Thận trọng khi mở rộng trồng cây ca cao

Thứ tư, ngày 14/12/2011 13:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại Hội nghị quốc tế ca cao Việt Nam ngày diễn ra ngày 13.12 ở Bến Tre, nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp tỏ ra lo lắng trước tình trạng phát triển cây ca cao ồ ạt.
Bình luận 0

Định hướng của ngành nông nghiệp đến năm 2015 sẽ trồng 35.000ha, năng suất bình quân đạt 1 tấn/ha, tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 60 triệu USD. Và đến năm 2020 trồng được 50.000ha, năng suất bình quân 1,2 tấn/ha, trị giá xuất khẩu 100 triệu USD.

img
Một người dân ở Tiền Giang thu hoạch ca cao.

Nhiều lo ngại

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lương Lê Phương cho rằng nguồn nhân lực, chuyên gia về khoa học kỹ thuật áp dụng cho ca cao còn thiếu. Nông dân còn thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật thu hoạch, sơ chế và bảo quản hạt, thiếu thông tin thị trường. Ngoài ra sản lượng ca cao Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước trên thế giới chưa tạo được thương hiệu, chỗ đứng nên thị trường tiêu thụ hết sức khó khăn.

“Ca cao không mang lại giá trị kinh tế cao đột biến, trái ngược tập tục canh tác của người dân ĐBSCL, Tây Nguyên nên rất khó cạnh tranh với cây cà phê, cao su, điều, tiêu… “ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) rút ra nhận định từ nghiên cứu trồng mới ca cao tại huyện Lăk (Đăk Lăk) từ năm 2008 đến nay. Ông Bình đề nghị chỉ nên khuyến khích trồng xen canh ca cao với những cây lâu năm khác thay vì làm cây trồng chủ lực.

Các doanh nghiệp tham dự hội nghị cũng lo ngại khi thị trường ca cao thời gian gần đây diễn biến phức tạp. Cụ thể giá ca cao thế giới có xu hướng giảm, tại thị trường New York hiện chỉ khoảng 2.730 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức 3.650 USD/tấn trong những tháng đầu năm 2011.

Theo giám đốc một doanh nghiệp tại Bến Tre, giá ca cao thế giới giảm giá do các nước xuất khẩu lớn như Ghana, Bờ Biển Ngà… trở lại thị trường sau thời gian gián đoạn do bất ổn trong nước. Với nguồn cung ổn định, có chất lượng, thương hiệu nên ca cao Việt Nam khó cạnh tranh được với đối thủ.

Chủ động công nghệ chế biến từ trong nước

Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và Nghề muối đánh giá thị trường của ca cao là các nước phát triển có thu nhập cao. Đây là thị trường lớn nhưng rất khó xâm nhập nếu sản phẩm không có chất lượng và đảm bảo an toàn.

Ông Phan Hồng Đức Phước (Ban điều phối phát triển ca cao Việt Nam) cho hay từ kinh nghiệm của cà phê, phải xây dựng các vườn ca cao theo tiêu chuẩn UTZ ngay từ bây giờ. Chứng chỉ này sẽ giúp con đường tiếp cận thị trường ca cao thế giới rút ngắn hơn rất nhiều. Hiện nay mới chỉ có 600 hộ nông dân tham gia với chỉ 541,2ha, tương đương 532,7 tấn được chứng nhận UTZ. Những hộ dân có chứng chỉ UTZ được các doanh nghiệp thu mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm cộng với giá thưởng thêm 100 USD/tấn.

Hiện nay mới chỉ có 600 hộ nông dân tham gia với chỉ 541,2ha, tương đương 532,7 tấn được chứng nhận UTZ. Những hộ dân có chứng chỉ UTZ được các doanh nghiệp thu mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm cộng với giá thưởng thêm 100 USD/tấn.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Lương Lê Phương, để người trồng ca cao không chịu cảnh được mùa rớt giá thì các doanh nghiệp phải làm chủ công nghệ chế biến.

“Để đầu tư làm chủ công nghệ chế biến ca cao phải mất rất nhiều tiền và thời gian nghiên cứu. Thực tế trong nước có rất ít công ty chế biến ca cao mà chủ yếu xuất thô nên lợi nhuận mang lại cho người nông dân và doanh nghiệp không cao” - ông Nguyễn Hữu Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ca cao Việt Nam cho biết.

Ông Phát kiến nghị Nhà nước nên miễn giảm thuế đối với các cơ sở chế biến, sản xuất thiết bị sơ chế ca cao. Ngoài ra thuế nhập khẩu đồng bộ công nghệ tiên tiến chế biến hạt ca cao cũng cần được miễn giảm để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem