Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tin tưởng rằng, Hội nghi Tham vấn về việc thành lập CSA sẽ mang đến cho các nước châu Á cơ hội thảo luận và đóng góp ý kiến cho việc thành lập Liên minh CSA. Theo dự kiến, Liên minh CSA sẽ được chính thức ra mắt tại Hội nghị Thượng đỉnh của Tổng thư ký Liên hiệp quốc vào tháng 9 tới.
“Hội nghị tham vấn khu vực hôm nay chính là thời điểm đúng lúc để chúng ta đóng góp ý kiến làm sao để phát triển Liên minh hiệu quả này và làm cách nào để thu hút nhiều hơn sự tham gia của các bên liên quan như: các chình quyền từ cấp trung ương đến địa phương; các nhà sản xuất, chế biến và kinh doanh lương thực, thực phẩm; các nhà nghiên cứu khoa học và các tổ chức giáo dục; các tổ chức dân sự và các tổ chức phi chính phủ; các tổ chức quốc tế đa phương; và khu vực tư nhân vào hoạt động của Liên minh nhằm thúc đẩy việc áp dụng CSA ở quy mô toàn cầu,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Trình bày tại Hội nghị tham vấn, bà Kim Van Seeters - Ban thư ký tạm quyền của CSA cho biết, mục đích của Liên minh là nhằm hỗ trợ các chính phủ tham gia chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp, hệ thống thực phẩm và chính sách xã hội, có tính đến vấn đề biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, Liên minh cũng nhằm tạo liên kết ranh giới giữa ngành truyền thống, các tổ chức, tư nhân và chính phủ; tạo bước trung gian, xúc tác và hỗ trợ thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi để hành động đồng thời hỗ trợ các tiến trình quốc tế liên quan đến nông nghiệp, an toàn thực phẩm và biến đổi khí hậu cho các thành viên của tổ chức.
Đồng quan điểm, giáo sư Hiroyuki Konuma, trợ lý Tổng Giám đốc kiêm đại diện khu vực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương cho rằng, Hội thảo tham vấn là cơ hội cho các bên tham gia trong khu vực thảo luận các thách thức và mối liên kết phức tạp cần có các chuyển đổi lớn mang tính đột phá trong nông nghiệp và phát triển nông thôn trong khu vực.
Nhấn mạnh tại Hội nghị sáng nay, giáo sư Hans Hoogeveen - Thứ trưởng Nông nghiệp Hà Lan cũng bày tỏ quan điểm, đầu tư vào nông nghiệp là phương thức hiệu quả nhất trong xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh vấn đề môi trường trong nông nghiệp sẽ là chìa khóa hỗ trợ các đầu tư này. Theo đó, vai trò của khối tư nhân và nhà đầu tư tư nhân cần được củng cố trong quá trình lồng ghép với nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.