Tham nhũng lớn nhất là từ chủ trương đầu tư

Thứ ba, ngày 24/09/2013 06:44 AM (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng, luật phải tăng cường, siết chặt kỷ luật về đầu tư công, khắc phục triệt để những tồn tại yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công, nhất là khâu quyết định chủ trương đầu tư.
Bình luận 0
Sáng 23.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư công.

Nhiều ý kiến cho rằng, luật phải tăng cường, siết chặt kỷ luật về đầu tư công, khắc phục triệt để những tồn tại yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay, nhất là khâu quyết định chủ trương đầu tư.

Lãng phí do chủ trương đầu tư sai


Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh trình bày tờ trình về dự án luật đã khẳng định, thời gian qua, do thiếu hệ thống pháp luật đồng bộ, đặc biệt là việc phân cấp quá rộng lại thiếu các chế tài và biện pháp quản lý giám sát, nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế trong đầu tư công. Đó là: Phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn lan không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải dẫn đến thời gian thi công kéo dài, hiệu quả đầu tư kém và lãng phí nguồn lực của Nhà nước...

Đường ven biển nối Quy Nhơn (Bình Định) và Tuy Hòa (Phú Yên).
Đường ven biển nối Quy Nhơn (Bình Định) và Tuy Hòa (Phú Yên).

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định thêm, tham nhũng lớn nhất là từ chủ trương đầu tư. Ông Vinh chia sẻ, Thủ tướng từng bức xúc tại sao đường miền núi làm rộng đến 60-70m, ai quyết định. Những công trình hàng nghìn tỷ quyết một phát xong ngay, đến lúc thấy kém hiệu quả vẫn phải lao theo... Những việc này gây ra lãng phí vô cùng. “Chủ trương đầu tư là khâu hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa được chú trọng, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể quy trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công” - ông Vinh khẳng định. Và ông dẫn chứng: Trong giai đoạn vừa qua, nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công khi cân đối vốn không cân đối đủ do chủ trương đầu tư phê duyệt ồ ạt; nhiều chương trình, dự án được bố trí đủ vốn khi đưa vào sử dụng không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả rất thấp.

Ví dụ như đầu tư xây dựng đường ven biển miền Trung thì hiệu quả rất thấp do ít người sử dụng; hoặc đầu tư xây dựng một số chợ dân sinh, một số trung tâm thương mại tại cửa khẩu… xong không có người vào mua bán nên đã bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của Nhà nước.

Xác định rõ hơn trách nhiệm cá nhân

Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đơn vị thẩm tra dự án luật cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với quan điểm của tờ trình. Tuy nhiên, theo ông Giàu, một số ý kiến cho rằng, việc ban hành Luật Đầu tư công cần phải khắc phục triệt để những tồn tại yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay, nhất là khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện nghiêm khắc kỷ cương trong việc phân bổ vốn đầu tư phù hợp chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Băn khoăn việcthưởng vượt tiến độ


Chiều 23.9, thảo luận về Dự án Luật Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu than phiền:

Đường cao tốc vành đai 3 ở Hà ?Nội làm xong xin thưởng 197 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 10 tháng đã có vấn đề về chất lượng.

Trong dự thảo luật có quy định hoàn thành vượt tiến độ được thưởng 5% tổng khối lượng hoàn thành. Nhưng nếu dự án trị giá 10.000 tỷ đồng thì 5% sẽ rất lớn.

Cũng theo ông Giàu, qua nghiên cứu chưa thấy nước nào có thưởng thi công hoàn thành trước tiến độ như ở ta.

Cũng theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, dự án luật cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, vốn tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí.

Góp ý về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Riêng về vấn đề đấu thầu các dự án đầu tư công, tôi muốn một giá thôi, trúng thầu bao nhiêu trả bấy nhiêu, chứ như hiện nay, trúng thầu 100 tỷ đồng, thanh toán vài trăm tỷ là bình thường.

Vậy theo luật này, việc điều chỉnh các giá đấu thầu có bảo đảm không? Còn nếu cứ tiếp tục thế này thì luật sửa cũng vẫn chưa đạt yêu cầu. Chính phủ không làm thì không sao chống tham nhũng trong đầu tư công được”.

Về việc này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến, nếu làm được như vậy sẽ rút bớt được rất nhiều thời gian chờ chỉnh sửa dự toán.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng giải đáp: “Luật đang theo hướng tổ chức đấu thầu trọn gói, trong đó đã có cả dự phòng rủi ro là chính. Chỉ khi trượt giá quá lớn, CPI tăng, chính sách thay đổi thì mới đưa vào dự toán và chuyển đấu thầu sang hình thức khác”.

Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem