lạc càng khô thì dầu lạc ép ra sẽ càng thơm ngon. Còn nếu lạc không khô hẳn, khi ép thành phẩm sẽ có mùi ngái. Ngoài ra, phải vệ sinh sạch sẽ hệ thống máy móc, vật dụng dùng để đựng dầu lạc.

Một số cơ sở ép dầu lạc trên thị trường thường rang lạc trước khi ép để dầu lạc có mùi thơm. Còn tại cơ sở của bà Viện, bà lại dùng lạc sống để ép dầu, như vậy dầu lạc ép ra không bị mất chất, bảo quản được lâu hơn.

Thái Nguyên: Ép ra thứ nhà nhà đều dùng, khách hàng khắp nơi đặt mua tơi tới - Ảnh 4.

Toàn bộ phế phẩm sau quá trình ép dầu như vỏ lạc, bã lạc đều được tận dụng. (Ảnh: Hà Thanh)

Phế phẩm sau quá trình ép dầu như bã lạc được bà bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá 6 triệu đồng/tấn. Còn vỏ lạc, bà tận dụng bán cho bà con nông dân làm phân bón hữu cơ với giá 15.000 đồng/bao.

Đến nay, dầu lạc của gia đình bà Viện đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh trên cả nước, được khách hàng tin tưởng, ưa chuộng.

Thái Nguyên: Ép ra thứ nhà nhà đều dùng, khách hàng khắp nơi đặt mua tơi tới - Ảnh 5.

Lạc sau khi bóc được phân loại và lựa chọn kỹ càng trước khi ép dầu và bán buôn cho khách (Ảnh: Hà Thanh)

Trung bình mỗi năm, cơ sở của gia đình bà Viện bán ra thị trường hàng nghìn lít dầu lạc, có năm bán tới 5.000 lít. Với giá dầu lạc từ 90.000 – 100.000 đồng/lít, xưởng ép dầu lạc của bà cho thu nhập từ 100 – 300 triệu đồng/năm.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, lượng tiêu thụ dầu lạc cũng giảm. Từ đầu năm đến nay, cơ sở của bà mới bán ra được hơn 1.000 lít dầu lạc.

Thái Nguyên: Ép ra thứ nhà nhà đều dùng, khách hàng khắp nơi đặt mua tơi tới - Ảnh 6.

Sản phẩm dầu lạc sau khi ép ra có màu vàng óng, trong vắt (Ảnh: Hà Thanh)

Đến nay, cơ sở ép dầu lạc của bà Viện đang tạo công việc cho 8 lao động thường xuyên tại địa phương với thu nhập trung bình từ 4 – 8 triệu đồng/người/tháng.

Mong muốn của bà Viện hiện nay là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dầu lạc để ngày cảng nhiều khách hàng biết đến.

Thái Nguyên: Ép ra thứ nhà nhà đều dùng, khách hàng khắp nơi đặt mua tơi tới - Ảnh 7.

Xưởng ép dầu lạc giúp giải quyết việc làm cho một số lao động tại địa phương. (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Nguyễn Anh Võ – Chủ tịch UBND xã Tân Khánh cho biết, hiện toàn xã có khoảng 120 – 150ha diện tích đất trồng lạc.

Mô hình sản xuất dầu lạc của bà Viện là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Mô hình này đã tạo điều kiện tiêu thụ nông sản giúp bà con nông dân trên địa bàn với số lượng lớn và giá cả ổn định.

Từ đó, khích lệ bà con chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc, nâng cao thu nhập. Đồng thời, giải quyết việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Do đó, địa phương luôn ủng hộ cơ sở sản xuất thông qua việc tạo điều kiện cho sản phẩm dầu lạc được tham gia tại các hội chợ, triển lãm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem