Thảm sát rừng thông Đà Lạt

Thứ tư, ngày 29/09/2010 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 28-9, Công an TP.Đà Lạt, Lâm Đồng cùng cơ quan chức năng đã đưa bốn đối tượng triệt hạ hơn 1.100 cây thông thuộc rừng phòng hộ Tà Nung trở lại hiện trường để điều tra thực nghiệm.
Bình luận 0

Trước đó, ngày 24-9, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt trong lúc tuần tra rừng đã bắt tại chỗ 4 đối tượng đốn hạ thông để lấy đất làm vườn – rừng thông Đà Lạt thêm một lần bị thảm sát kinh hoàng!

img
Hiện trường vụ tàn phá rừng thông ngay trong nội đô Đà Lạt.

Rừng thông ngã xuống vì... cà phê

Ông Vũ Đình Cường – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đà Lạt cho biết: “Đà Lạt hàng năm phải đối mặt với hàng trăm vụ chặt phá rừng thông để lấy đất làm rẫy, làm vườn. Một số vụ tương tự đã từng xảy ra trên những cánh rừng thông Đà Lạt. Tuy nhiên, ở vụ việc này, tính chất nghiêm trọng của nó thật đáng quan tâm!”.

Theo hồ sơ của Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, ngày 24-9, 4 đối tượng cùng trú tại thôn Măng Ling (phường 7, Đà Lạt) là Võ Đình Thọ (SN 1967), Vi Văn Công (SN 1993), Lư Văn Trung (Sn 1989) và Tương Quốc Huyền (SN 1990) đã ngang nhiên vào rừng phòng hộ Tà Nung (tiểu khu 149B) do Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Nung (Đà Lạt) quản lý để cưa hạ hàng loạt cây thông. Biên bản được lập tại hiện trường cho thấy, số lượng cây thông bị các đối tượng cưa hạ lên đến 1.143 cây; tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại lên đến trên 60m3.

“Toàn bộ số cây thông trong rừng phòng hộ bị đốn hạ này đều là rừng trồng năm 1998, có đường kính gốc từ 10 – 20cm, cao 7 – 8m, phạm vi đất rừng bị tác động gần 2,5ha. Trên diện tích này, đất đã được đào hố và vừa được xuống giống trồng cà phê (giữa tháng 9-2010) chiếm khoảng 50%, diện tích còn lại cũng đã được đào hố cà phê nhưng chưa kịp xuống giống. Tại hiện trường còn có 12.000 cây cà phê giống được tập kết ở 11 vị trí, cây giống đang còn được để nguyên trong bịch nilon” – ông Vũ Đình Cường cho biết.

Đã mất 147ha rừng thông...

Mới đây, một vụ tàn sát rừng thông để phân lô chiếm đất trái phép khiến dư luận khá bức xúc là vụ “giao rừng dự án” đối với rừng thông nội ô Đà Lạt tại Tiểu khu 156 thuộc Ban quản lý rừng Lâm Viên (nằm sát dinh I, phường 10). Diện tích bị tác động lên đến gần 5.000m2.

Toàn bộ số cây thông trong rừng phòng hộ bị đốn hạ này đều là rừng trồng năm 1998, có đường kính gốc từ 10 – 20cm, cao 7 – 8m, phạm vi đất rừng bị tác động gần 2,5ha. Trên diện tích này, đất đã được đào hố và vừa được xuống giống trồng cà phê

Theo biên bản lập tại hiện trường thì tại đây, cả một cánh rừng thông rộng lớn (gần 5.000m2) chỉ còn lại 40 cây thông chưa kịp bị chặt hạ. Có đến 5 lô đất đã được san ủi bằng phẳng cùng với một con đường vừa mới mở chạy ngang qua khu rừng.

Theo khai nhận của Doanh nghiệp tư nhân Thành Danh Phát (2/5 Quang Trung, phường 10, Đà Lạt) thì đơn vị này đang “thi công công trình” cho Công ty Descon – một công ty đang thuê rừng lập dự án du lịch nghỉ dưỡng tại đây.

Ông Nguyễn Đức Kim - Tiểu khu trưởng Tiểu khu 156 (BQL rừng Lâm Viên) tính toán: “Căn cứ vào hiện trường bị tác động – gần 5.000m2, thì số lượng thông đã bị chặt hạ là vào khoảng 1.000 cây. Vụ việc này cũng đã bị khởi tố để điều tra làm rõ.

Hiện không có con số thống kê chính xác trung bình mỗi năm Đà Lạt mất bao nhiêu rừng thông. Chỉ tính riêng ở khu nội ô, theo báo cáo của Công ty quản lý Công trình đô thị thì từ 1997 đến nay, 431ha rừng thông được giao cho Công ty quản lý (theo Quyết định 959/QĐ-UB ngày 25-6-1997 của UBND tỉnh Lâm Đồng) nay chỉ còn 284ha – giảm 147ha.

Nếu tính rộng ra ở phạm vi rừng thông ngoại ô thì con số này sẽ lên đến cả ngàn hécta bị mất đi trong các năm qua. Và dĩ nhiên, cũng có hàng ngàn lý do để biện minh cho sự “ra đi” của rừng thông Đà Lạt. Nhưng một trong những lý do không thể chối cãi đó là do chính con người đang “tàn sát” những cánh rừng này, hủy diệt lá phổi xanh và môi trường trong lành của Đà Lạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem