Thai phụ dễ nhiễm khuẩn Listeria

Thứ năm, ngày 06/10/2011 06:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ góc độ chuyên gia y tế, BS Đỗ Ngọc Ánh đã đưa ra những lời khuyên cho thai phụ để phòng tránh nhiễm khuẩn Listeria ở một số thực phẩm, có thể gây nguy hiểm tính mạng con người - đặc biệt là thai phụ.
Bình luận 0

Vi khuẩn có mặt ở mọi nơi

Vi khuẩn Listeria monocytogenes là vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm nguy hiểm. Tuy tỷ lệ mắc bệnh không cao (khoảng 0,7 ca/100.000 người) nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao, có thể tới 20 - 30%, đặc biệt ở phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người già và những người suy giảm miễn dịch.

img
Phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ dễ nhiễm khuẩn. Ảnh chụp tại BV Nhi TƯ.

Bệnh do vi khuẩn Listeria monocytogenes gây ra được gọi tên là Listeriosis, một bệnh truyền nhiễm lây theo đường ăn uống.

Vi khuẩn này có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi, nhất là những nơi đất ô nhiễm, rác thải, nước thải, thực phẩm nhiễm bẩn, sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa, thịt cá tươi sống và các sản phẩm của thịt cá, rau xanh… Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Thụy Sĩ, nhất là ở Pháp, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn này trong thực phẩm rất cao.

Phụ nữ mang thai gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh được cho là do sự thay đổi về miễn dịch tại chỗ và toàn thân trong thời kỳ mang thai. Vi khuẩn Listeria monocytogenes thường gây ra nhiễm trùng não và tủy sống dẫn đến rối loạn chức năng thần kinh hoặc nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong. Phụ nữ có thai nhiễm bệnh có thể bị sẩy thai hoặc thai chết lưu. Ngoài ra bệnh có thể truyền sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc trong quá trình sinh nở.

Một phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh nhưng có thể thai nhi sẽ không bị nhiễm. Tuy nhiên, nếu thai nhi nhiễm bệnh, những tai biến nói trên có thể xuất hiện 2-14 ngày sau khi người mẹ bị bệnh. Chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh liều cao ở bà mẹ mang thai nhiễm bệnh có thể phòng bệnh và hạn chế các tai biến mà bệnh đem lại để trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.

Cần ăn chín uống sôi

Để giảm thiểu bệnh gây ra bởi Listeria monocytogenes và các bệnh lây truyền qua thực phẩm khác, thai phụ cần lưu ý: Nấu kỹ thực phẩm sống có nguồn gốc từ động vật; rửa sạch rau sống kỹ trước khi ăn; để thịt tươi sống riêng biệt với rau và các thực phẩm ăn sẵn khác; không dùng sữa chưa thanh trùng hoặc các sản phẩm từ loại sữa này; rửa tay sạch trước và sau khi nấu nướng; thực phẩm ăn thừa cần được bảo quản tốt và ăn càng sớm càng tốt. Cần đun lại thức ăn thừa ngay cả khi bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh.

Với những người khoẻ mạnh, khả năng nhiễm khuẩn Listeria thấp. Khi bị nhiễm khuẩn Listeria, bệnh có thể xuất hiện sau 4 tuần. Tuy nhiên, với những người có hệ miễn dịch yếu, bệnh có thể xuất hiện chỉ sau 1-2 tuần.

Việc chẩn đoán người mắc bệnh do Listeria chủ yếu thông qua xét nghiệm máu, tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng của bệnh có thể là tiêu chảy, sốt, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, cứng cổ, đau lưng, ớn lạnh và nhạy cảm với ánh sáng, hoặc viêm họng với sốt và sưng hạch có thể được xác định.

Những triệu chứng này có thể bắt đầu 2-8 tuần sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Tuy nhiên, những triệu chứng lâm sàng chỉ có tính chất gợi ý. Phụ nữ mang thai khi có các dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị đúng cách.

(Bộ môn Ký sinh trùng - Học viện Quân y) 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem